Bình luận: “Xanh tiến cát lui” thể hiện trách nhiệm và đóng góp của Trung Quốc trong việc chống sa mạc hoá

2023-06-17 21:42:46(GMT+08:00) CMG
Chia sẻ:

Ngày 17/6 là Ngày Thế giới chống Sa mạc hóa và Hạn hán lần thứ 29. Hiện nay, diện tích sa mạc hoá trên toàn cầu đã lên tới 36 triệu ki-lô-mét vuông, chiếm 1/4 tổng diện tích đất liền của trái đất, hơn nữa hàng năm còn mở rộng với tốc độ 50.0000 -70.000 ki-lô-mét vuông, sa mạc hóa đã trở thành “sát thủ hàng đầu” của hệ thống sinh thái trên toàn cầu. Làm thế nào để chống lại việc đất thoái hóa, làm giảm xu thế sa mạc hoá, để lại tương lai bền vững cho thế hệ mai sau đã trở thành vấn đề nan giải mà chính phủ các nước cần gấp rút giải quyết. Trung Quốc là nước ký kết “Công ước chống sa mạc hoá của Liên Hợp Quốc”, từ trước đến nay luôn coi trọng việc phòng chống sa mạc hoá, đã triển khai rộng rãi hành động xanh hoá đất nước, mạnh dạn tìm tòi và hành động tích cực trên con đường chống sa mạc hóa, khiến tỷ lệ phủ xanh tại những vùng bị sa mạc hoá nghiêm trọng không ngừng tăng lên.

Trung Quốc là một trong những nước có diện tích sa mạc hoá lớn nhất và bị tác hại bởi gió cát nghiêm trọng nhất trên thế giới. Trong thời kỳ sa mạc hoá nghiêm trọng nhất, hầu như hàng năm đều mở rộng 10 nghìn ki-lô-mét vuông, nếu bỏ mặc trong 30 năm, diện tích sa mạc hoá tăng thêm hầu như sẽ tương đương với diện tích của cả nước Việt Nam. Kể từ nước Trung Hoa mới thành lập, trong bối cảnh còn  rất nhiều việc phải làm, Trung Quốc đã bắt đầu triển khai hành động chống sa mạc hoá, xây dựng trạm thí nghiệm cố định cát và trồng cây gây rừng tại các vùng bị sa mạc hoá như huyện Chương Võ, Liêu Ninh; huyện Dân Cần, Cam Túc; thành phố Dư Lâm, Thiểm Tây, v,v, không ngừng tích lũy kinh nghiệm chống sa mạc hoá, nâng cao kỹ thuật chống sa mạc hoá.

Kể từ thập niên 70 của thế kỷ trước, Trung Quốc đã lần lượt khởi động những dự án sinh thái trọng điểm như xây dựng hệ thống rừng phòng hộ Tam Bắc, bảo vệ rừng thiên nhiên, quản trị nguồn gió cát Bắc Kinh và Thiên Tân, quản trị tổng hợp đất cát bị xói mòn, tiến hành quản trị tập trung đối với những vùng bị sa mạc hoá nghiêm trọng, với đầu tư lũy kế hơn 1 nghìn tỷ Nhân dân tệ. Trong hàng chục năm qua, những dự án trọng điểm này đã đạt được thành tựu to lớn, tình hình sinh thái trong khu dự án đã được cải thiện rõ rệt, lần lượt tạo nên các kỳ tích trong việc phục hồi sinh thái. Huyện Hữu Ngọc tỉnh Sơn Tây ở sát sa mạc Mao Ô Tố, tỷ lệ phủ xanh từ chưa đến 0,3% tăng lên tới 57%; Lâm trường Tái Hãn Bá tỉnh Hà Bắc, tỷ lệ rừng phủ xanh đã từ 11,4% của lúc bắt đầu xây dựng tăng lên tới 80%; Sa mạc Khố Bố Kỳ, Nội Mông với diện tích 18,6 ki-lô-mét vuông, là sa mạc lớn thứ 7 của Trung Quốc. Trong 30 năm qua, sa mạc này đã có 1/3 diện tích được phủ xanh, gấp 7 – 8 lần diện tích Singapore ... Số liệu công khai cho thấy, diện tích hoang mạc hoá và đất bị sa mạc hoá của Trung Quốc đã giảm ròng liên tục trong 20 năm, xu thế hoang mạc hoá và sa mạc hoá đã được kiềm chế hiệu quả, thực hiện bước chuyển ngoặt mang tính lịch sử từ “cát tiến người lui” đến “xanh tiến cát lui”. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Guterres đánh giá: Trung Quốc đi đầu toàn cầu trong việc thực hiện  thoái hóa đất “tăng trưởng bằng 0”, diện tích hoang mạc hoá và sa mạc hoá đều giảm, góp phần to lớn vào việc thực hiện mục tiêu 2030 của Liên Hợp Quốc vì thoái hóa đất tăng trưởng bằng 0.

