Doanh nhân Trung Quốc: “Tràn đầy cơ hội kinh doanh tại Việt Nam!”
Đại dịch COVID-19 dù tác động mạnh mẽ tới thế giới nhưng trước giờ chưa thể ngăn được đà giao lưu ngày càng sâu sắc giữa Trung Quốc và Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại. Từ đầu năm 2023 đến nay, cùng với việc Trung Quốc ưu hoá các biện pháp phòng dịch COVID-19 tạo thuận lợi cho đi lại, nhiều đoàn doanh nhân Trung Quốc đã nhanh chóng trở lại Việt Nam tìm kiếm cơ hội hợp tác, bầu không khí vô cùng hứng khởi.
Ông Hậu Hồng Băng là Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Xuất nhập khẩu tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Trung tuần tháng Năm vừa qua, ông đã có chuyến công tác đến thủ đô Hà Nội. Dù đây mới là lần thứ hai đến Việt Nam nhưng ông Hậu Hồng Băng đã nhận thấy đầy những cơ hội kinh doanh, hợp tác tiềm năng giữa hai phía. Chia sẻ với Đài chúng tôi, ông nói:
“Việt Nam là một quốc gia đang phát triển nhanh chóng, nền kinh tế đều bừng bừng sức sống. Rất nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư Trung Quốc đang và sẽ tìm đến Việt Nam làm ăn, người dân Trung Quốc ngày càng biết đến Việt Nam như một điểm đến du lịch lý tưởng và là quê hương của nhiều sản vật nông nghiệp chất lượng cao.”
Ông Hậu Hồng Băng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Xuất nhập khẩu tỉnh Quảng Đông (trái) trong chuyến công tác tới Hà Nội, tháng 5/2023
Tháng Tám tới đây, Phòng Thương mại Xuất nhập khẩu tỉnh Quảng Đông sẽ cùng các đối tác Việt Nam phối hợp tổ chức Hội chợ Thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam. Sự kiện được đồng tổ chức cùng Triển lãm Quốc tế Logistics Việt Nam lần đầu tiên, diễn ra từ 10 -12/8, được kỳ vọng sẽ tích cực thúc đẩy chuyển đổi kỹ thuật số nền kinh tế và sự phát triển của thương mại điện tử, đầu tư nước ngoài vào các chuỗi công nghiệp liên quan đến thương mại điện tử có lợi cho việc thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường thương mại điện tử Việt Nam nói chung và lĩnh vực logistics thương mại điện tử nói riêng.
“Chúng tôi mong bên cạnh các nhà cung cấp đến từ Trung Quốc còn có thật nhiều thật nhiều đơn vị cung ứng Việt Nam và quốc tế cũng tham gia Hội chợ này. Chúng tôi hướng đến tạo lập một vòng tuần hoàn chuỗi cung ứng giữa các quốc gia để phát triển một thị trường chung, nơi hàng hoá được lưu thông không chỉ từ Trung Quốc sang Việt Nam mà còn ngược lại, tức là từ nhà sản xuất tới bất cứ người tiêu dùng nào có nhu cầu,” vị doanh nhân Trung Quốc bày tỏ kỳ vọng.
Thời gian qua, thương mại điện tử xuyên biên giới giữa Trung Quốc và các nước phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là sau khi Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đi vào thực thi. RCEP có hiệu lực giúp giảm đáng kể các dòng thuế nhập khẩu, đơn giản hoá nhiều loại thủ tục hải quan, hỗ trợ xúc tiến thị trường…, để người tiêu dùng trong khu vực có thể được tận hưởng nhiều sản phẩm chất lượng tốt với mức chi phí ngày càng giảm.
Chia sẻ thêm về các dự án hợp tác hai phía, ông Hậu Hồng Băng cho biết hiện đang có kế hoạch xây dựng một showroom tại Quảng Châu để giới thiệu các sản phẩm nổi bật của Việt Nam tới người tiêu dùng Trung Quốc.
“Chúng tôi hiện đang thúc đẩy việc hoàn tất ký kết với các đối tác, nhà cung ứng và đơn vị phân phối để tới đây, dự kiến vào khoảng tháng Sáu hoặc tháng Bảy, showroom sẽ đi vào hoạt động. Tại đó, người dân Trung Quốc sẽ được trực tiếp trải nghiệm những đặc sản của Việt Nam trong đó có sầu riêng và tổ yến,” vị doanh nhân nói.
Riêng về tổ yến, ông Hậu Hồng Băng đánh giá, đây là mặt hàng vô cùng tiềm năng. Trước đây Trung Quốc chỉ nhập khẩu tổ yến từ Malaysia và Indonesia nhưng gần đây, Hải quan Trung Quốc đã cho phép nhập khẩu tổ yến chính ngạch từ Việt Nam. Đây là điều người tiêu dùng Trung Quốc rất hoan nghênh vì tổ yến Việt Nam có chất lượng rất tốt, hương vị thơm ngon cùng hàm lượng dinh dưỡng cao.
Ông Hậu Hồng Băng (trái) chụp ảnh cùng đại diện phía Bộ Công thương Việt Nam trong chuyến công tác tới Hà Nội, tháng 5/2023
Ông Hậu Hồng Băng chỉ ra một viễn cảnh trong tương lai không xa, khi người tiêu dùng Trung Quốc có thể dễ dàng mua được tổ yến Việt Nam ngay tại những siêu thị gần nhà. Họ thậm chí còn có thể đặt hàng tổ yến Việt Nam trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, sau đó chỉ việc chờ cho đến khi hàng hoá được giao tận cửa.
“Hiện nay các điều kiện hết sức thuận lợi: Chính phủ hai nước vô cùng cởi mở về mặt chính sách, nhu cầu thị trường lớn, các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới phát triển, chất lượng dịch vụ vận chuyển cũng ngày càng cao đảm bảo chất lượng hàng hoá, hệ thống thanh toán quốc tế tiện lợi…,” ông Hậu Hồng Băng đánh giá.
Biên tập viên:Kiều Quân