“Ngày tiếng Trung Quốc quốc tế” 2023: Cầu nối giao lưu hữu hảo cho thanh niên Trung - Việt

2023-05-01 10:17:02(GMT+08:00) CRI
Chia sẻ:

Nhân dịp “Ngày tiếng Trung Quốc quốc tế 2023”, ngày 21/4 vừa qua, Viện Khổng Tử tại Trường Đại học Hà Nội (Việt Nam) tổ chức Ngày hội trải nghiệm văn hóa Trung Quốc cho các bạn học sinh, sinh viên và những người yêu thích ngôn ngữ, văn hóa Trung Quốc tại Việt Nam, thu hút hàng nghìn lượt người tham gia.

Giữa sân trường Đại học Hà Nội rợp bóng cây, các bạn sinh viên xếp hàng dài trải nghiệm nhiều hoạt động đặc sắc như vẽ tranh thủy mặc nghệ thuật, viết chữ thư pháp, hán phục cổ trang, cắt giấy trang trí, thưởng thức ẩm thực Trung Hoa… Đôi mắt các em chăm chú, gương mặt bừng sáng thích thú cùng những nụ cười rạng rỡ xoá nhoà đi mọi khác biệt về ngôn ngữ, quốc tịch…, chỉ còn lại niềm đam mê chung gắn kết tất cả.

Các bạn sinh viên trải nghiệm vẽ tranh thuỷ mặc nghệ thuật tại sự kiện ngày 21/4

Khoác trên mình bộ Hán phục truyền thống màu đỏ rực rỡ, Trần Thị Thu Hiền, sinh viên khoa tiếng Trung Quốc Đại học Hà Nội, cho biết em rất hào hứng tham dự ngày hội trải nghiệm.

“Một khi đã tìm hiểu thì sẽ càng thấy văn hoá Trung Quốc cuốn hút, sẽ càng muốn đào sâu tìm hiểu thêm. Mỗi yếu tố văn hoá đều có rất nhiều câu chuyện đằng sau,” nữ sinh nói.

 Trần Thị Thu Hiền cảm thấy, riêng câu chuyện về  nguồn gốc “Ngày tiếng Trung Quốc quốc tế” cũng hết sức thú vị. Với việc tiếng Trung Quốc được chỉ định là một trong sáu ngôn ngữ chính thức của Liên Hợp Quốc ngay từ những ngày đầu thành lập, năm 2010, tổ chức này quyết định lấy ngày 20 tháng 4 hàng năm làm “Ngày tiếng Trung Liên Hợp Quốc”, đến năm 2019 thì đổi thành “Ngày tiếng Trung Quốc quốc tế”. Từ đó đến nay, Liên Hợp Quốc và rất nhiều nơi trên thế giới hàng năm đều tổ chức các hoạt động chúc mừng ngày tiếng Trung Quốc quốc tế, tạo cầu nối giao lưu hữu hảo cho nhân dân các nước có ngôn ngữ khác nhau.

Ngày 20 tháng 4 được lựa chọn vì đó là ngày bắt đầu tiết “Cốc Vũ” – một trong 24 tiết khí truyền thống của Trung Quốc, để tưởng nhớ sự đóng góp to lớn của Thương Hiệt trong việc tạo ra chữ Hán. Cốc là ngũ cốc hoa màu nói chung, Vũ là mưa, tiết Cốc Vũ là thời điểm có mưa, những cơn mưa này thường lớn và nặng hạt như những hạt ngũ cốc. Cốc Vũ diễn ra vào khoảng từ ngày 20-21/04 đến 05/05 dương lịch hay khi kinh độ của mặt trời bằng 30. Truyền thuyết kể rằng khi Thương Hiệt phát minh ra các ký tự, trời bỗng đổ thóc xuống, quỷ thần cũng kinh hãi khóc rống. Kể từ đó, người dân Trung Quốc kỷ niệm Cốc Vũ để vinh danh Thương Hiệt.

