Bình luận: Vì sao Hội nghị Thượng đỉnh NATO một lần nữa “gây chuyện” với Trung Quốc?

2023-07-14 11:00:21(GMT+08:00) CRI
Chia sẻ:

Hội nghị Thượng đỉnh NATO tại Vilnius đã bế mạc vào ngày 12/7. Thông cáo chung của hội nghị thượng đỉnh đưa ra một ngày trước đó đã có hơn chục lần đề cập đến Trung Quốc và một lần nữa tuyên bố Trung Quốc tạo ra một “thách thức mang tính hệ thống” đối với an ninh Châu Âu - Đại Tây Dương.

Theo lịch trình của NATO, hội nghị thượng đỉnh lần này chủ yếu bàn về tình hình Ukraine và vấn đề mở rộng thành viên, vì sao một lần nữa“gây chuyện” với Trung Quốc? Thực ra, đây không phải chuyện lạ. NATO là liên minh quân sự lớn nhất thế giới, động lực căn bản cho sự tồn tại của tổ chức này là phải có đối thủ. Sau khi Chính quyền Tổng thống Biden lên nắm quyền đã định vị sai lầm coi Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh chiến lược quan trọng nhất”, đề xuất rõ ràng “chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” cần có sự tham gia của NATO. Dưới “cây gậy chỉ huy” của Washington, NATO ngày càng tỏ ra cứng rắn với Trung Quốc.

NATO chỉ trích vô lý Trung Quốc đã tạo ra một “thách thức mang tính hệ thống”, e rằng thậm chí nhiều thành viên của tổ chức này cũng không đồng ý. Bởi vì sự thật rất rõ ràng: Trung Quốc chưa bao giờ chủ động gây nên cuộc xung đột nào, chưa bao giờ chiếm một tấc đất nào của nước khác, chưa bao giờ phát động cuộc chiến tranh ủy nhiệm nào.

Ngược lại, NATO tự xưng là một tổ chức phòng thủ và bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên quy tắc, nhưng lại bỏ qua Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và phát động chiến tranh đối với các quốc gia có chủ quyền như Nam Tư, Syria,v.v., dẫn đến vô số thường dân thiệt mạng, hàng chục triệu người vô gia cư.

Lấy cuộc khủng hoảng Ukraine làm ví dụ, nguyên nhân căn bản của cuộc khủng hoảng này là do NATO không ngừng mở rộng về phía đông, làm xói mòn và siết chặt không gian an ninh của Nga. Sau khi cuộc khủng hoảng bùng nổ, Mỹ thúc đẩy các thành viên NATO đưa một lượng lớn vũ khí tới Ukraine, dẫn đến tình trạng bế tắc ngày càng trầm trọng.

Hiện nay, trở ngại mấu chốt để Thụy Điển gia nhập NATO đã được gỡ bỏ, có nghĩa là NATO sẽ một lần nữa mở rộng thành viên. Giáo sư Radhika Desai, Khoa Nghiên cứu Chính trị thuộc Đại học Manitoba ở Canada chỉ rõ, việc NATO liên tục mở rộng về phía đông cuối cùng đã làm suy yếu an ninh của châu Âu; giờ đây khi NATO đang “vươn vòi” sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cũng sẽ đe dọa an ninh của khu vực này.

Khách quan mà nói, trong NATO cũng có một số tiếng nói lý tính. Tổng thống Pháp Macron tại một cuộc họp báo sau hội nghị thượng đỉnh cho biết, NATO là một tổ chức Bắc Đại Tây Dương, Nhật Bản không nằm trong khu vực Bắc Đại Tây Dương. Những tiếng nói như vậy cần tìm kiếm sự đồng thuận nhiều hơn trong NATO.

Biên tập viên:La Thành