Chiến lược chấn hưng nông thôn – Con đường hướng tới Thịnh vượng chung của Trung Quốc

2023-04-11 14:47:49(GMT+08:00) CRI
Chia sẻ:

Để giải quyết tình trạng phát triển mất cân bằng nghiêm trọng giữa thành thị và nông thôn, Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc (năm 2017) đã đề xuất thực hiện chiến lược chấn hưng nông thôn. Từ sau Đại hội XIX, hàng loạt văn kiện chính sách quan trọng đã được ban hành nhằm thực thi chiến lược này, mục tiêu hướng tới xây dựng nông thôn Trung Quốc có “ngành nghề hưng thịnh, sinh thái đáng sống, thôn làng văn minh, quản trị hiệu quả và đời sống sung túc”. Là một học giả nghiên cứu về vấn đề tam nông của Trung Quốc, Thạc sĩ Nguyễn Thanh Giang, công tác tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, việc thực hiện chiến lược chấn hưng nông thôn có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước Trung Quốc, là một trong những con đường đưa quốc gia này tới thịnh vượng chung.

Thạc sĩ Nguyễn Thanh Giang

Thạc sĩ Nguyễn Thanh Giang chỉ ra, thực hiện chiến lược chấn hưng nông thôn là lựa chọn tất yếu để đẩy nhanh bổ sung những yếu kém mất cân bằng phát triển giữa thành thị và nông thôn Trung Quốc. Sau khoảng 40 năm cải cách mở cửa, Trung Quốc đã thúc đẩy cải cách toàn diện ở thành phố, nhờ đó sự phát triển của thành phố đạt được thành tựu rõ rệt, đó là tiến trình đô thị hóa, công nghiệp hóa không ngừng được đẩy nhanh. Còn cải cách ở khu vực nông thôn Trung Quốc đang bước vào vùng nước sâu, nhiều vùng nông nghiệp nông thôn còn phát triển tương đối lạc hậu, tồn tại rất nhiều vấn đề nút cổ chai cần phải giải quyết, những vấn đề đó ảnh hưởng và là rào cản ngăn trở sự phát triển toàn diện của Trung Quốc, sự phát triển mất cân bằng giữa thành thị và nông thôn đã trở thành điểm yếu lớn trong sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước tỷ dân. “Để giải quyết điểm yếu này đòi hỏi Trung Quốc phải tập trung tăng cường giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân ở tầm chiến lược và toàn cục, đồng thời đưa ra phương án và con đường giải quyết một cách toàn diện hơn, hệ thống hơn và căn bản hơn. Chiến lược chấn hưng nông thôn được lãnh đạo Trung Quốc xem chính là một trong các biện pháp hữu hiệu để giải quyết điểm yếu về mất cân bằng phát triển giữa thành thị và nông thôn của Trung Quốc hiện nay,” vị học giả nói.

Thạc sĩ Nguyễn Thanh Giang cũng cho rằng, thực thi chiến lược chấn hưng nông thôn là lựa chọn tất yếu để hoàn thành xây dựng xã hội khá giả toàn diện của Trung Quốc – mục tiêu được xác định hoàn thành vào năm 2020. Tại Hội nghị Công tác nông thôn trung ương năm 2015, Tổng Bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói: Có khá giả hay không, then chốt là ở nông thôn, nhất định phải nhận thấy rằng, nông thôn vẫn là “gót chân asin” trong “tứ hóa đồng bộ”, cũng là “gót chân asin” của xây dựng thành công xã hội khá giả toàn diện của nước này. Nhiệm vụ phát triển nông nghiệp và nông thôn vẫn vô cùng khó khăn, cần phải thực hiện nhiều biện pháp chiến lược quan trọng để nâng cao toàn diện tốc độ và trình độ phát triển của nông nghiệp và nông thôn, thực hiện nguyện vọng khá giả của tất cả nông dân trên toàn đất nước Trung Quốc, vì thế việc đề xuất thực hiện chiến lược chấn hưng nông thôn trở thành lựa chọn tất yếu của xây dựng thành công xã hội khá giả toàn diện của nước này.

Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc nêu rõ, đến giữa thế kỷ XXI sẽ xây dựng Trung Quốc trở thành một cường quốc hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa (XHCN) giàu mạnh, dân chủ, văn minh hài hòa, tươi đẹp. Hiện đại hóa là một tiến trình toàn diện và tổng thể, tức là chỉ sự phát triển đồng bộ của công nghiệp hóa kiểu mới, thông tin hóa, đô thị hóa và hiện đại hóa nông nghiệp. Nông nghiệp là ngành nghề chiến lược để ổn định xã hội, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn là trụ đỡ quan trọng và là sự thể hiện rõ nét của hiện đại hóa toàn diện, đồng thời cũng là khâu yếu kém và điểm yếu của hiện đại hóa toàn diện.

 “Thực hiện chiến lược chấn hưng nông thôn, đã đưa ra nguyên tắc, yêu cầu tổng thể và con đường cải cách của phát triển nông nghiệp nông thôn, vì thế nó trở thành biện pháp chiến lược để thúc đẩy hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, xây dựng thành công toàn diện cường quốc hiện đại hóa XHCN,” Thạc sĩ Nguyễn Thanh Giang nói.

Theo vị học giả, thực thi chiến lược chấn hưng nông thôn cũng là lựa chọn tất yếu để giải quyết mâu thuẫn chủ yếu của xã hội trong thời đại mới. Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc nêu rõ, kiên trì lấy nhân dân làm trung tâm, xác định mục tiêu phấn đấu là đem lại cuộc sống tốt đẹp cho nhân dân; đồng thời nêu rõ, CNXH đặc sắc Trung Quốc bước vào thời đại mới, mâu thuẫn xã hội chủ yếu của Trung Quốc đã chuyển hóa thành mâu thuẫn giữa nhu cầu về cuộc sống tốt đẹp ngày càng tăng của nhân dân với sự phát triển không cân bằng, không đầy đủ. Mâu thuẫn này thể hiện đặc biệt rõ ở khu vực nông thôn rộng lớn nơi có nền kinh tế kém phát triển, phát triển nông nghiệp nông thôn trở thành phương diện chính của mâu thuẫn. Nếu không giải quyết mâu thuẫn này, mục tiêu đem lại cuộc sống tốt đẹp cho nông dân sẽ không thể thực hiện được, tính ưu việt của Đảng lãnh đạo và chế độ XHCN sẽ không thể thể hiện được. Thực hiện chiến lược chấn hưng nông thôn sẽ là phương thức hữu hiệu để Trung Quốc giải quyết mâu thuẫn xã hội chủ yếu trong thời đại mới của Trung Quốc.

Sau 5 năm đầu thực hiện chiến lược chấn hưng nông thôn, Trung Quốc đẩy mạnh mức độ hỗ trợ chính sách và đầu tư nguồn vốn cho khu vực nông thôn, cung cấp tiềm lực mạnh mẽ để thúc đẩy hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, thực hiện mục tiêu chấn hưng toàn diện khu vực nông thôn, nhờ đó kinh tế khu vực nông thôn có bước phát triển lớn, đời sống người dân nông thôn được cải thiện đáng kể. Một kết quả khác rất cần được nhắc tới là việc Trung Quốc đã hoàn thành thành công cuộc chiến chống đói nghèo.

“Cuộc chiến chống đói nghèo đã trải qua hành trình nhiều thập kỷ ở Trung Quốc, nhưng phải nhấn mạnh cuộc chiến này đạt được thành tựu bứt phá là trong nhiệm kỳ Đại hội XIX cùng với việc thực hiện chiến lược chấn hưng nông thôn,” vị học giả Việt Nam nói.

Thạc sĩ Nguyễn Thanh Giang đánh giá, Trung Quốc đang đứng trước cơ hội thuận lợi với đầy đủ điều kiện về tiềm lực kinh tế, vật chất cũng như kỹ thuật để tiếp tục triển khai chiến lược chấn hưng nông thôn. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đề ra, thời gian tới, Trung Quốc sẽ phải tích cực đẩy mạnh giải quyết một số vấn đề khó khăn và thách thức như tăng thu nhập cho nông dân, thu hẹp chênh lệch phát triển thành thị và nông thôn nhằm giải quyết những bất bình đẳng mang tính hệ thống trong quá trình hướng tới mục tiêu “Thịnh vượng chung”.

“Trong thời gian tới, tuy sẽ gặp phải một số thách thức có tính phổ biến trên thế giới như sự suy thoái của các thôn làng ở nông thôn, song bức tranh mang gam màu sáng trong phát triển nông thôn là điều Trung Quốc có thể thực hiện được,” Thạc sĩ Nguyễn Thanh Giang kết luận.

Biên tập viên:Mẫn Linh