“Những hoạt động như thế này khiến chúng em hứng thú hơn rất nhiều đối với văn hoá Trung Quốc, khiến việc học tập chuyên ngành trở nên dễ dàng hơn,” Trần Thị Thu Hiền cho biết. Em mơ ước trong tương lai sẽ được đến Trung Quốc để trực tiếp trải nghiệm và tìm hiểu sâu hơn về nền văn hoá lâu đời nhất nhì thế giới. Thông qua việc học tập tiếng Trung và văn hoá Trung Quốc rồi so sánh, đối chiếu với văn hoá Việt Nam, em thấy được rõ nét sự giao thoa, ảnh hưởng lẫn nhau của văn hoá 2 nước, cũng nhận ra được nét đặc sắc riêng biệt của từng nền văn hoá.

Không chỉ tạo ra không gian lý thú cho những người yêu thích ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc “Ngày tiếng Trung Quốc quốc tế 2023” còn đồng thời tạo ra rất nhiều cơ hội giao lưu giữa các bạn sinh viên quốc tế.

 Chu Y Kỳ (sinh năm 2000) là một nữ sinh viên đến từ Vân Nam (Trung Quốc), hiện tại đang theo học khoa tiếng Việt Đại học Hà Nội. Tại hoạt động “Ngày tiếng Trung Quốc quốc tế 2023”, Chu Y Kỳ được gặp gỡ rất nhiều người bạn Việt Nam, cảm nhận rõ nhất chính là niềm yêu thích, say mê của họ đối với văn hoá Trung Hoa.

“Em vừa thấy tự hào về các giá trị văn hoá nước mình, vừa thấy vô cùng trân trọng tình cảm đó của các bạn Việt Nam,” nữ sinh nói.

Đã sinh sống và học tập tại Hà Nội được hơn nửa năm, Chu Y Kỳ ngày càng thêm yêu mến những người bạn mới của mình.  “Từ những ngày đầu nhập trường còn nhiều lúng túng, em đã được các bạn Việt Nam giúp đỡ hết lòng trong cuộc sống và học tập. Có người bạn kể cả không quen biết chút nào cũng sẵn sàng đưa em đi tìm đường, đi mua đồ,…tất cả đều đối xử với em rất tốt,” nữ sinh cảm động nói.

Chu Y Kỳ (trái) và người bạn Việt Nam Trần Thị Thu Hiền (phải) chụp ảnh chung tại Ngày hội trải nghiệm văn hoá Trung Quốc, 21/4/2023

 Chu Y Kỳ mong muốn trong thời gian học tập ở Việt Nam có thể đi du lịch thật nhiều nơi để hiểu biết thêm về đất nước, con người nơi đây. Em mơ ước sau khi tốt nghiệp có thể làm việc tại Việt Nam, giúp đóng góp một phần nhỏ bé vào việc vun đắp tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước.

 Trải qua nhiều kỳ tổ chức, lượng hưởng ứng của các bạn sinh viên đối với hoạt động “Ngày tiếng Trung Quốc quốc tế” do Viện Khổng tử tại Đại học Hà Nội tổ chức ngày càng đông, đối tượng tham dự không chỉ có sinh viên khoa tiếng Trung trong trường mà còn có cả sinh viên các chuyên ngành khác, các trường đại học khác… Thông qua các hoạt động giao lưu, trải nghiệm, ngày càng nhiều thanh niên Việt Nam hiểu rõ hơn về đất nước, con người và văn hóa Trung Quốc. Với niềm đam mê các giá trị văn hoá tốt đẹp và sức trẻ bừng bừng, họ chính là những người kế thừa, thúc đẩy và làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ truyền thống hữu nghị của hai quốc gia.

Một số hình ảnh khác tại sự kiện:

Đại diện Ban tổ chức, khách mời và các bạn sinh viên tại lễ khai mạc “Ngày tiếng Trung Quốc quốc tế 2023” và Ngày hội trải nghiệm văn hoá Trung Quốc tại Đại học Hà Nội, ngày 21/4/2023

Các quầy hàng trải nghiệm văn hoá Trung Quốc thu hút rất đông lượt sinh viên tham quan

Biên tập viên:Kiều Quân