Toạ đàm thể thao Trung – Việt: Tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị, hợp tác hai nước

2023-07-05 14:07:08(GMT+08:00) CRI
Chia sẻ:

Từ lâu, Trung Quốc và Việt Nam đã là hai nước láng giềng hữu nghị, hợp tác chặt chẽ trên nhiều phương diện, trong đó giao lưu trong lĩnh vực thể thao đang ngày càng được tăng cường, có triển vọng rộng mở và tiềm năng phát triển to lớn. Ngày 28/6 vừa qua, Ban tiếng Việt Đài Phát thanh Truyền hình Trung ương Trung Quốc đã phối hợp cùng Uỷ ban Olympic Việt Nam tổ chức chương trình “Toạ đàm thể thao Trung Quốc – Việt Nam”, hy vọng thông qua giao lưu tìm hiểu sẽ giúp hai bên học hỏi kinh nghiệm và phát triển lẫn nhau, mở ra các cơ hội hợp tác sâu rộng hơn nữa, tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân hai nước.

Tọa đàm diễn ra ở hai đầu cầu: Phòng thu của Đài Phát thanh-Truyền hình Trung ương Trung Quốc tại Bắc Kinh và Trụ sở Tổng cục Thể dục Thể thao (TDTT) tại Hà Nội. Phía Việt Nam có các đại biểu từ Ban Kinh tế Trung ương; đại diện các nhà quản lý, nhà khoa học thuộc Tổng cục TDTT, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Trường Đại học TDTT, lãnh đạo một số Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia và nhiều vận động viên tiêu biểu của Việt Nam. Các khách mời phía Trung Quốc gồm có Giáo sư Hà Văn Nghĩa - Tổng thư ký Cơ sở Nghiên cứu Kinh tế thể thao Trung Quốc của trường Đại học Bắc Kinh, Giáo viên Lớp vận động viên vô địch Olympic; Ông Hầu Côn - Ủy viên Ủy ban Di sản Văn hoá và Olympic thuộc Ủy ban Olympic quốc tế; Giáo sư Trương Triệu Cung -Trưởng Khoa Esport Trường Đại học Truyền thông Trung Quốc; Ông Lỗ Hân - phụ trách các môn Thể thao điện tử (ESport) của Ban tổ chức Đại hội thể thao châu Á (ASIAD) 19 tại Hàng Châu.

Các đại biểu Việt Nam tham gia toạ đàm từ đầu cầu Hà Nội, ngày 28/6

Tại buổi toạ đàm, các vị đại biểu đã tập trung thảo luận về 03 chủ đề chính: Sự phát triển kinh tế thể thao Trung Quốc và Việt Nam; Bảo vệ quyền lợi của vận động viên, hướng nghiệp vận động viên sau khi nghỉ thi đấu; Chia sẻ một số thông tin về công tác chuẩn bị Đại hội ASIAD 19 và tình hình phát triển ESport ở hai nước.

Tại cuộc toạ đàm, các chuyên gia Trung Quốc đã chia sẻ một số biện pháp cải cách ngành Thể dục thể thao. Kể từ Đại hội 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc, chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc đã bước vào một kỷ nguyên mới, ngành thể thao Trung Quốc cũng bước vào giai đoạn quan trọng để đẩy nhanh quá trình thị trường hóa, nhiều văn bản, chính sách thúc đẩy ngành này đã được ban hành và thực thi. Công cuộc cải cách thể thao đã không ngừng được đẩy mạnh, các nguồn tài nguyên thể thao khác nhau nhanh chóng gia nhập thị trường. Không chỉ trở thành chất xúc tác thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ngành thể thao còn là trọng tâm để cải thiện "chỉ số hạnh phúc" và chất lượng cuộc sống của người dân.

Liên quan đến công tác bảo vệ quyền lợi của các vận động viên, việc sắp xếp việc làm sau khi giải nghệ không chỉ giúp cải thiện lợi ích cho vận động viên mà còn tăng cường phát triển đội ngũ chuyên môn của Thể thao nước nhà. Bằng cách khắc phục về mặt tâm lý cũng như đời sống cá nhân, các vận động viên mới yên tâm cống hiến cho sự nghiệp Thể dục thể thao, qua đó cố gắng thi đấu hết mình vì màu cờ sắc áo.

Các dự án Thể thao Điện tử của Trung Quốc đang được phát triển mạnh mẽ và đang dẫn đầu trên thế giới. Vào tháng 9 tới, ESport sẽ trở thành môn thi đấu chính thức tại ASIAD 19 ở Hàng Châu, Trung Quốc. Đây sẽ là cơ hội thúc đẩy phát triển thị trường ESport, đặc biệt là trong khu vực Đông Nam Á; đồng thời là một lĩnh vực hợp tác rất có triển vọng giữa Trung Quốc và Việt Nam.

Đánh giá về hiệu quả của buổi giao lưu, ông Đặng Hà Việt, Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao Việt Nam kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam cho rằng đây là một chương trình rất ý nghĩa, giúp gợi mở rất nhiều vấn đề, tạo cơ hội để hai bên thuận lợi tăng cường giao lưu, học hỏi và trao đổi lẫn nhau trên các lĩnh vực mới về quản lý, phát triển thể thao và Phong trào Olympic trong tương lai. Vị đại diện cũng khẳng định, Việt Nam rất quan tâm và mong muốn học hỏi từ các kinh nghiệm của Trung Quốc trong xây dựng kinh tế thể thao, định hướng phát triển các quỹ thể thao, phòng chống doping và nhiều kinh nghiệm khác nữa.

Ông Đặng Hà Việt (giữa), Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao Việt Nam kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam phát biểu tại Toạ đàm, ngày 28/6 

Theo ông Đặng Hà Việt, hai nước có truyền thống quan hệ lâu đời, láng giềng hữu nghị, hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực thể dục thể thao. Hai bên thường xuyên ủng hộ lẫn nhau trong việc đăng cai sự kiện thể thao quốc tế tầm cỡ Châu lục, trao đổi đoàn Lãnh đạo, cán bộ quản lý, các đoàn vận động viên tham dự các Giải thể thao quốc tế được tổ chức ở mỗi nước. Đặc biệt, là một cường quốc thể thao của thế giới, Trung Quốc đã tạo điều kiện, giúp đỡ Việt Nam cử nhiều đội tuyển quốc gia tập huấn ngắn hạn, dài hạn tại Trung Quốc và hỗ trợ cử chuyên gia giỏi huấn luyện tại Việt Nam góp phần nâng cao thành tích của thể thao Việt Nam những năm qua.

“Toạ đàm lần này đã giúp thúc đẩy giao lưu hữu nghị giữa giới thể thao chuyên nghiệp hai nước, góp phần tăng cường tình đoàn kết hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau giữa hai dân tộc, là minh chứng cho sự hợp tác thiết thực, toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc,” ông Đặng Hà Việt nói.

 

Đoàn đại biểu phía Việt Nam chụp ảnh kỷ niệm sau khi kết thúc toạ đàm, ngày 28/6

 

Biên tập viên:Kiều Quân