Bình luận: Mỹ: “Thầy dạy nhân quyền” ngã ngựa

2023-05-10 08:25:06(GMT+08:00) CRI
Chia sẻ:

Lâu nay, Mỹ luôn tự cho là “thầy dạy nhân quyền”, núp dưới chiêu bài nhân quyền, chỉ tay năm ngón đối với tình hình nhân quyền của nước khác, can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác, không ngờ lại ngã ngựa về vấn đề nhân quyền, bị Liên Hợp Quốc điểm mặt chỉ tên vì vết nhơ nhân quyền của nước mình. Mới đây, tại buổi họp báo sau khi kết thúc chuyến công tác tại Mỹ, Nhóm chuyên gia độc lập “Thúc đẩy công lý và bình đẳng chủng tộc trong thực thi pháp luật” của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc cho biết, sự phân biệt chủng tộc tồn tại rộng rãi trong hệ thống hành pháp của Mỹ, hối thúc Mỹ áp dụng hành động mạnh mẽ hơn, truy cứu trách nhiệm hơn nữa đối với những hành động xâm phạm nhân quyền, tăng cường giám sát đối với các cơ quan hành pháp, giúp đỡ và bồi thường toàn diện cho những nạn nhân bị phân biệt chủng tộc.

Nhưng việc này không phải là Mỹ lơ là, mà là Mỹ chưa bao giờ nhìn thẳng vào cố tật chủ nghĩa sắc tộc và phân biệt chủng tộc tồn tại rộng khắp trong hệ thống hành pháp của nước mình. Năm 2020, sau khi người đàn ông gốc Phi George Floyd bị cảnh sát chẹt cổ đến chết, Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc đã tổ chức phiên điều trần khẩn cấp, tăng cường sự chú ý đối với vấn đề phân biệt chủng tộc của các cơ quan hành pháp Mỹ. Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc còn thành lập Nhóm chuyên gia trên vào năm 2021 nhằm thúc đẩy thực hiện công lý và bình đẳng chủng tộc, buộc những kẻ phạm tội phải chịu trách nhiệm.

Điều đáng tiếc là, cho đến nay, các vụ việc bạo lực về chủng tộc liên quan tới cảnh sát vẫn thường xuyên xảy ra, thậm chí còn tăng mà không giảm. Số liệu của trang điện tử “Mapping Police Violence” cho thấy, năm 2022, cảnh sát Mỹ đã bắn chết 1239 người, trong đó người gốc Phi chiếm 26%, mức cao nhất trong lịch sử. Đối với những vụ việc bạo lực chủng tộc liên quan đến cảnh sát xảy ra liên tiếp, các chính khách Mỹ phần nhiều cũng chỉ quan tâm miệng chứ ít có hành động thực tế, những người gây ra vụ việc cũng ít bị truy cứu trách nhiệm hình sự, khiến các sắc tộc thiểu số trong đó có người gốc Phi sẵn sàng trở thành “George Floyd” tiếp theo. Những tiếng súng, những vụ giết chóc đã vạch trần hiện thực xã hội coi thường nhân quyền của Mỹ.

Tuy Mỹ đã xoá bỏ chế độ nô lệ cách đây gần 160 năm và dành cho cái gọi là quyền bình đẳng cho các sắc tộc thiểu số trong đó có người gốc Phi vào thập niên 60 của thế kỷ trước, nhưng cả hệ thống kinh tế xã hội của Mỹ vẫn duy trì sự phân biệt đối xử các sắc tộc thiểu số. Hiện nay, từ giáo dục đến phúc lợi, từ y tế đến việc làm, bất công về chủng tộc vẫn tồn tại mọi lúc mọi nơi, các sắc tộc thiểu số nói chung cảm thấy đang  sống ở “nước Mỹ khác”. Nhà văn chuyên mục của tờ “Bưu điện Washington” (The Washington Post) Max Boot đã bày tỏ thất vọng trong bài viết rằng, người Mỹ đã sống ở một quốc gia với nền dân chủ đang thoái trào. Các loại hành động xâm phạm nhân quyền đang xảy ra tại Mỹ, đây là dấu hiệu đáng lo ngại

“Rận càng nhiều càng không sợ ngứa.” Trên thực tế, việc phân biệt chủng tộc cũng chỉ là phần nổi của tảng băng chìm trong vấn đề nhân quyền Mỹ, các vụ bê bối tồn tại ở mọi lĩnh vực trong xã hội Mỹ. Ví dụ, chế độ bảo vệ quyền lợi của công dân mất tác dụng, việc bầu cử dân chủ kiểu Mỹ ngày càng rỗng tuếch, khủng hoảng sinh tồn cơ bản của người dân dưới đáy xã hội ngày càng trầm trọng, quyền lợi của phụ nữ và trẻ em đã tụt dốc mang tính lịch sử ... Mặc dù vậy, các chính khách Mỹ vẫn luôn lải nhải hai chữ “nhân quyền” mà không biết xấu hổ, hơi tí là chèn ép và trừng phạt nước khác bằng cái cớ nhân quyền, thậm chí phát động chiến tranh, là nước tạo ra thảm họa nhân quyền lớn nhất toàn cầu.

Stephen Walt, Giáo sư khoa quan hệ quốc tế thuộc Đại học Harvard nêu rõ, Mỹ “cần giải quyết trước các vấn đề trong nước, rồi mới suy nghĩ lại về cách đối phó với phần còn lại của thế giới”. Là “học sinh yếu kém” về nhân quyền trong mắt của cộng đồng quốc tế, việc khẩn cấp trước mắt của Mỹ là khắc phục tình trạng suy giảm nhận thức, tự chữa khỏi bệnh của mình, quét sạch sân nhà của mình. Nếu không, ngày càng nhiều bi kịch về nhân quyền sẽ tiếp diễn.

Biên tập viên:Duy Hoa