Bình luận: Dân chủ kiểu Mỹ nên lấy lại sự tin tưởng của người dân nước mình thay vì đi chào hàng khắp nơi

2023-03-21 11:11:59(GMT+08:00) CRI
Chia sẻ:

Lâu nay, Mỹ tự xương là “cha thầy dân chủ” và tư hữu hóa khái niệm “dân chủ”, mượn cớ dân chủ để kích động chia rẽ, gây đối đầu, ngoài việc phán xét bừa bãi các nước khác là “phi dân chủ” thì nước này còn chìm đắm trong việc chào hàng, thậm chí cưỡng bức nước khác thực thi “dân chủ kiểu Mỹ”. Trong khi sự hỗn loạn dân chủ ở Mỹ đang không ngừng làm xói mòn niềm tin của người dân Mỹ đối với dân chủ nước này .

Nền dân chủ kiểu Mỹ có tốt hay không, người dân Mỹ là người có quyền phát ngôn nhất. Theo khảo sát chung của tờ “Bưu điện Oa-sinh-tơn” và Đại học Me-ri-len (Maryland), niềm tự hào về nền dân chủ của người Mỹ đã giảm mạnh từ mức 90% của năm 2002 xuống còn 54% của năm 2022. Theo một cuộc thăm dò do Viện Chính sách công Ca-li-phóc-ni-a (California) tiến hành, cử tri ở đây phổ biến lo ngại nền dân chủ Mỹ đang đi chệch hướng, trong đó, 62% cử tri cho rằng, Mỹ đang đi sai hướng và 46% cảm thấy bi quan về triển vọng người dân Mỹ có quan điểm chính trị khác nhau sẽ hợp tác để giải quyết bất đồng, 52% không hài lòng với cách thức hoạt động của nền dân chủ Mỹ hiện nay. Theo một cuộc thăm dò của Đại học Qui-ni-pi-ắc (Quinnipiac), 67% số người được hỏi cho rằng, nền dân chủ Mỹ có nguy cơ sụp đổ và 48% cho rằng các sự kiện tương tự như cuộc bạo loạn tại Tòa nhà Quốc hội có thể xảy ra một lần nữa. Theo một cuộc thăm dò do Trung tâm Piu (Pew) tiến hành, 65% người Mỹ cho rằng nền dân chủ của nước này cần một cuộc đại cải cách và 57% số người được hỏi cho rằng Mỹ không còn là mẫu hình về dân chủ.

Sự thất vọng của người Mỹ đối với nền dân chủ kiểu Mỹ, bản chất là do nền dân chủ nước này đã lộ ra những khiếm khuyết về thể chế kể từ khi ra đời. Tờ “Thời báo Niu-Yoóc” từng bình luận rằng, hệ thống bầu cử của Mỹ đã “không công bằng ngay từ ngày đầu tiên ra đời”. Trong lịch sử, việc “sinh ra đã có quyền bình đẳng” mà Mỹ tự xưng chỉ giới hạn đối với đàn ông da trắng. Phụ nữ da trắng ở Mỹ không có quyền bầu cử cho đến khi ban hành Tu chính án thứ 19 vào năm 1920; thổ dân châu Mỹ không có quyền công dân cho đến năm 1924 và quyền bầu cử của họ không được luật pháp của tất cả các bang ở Mỹ công nhận cho đến năm 1962; Người Mỹ gốc Phi được trao quyền bầu cử vào năm 1870, nhưng trên thực tế, quyền này đã bị chèn ép nghiêm trọng và quyền bầu cử thực sự của họ không được thực hiện cho đến khi diễn ra phong trào dân quyền vào những năm 1960 thế kỷ 20, cho đến nay vẫn phải đối mặt với nhiều trở ngại do con người tạo ra.

Sự thất vọng của người Mỹ đối với nền dân chủ Mỹ còn bắt nguồn từ nền chính trị tiền tệ mà tư bản và các chính khách dùng để giao dịch quyền lực và tiền bạc ở Mỹ. “Trong chính trường Mỹ, có hai thứ rất quan trọng. Thứ nhất là tiền, thứ hai thì tôi không nhớ”, ông Mắc Han-na (Mark Hanna), chuyên gia vận động tranh cử đã giúp Uy-li-am Mắc Kin-lây (William McKinley) hai lần đắc cử tổng thống Mỹ cho biết sự thật về nền chính trị Mỹ hơn 100 năm trước. Theo trang web WikiLeaks, từ lâu đã theo dõi dòng tiền quyên góp chính trị ở Mỹ tiết lộ rằng, hai đảng đã chi hơn 16,7 tỷ USD cho cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2022, phá vỡ kỷ lục 14 tỷ USD vào năm 2018 và vượt quá GDP của hơn 70 quốc gia trên thế giới vào năm 2021. Các nhóm lợi ích tài trợ cho các chính khách đại diện lợi ích của họ dưới hình thức quyên góp tranh cử. Bằng cách này, “một người, một phiếu bầu” thực tế là “một đô la, một phiếu bầu”. Ông Kishore Mahbubani, Viện sĩ nổi tiếng của Viện Châu Á tại Đại học Quốc gia Xinh-ga-po chỉ rõ, Mỹ là một quốc gia theo chế độ tài phiệt, không phải là một quốc gia dân chủ.

Tuy nhiên, Mỹ với tình trạng dân chủ hỗn loạn như vậy vẫn đang tấn công ác ý vào các chế độ chính trị và tình hình nhân quyền của các nước đang phát triển, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam. Trên thực tế, không khó để đưa ra kết luận dựa trên thái độ của người dân để xác định tình hình dân chủ của một quốc gia và liệu hệ thống chính trị có phù hợp với sự phát triển của nước đó hay không. So với việc người dân Mỹ suy giảm niềm tin đối với nền dân chủ của nước mình, sự hài lòng của người dân Trung Quốc đối với đảng và chính phủ trong 10 năm liền đều vượt quá 90%. Đây mới là sự phản ánh chân thực nhất về sức sống mạnh mẽ của nền dân chủ.

Biên tập viên:La Thành