Tăng cường thúc đẩy thương mại nông sản Việt - Trung

2023-07-11 07:00:05(GMT+08:00) CMG
Chia sẻ:

    Tiếp nối các nỗ lực tăng cường giao lưu hai nước Việt Nam – Trung Quốc trong lĩnh vực thương mại nông sản, ngày 6/7 vừa qua tại Hà Nội đã diễn ra buổi làm việc trao đổi và Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam) và Hiệp hội Xuất nhập khẩu tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Hoạt động này nhằm đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá, kết nối thị trường cho các sản phẩm của ngành nông nghiệp hai nước Việt Nam – Trung Quốc cũng như giữa ngành nông nghiệp Việt Nam với tỉnh Quảng Đông.

Ảnh: Hai bên ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác

    Theo nội dung Biên bản ghi nhớ hợp tác, hai bên thống nhất sẽ tích cực trao đổi thông tin, thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc thông qua các doanh nghiệp nhập khẩu tỉnh Quảng Đông và giới thiệu một số vật tư, máy, thiết bị nông nghiệp, dây chuyền phục vụ sản xuất, chế biến, đóng gói sản phẩm nông nghiệp của Trung Quốc với doanh nghiệp Việt Nam. Ngoài ra, hai bên sẽ cùng nhau phối hợp trong các hoạt động tổ chức đưa đoàn doanh nghiệp, hợp tác xã của hai nước tham gia hội chợ, thăm quan và giao dịch tại các hội chợ triển lãm chuyên ngành nông nghiệp, tổ chức các hội nghị, hội thảo, diễn đàn xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm ở hai quốc gia.

    Quảng Đông là một tỉnh đứng đầu về kinh tế Trung Quốc với 126 triệu dân, GDP năm 2022 của tỉnh đạt quy mô 12911,8 tỷ Nhân dân tệ (tương đương khoảng 1900 tỷ USD). Đây cũng là địa phương thực hiện cải cách mở cửa với thế giới sớm nhất Trung Quốc với đặc khu Thâm Quyến nổi tiếng và cảng biển Thâm Quyến ở tầm khu vực và thế giới.

    Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp bày tỏ hy vọng với sự giúp đỡ của Hiệp hội Xuất nhập khẩu Quảng Đông, tới đây hoạt động xúc tiến nông sản Việt Nam tại thị trường Trung Quốc sẽ được đẩy mạnh, gặp nhiều thuận lợi hơn sau một thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19. 

   “Phía Việt Nam cũng có nhu cầu rất lớn với các thiết bị nông nghiệp, khoa học công nghệ trong chế biến, đóng gói hàng nông sản… Đây là những lĩnh vực mà Trung Quốc đã có rất nhiều đột phá,” ông Nguyễn Minh Tiến nói, khẳng định việc tham gia các hội chợ về máy móc, công nghệ tại Trung Quốc là cơ hội vô cùng tốt để doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm giải pháp phù hợp cho mình.

Ảnh: Ông Nguyễn Minh Tiến (giữa), Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại

Nông nghiệp phát biểu tại buổi làm việc

    Theo ông Nguyễn Minh Tiến, phía Việt Nam còn đặc biệt quan tâm tới kinh nghiệm của Trung Quốc trong phát triển dịch vụ logistics đối với hàng nông sản và phân phối trên sàn thương mại điện tử.

  “Sự phát triển của dịch vụ logistics trong lĩnh vực hàng nông sản của Trung Quốc hiện nay đang đứng đầu thế giới. Hàng hoá sau khi được đặt mua online thì thường chỉ sau 1 ngày, chậm nhất là 2 ngày đã có thể đến tay người tiêu dùng. Đây thực sự là một điều kinh ngạc đối với đất nước có quy mô dân số và diện tích rộng lớn như Trung Quốc,” vị đại diện đánh giá.

     Liên quan đến nội dung này, phía Hiệp hội Xuất nhập khẩu Quảng Đông đã có chia sẻ cụ thể về kinh nghiệm phát triển hệ thống logistics và tình hình hoạt động của các sàn thương mại điện tử nông sản tại Trung Quốc. Hai bên cũng nhất trí sẽ xây dựng phương án triển khai công xưởng livestream tại trụ sở Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp. Phía Hiệp hội Xuất nhập khẩu Quảng Đông sẽ hỗ trợ đào tạo kỹ thuật, kỹ năng livestream và bán hàng trên các sàn thương mại điện tử cho các chủ thể, doanh nghiệp và người nông dân Việt Nam.

 

Ảnh: Hai bên thảo luận triển khai các nội dung hợp tác 

    Trong thời gian qua, quan hệ thương mại giữa song phương giữa Trung Quốc và Việt Nam ngày càng phát triển tích cực, Trung Quốc luôn là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam nhiều năm liên tục, còn Việt Nam là đối tác lớn nhất của Trung Quốc trong khối ASEAN. Có nhiều yếu tố khiến cho mối quan hệ kinh tế ngày càng phát triển, đó không chỉ là vị trí địa lý gần gũi, cơ cấu hàng hoá xuất nhập khẩu có tính bổ sung cao, mà quan trọng hơn, là môi trường đầu tư tại 2 nước đang có nhiều thuận lợi, dư địa cho các doanh nghiệp hai bên hợp tác còn rất lớn.

Biên tập viên:Sảnh Hoa