Bình luận: Đừng để các cuộc tranh đấu trên Trái đất lan tới vũ trụ
24/4 là ngày Hàng không vũ trụ Trung Quốc.
Kể từ khi bắt đầu sự nghiệp hàng không vũ trụ của mình từ những năm 50 của thế kỷ trước, Trung Quốc luôn nỗ lực thám hiểm và sử dụng không gian hoà bình, chủ trương tăng cường giao lưu và hợp tác trong lĩnh vực không gian trên cơ sở bình đẳng cùng có lợi, sử dụng hoà bình, phát triển bao trùm, tiếp thêm “năng lượng tích cực” cho sự phát triển của sự nghiệp hàng không vũ trụ nhân loại. Những năm gần đây, Trung Quốc triển khai hợp tác vệ tinh dẫn đường Bắc Đẩu với các nước Tunisia, Saudi Arabia, Argentina, Nam Phi ... Cùng Xây dựng Trung tâm giao lưu thông tin không gian sông Lan Thương – Mekong với các nước Lào, Thái Lan, Campuchia, Myanmar ... Triển khai hợp tác kỹ thuật các sản phẩm hàng không vũ trụ với các nước Nga, Belarus, Pakistan, Nigeria ... Phóng thành công vệ tinh cho các nước Venezuela, Sudan, Ethiopia, Algeria ... và đào tạo gần một nghìn nhân tài hàng không vũ trụ cho hơn 60 nước.
Trong bối cảnh Trạm vũ trụ quốc tế sẽ hết hạn sử dụng, ngay từ lúc bắt đầu xây dựng Trạm vũ trụ riêng của mình, Trung Quốc đã tuyên bố sẽ mở cửa với toàn bộ nước thành viên của Liên Hợp Quốc, hoan nghênh các nước trên thế giới triển khai hợp tác nghiên cứu khoa học trên Trạm vũ trụ Trung Quốc. Điều này đã thu hút nhiều nước xin tham gia. Hiện nay đã có 9 dự án của 23 thực thể thuộc 17 nước trở thành dự án được lựa chọn trong đợt đầu cho thí nghiệm khoa học trên Trạm vũ trụ Trung Quốc. Giám đốc Văn phòng Liên hợp quốc về các vấn đề ngoài vũ trụ Simonetta Di Pippo cho biết, Trung Quốc mở cửa Trạm vũ trụ là một phần quan trọng của Sáng kiến “Toàn cầu chia sẻ vũ trụ” của Liên Hợp Quốc, là một “kiểu mẫu vĩ đại”.
Trong 5 năm tới, Trung Quốc sẽ tập trung thúc đẩy việc hợp tác Trạm nghiên cứu khoa học Mặt Trăng quốc tế, triển khai hợp tác đào tạo và tuyển chọn phi hành gia và các chuyến bay vào vũ trụ chung, chia sẻ với cộng đồng quốc tế về dữ liệu khoa học cộng nghệ của vệ tinh “Hằng Nga 4”, thúc đẩy hơn nữa dịch vụ ứng dụng thông tin vũ trụ toàn cầu, thúc đẩy việc xây dựng Hành lang thông tin vũ trụ Vành đai và con đường, Nền tảng dịch vụ chia sẻ dữ liệu số của Tổ chức hợp tác vũ trụ châu Á – Thái Bình Dương, Chòm sao vệ tinh viễn thám của các thành viên nhóm BRICS ... không ngừng rút ngắn “khoảng cách vũ trụ” bằng nhiều cách khác nhau, mang lại lợi ích cho nhiều quốc gia hơn, đặc biệt là những nước đang phát triển được hưởng lợi.
Những thành tựu giành được trong lĩnh vực hàng không vũ trụ và những nỗ lực xây dựng cộng đồng cùng chung vận mệnh vũ trụ của Trung Quốc lại bị một số ít nước như Mỹ coi như là “cái gai trong mắt”. Thăm dò, khai thác và sử dụng vũ trụ hoà bình là quyền lợi bình đẳng của các nước trên thế giới. Song, là nước siêu cường duy nhất trên thế giới hiện nay, nhiều năm qua Mỹ luôn coi vũ trụ là sân sau của mình, không cho phép các nước khác động đến “lợi ích” của mình. Mỹ đặt rào cản trong việc hợp tác hàng không vũ trụ quốc tế, tùy ý trừng phạt cơ quan hàng không vũ trụ của nước khác, đưa ra luật hạn chế giao lưu và hợp tác hàng không vũ trụ với Trung Quốc, hoặc là quấy nhiễu việc giao lưu và hợp tác thông thường giữa Trung Quốc với các nước khác. Nhằm “chi phối vũ trụ”, Mỹ thậm chí còn can thiệp việc xây dựng các quy định và quy tắc về hoạt động vũ trụ trong khuôn khổ Liên Hợp Quốc.
Thăm dò vũ trụ là sự nghiệp chung của nhân loại. Trước vũ trụ bao la, nhân loại rất nhỏ bé, bất cứ nước nào chỉ dựa vào nước mình, hoặc là có “thiên kiến bè phái” đối với sự nghiệp hàng không vũ trụ, chùn chân bó gối đều không có lợi cho sự phát triển hàng không vũ trụ của nhân loại. Cần phá vỡ rào cản, triển khai giao lưu và hợp tác quốc tế đa phương hoá, đa dạng hoá với thái độ cởi mở hơn. Vũ trụ bao la có thể chứa được tất cả nhà thám hiểm hoà bình.
Biên tập viên:Kiều Quân