Qua thực tiễn trong nhiều năm, Trung Quốc còn đi trên con đường hiện đại hoá kết hợp với việc cải thiện sinh thái với phát triển kinh tế trong khi chống  sa mạc hóa. Dựa theo điều kiện ánh sáng mặt trời, nhiệt độ, đặc thù thổ nhưỡng độc đáo của vùng sa mạc, các địa phương đã phát triển những ngành nghề mang đặc sắc vùng sa mạc như thức ăn gia súc, thuốc bắc, hoa quả,v,v, thúc đẩy người dân vùng sa mạc làm giàu trong khi chống sa mạc hoá và trong khi làm giàu thì chống sa mạc hóa. Theo thống kê, vùng sa mạc Trung Quốc hàng năm sản xuất 48 triệu tấn hoa quả tươi và khô, chiếm 1/4 tổng sản lượng cả nước, giá trị tổng sản lượng hàng năm lên tới 120 tỷ Nhân dân tệ, tại những vùng trọng điểm, thu nhập hoa quả chiếm tới 50% thu nhập ròng của nông dân. Đây là kinh nghiệm chống sa mạc hoá có thể sao chép, có thể nhân rộng và có tính bền vững, đã giải quyết vấn đề nan giải là “làm thế nào có thể phòng chống sa mạc một cách bền vững” của thế giới.

Không những vậy, Trung Quốc còn kiên trì hợp tác quốc tế một cách sâu rộng, tổ chức các lớp chuyên tu cho quan chức cấp cao thực thi “Công ước chống sa mạc hoá của Liên Hợp Quốc” và chống bão cát cho các nước “Vành đai và Con đường”; Tổ chức Diễn đàn quốc tế sa mạc Khố Bố Kỳ; Cùng xây dựng Trung tâm đào tạo quốc tế chống sa mạc hoá và Trung tâm quản lý kiến thức chống sa mạc hoá quốc tế với Liên Hợp Quốc; Tích cực tham gia việc chống sa mạc hoá của các nước Mông Cổ, Kazakhstan, Saudi Arabia, Mauritania ... Thúc đẩy các dự án chống sa mạc hoá tại các nước “Vành đai và Con đường”, đóng góp kinh nghiệm Trung Quốc và phương án Trung Quốc vào việc quản trị sinh thái toàn cầu.

Hiện nay, cả thế giới hơn 2 tỷ người thuộc 167 nước và vùng lãnh thổ bị đe doạ bởi sa mạc hoá. Đúng như Thư ký điều hành Công ước chống sa mạc hoá của Liên Hợp Quốc Ibrahim Thiaw đánh giá, cho dù là đối với việc phục hồi đất hay là sự phát triển của nhân loại trên toàn cầu, kinh nghiệm chống sa mạc hoá của Trung Quốc đều rất có ý nghĩa tham khảo và học hỏi, những kinh nghiệm này đã được đưa đến Thổ Nhĩ Kỳ, châu Phi và châu Mỹ Latinh, khiến càng nhiều người ở đó được hưởng lợi.

Biên tập viên:Duy Hoa