Viện trưởng Viện Khổng tử Đại học Hà Nội: “Tôi với tiếng Trung là duyên kỳ ngộ”

2023-03-06 11:51:47(GMT+08:00) CRI
Chia sẻ:

Cô Đỗ Thanh Vân – nhà giáo, Viện trưởng Viện Khổng tử tại Đại học Hà Nội

Đến thăm văn phòng Viện Khổng tử tại Đại học Hà Nội, không khó để bắt gặp hình ảnh một người phụ nữ trung niên phúc hậu khi thì miệt mài bên bàn làm việc, lúc lại sôi nổi giao lưu cùng các bạn học viên. Cô chính là Viện trưởng Đỗ Thanh Vân - người được các em học sinh, sinh viên rất mực yêu mến vì chuyên môn giỏi, phong cách gần gũi và khả năng truyền lửa đam mê. Đối với sự nghiệp đã gắn bó với tiếng Trung đầy tâm huyết suốt gần 30 năm qua, cô Đỗ Thanh Vân cho rằng, đó là “mối duyên kỳ ngộ”.

Nhớ về thời điểm khởi đầu của tất cả - thời điểm đưa ra quyết định học tiếng Trung, nữ viện trưởng nở nụ cười hiền hậu. Năm 1994, Đài Truyền hình Việt Nam bắt đầu chiếu bộ phim truyền hình Trung Quốc “Khát vọng”. Khi ấy cô Đỗ Thanh Vân đang là học sinh lớp 11 Trung học Phổ thông tại Ninh Bình.

“Cả gia đình mình ngồi quây quần trước chiếc ti-vi đen trắng cùng xem phim. Bộ phim lấy đi rất nhiều nước mắt của mình bởi câu chuyện rất đời, rất thực về những người trí thức Trung Quốc. Dù chỉ nghe qua thuyết minh, nhưng mình thấy lời thoại của phim rất hay và gần gũi với đời sống. Giai điệu của bài hát chủ đề “Khát vọng” tình cảm đến nỗi mình mong sao mình biết tiếng Trung để có thể hát được theo và mơ ước rằng trong đời mình được đặt chân một lần đến Trung Quốc để tìm hiểu xem cuộc sống của những người trí thức Trung Quốc hiện tại ra sao,” cô kể lại.

Bộ phim truyền hình năm ấy đã nhen nhóm những ước mơ và khát vọng mới trong trái tim nữ sinh trẻ tuổi, khiến cô lựa chọn học chuyên ngành tiếng Trung. Năm 1995, cô Đỗ Thanh Vân thành công thi đỗ vào ngôi trường mơ ước của mình – Đại học Ngoại ngữ Hà Nội.

“Mối duyên kỳ ngộ ấy tiếp tục gắn kết mình với nơi mình đã học tập và trưởng thành này suốt gần 30 năm nay rồi đấy,” cô vui vẻ nhẩm tính.

Đối với cô Đỗ Thanh Vân, học tiếng Trung là một trải nghiệm rất thú vị, giúp cô kết giao được với rất nhiều người bạn Trung Quốc. Cô cho biết đây chính là nguồn tài nguyên quý giá trong cuộc sống và sự nghiệp của mình, có những người thầy, người bạn dù đã hơn 20 năm chưa được gặp lại nhưng thi thoảng vẫn nhắn tin chúc Tết hoặc hỏi thăm nhau, vô cùng tình nghĩa.

“Học tiếng Trung giúp mình có cơ hội gặp gỡ, giao lưu với rất nhiều thầy, cô giáo và lưu học sinh đến từ Trung Quốc. Mình thường đưa các thầy, cô và các bạn lưu học sinh Trung Quốc đi thăm quan những danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Hà Nội nói riêng và của Việt Nam nói chung, vui nhất là cùng nhau trải nghiệm văn hóa Việt ở những vùng miền khác nhau, mình rất tự hào mỗi khi giới thiệu với bạn bè quốc tế về những làng nghề truyền thống của đất nước mình,” cô nói.

Năm 2006 cô Đỗ Thanh Vân thi đỗ học bổng Hiệp định Chính phủ Trung Quốc và được Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội cử đi học Thạc sĩ chuyên ngành Quan hệ quốc tế tại Đại học Phúc Đán ở thành phố Thượng Hải.

“Đó là nơi phồn hoa tráng lệ bậc nhất Trung Quốc và Châu Á,” cô nhớ lại, biết ơn rằng quá trình học tập, nghiên cứu tại ngôi trường nổi tiếng về sự nghiêm cẩn trong đào tạo, bồi dưỡng nhân tài của các giáo sư tại đây đã giúp một lưu học sinh như cô không chỉ có thêm kiến thức chuyên ngành mà còn học hỏi được nhiều điều hữu ích trong cuộc sống.

Năm 2009 cô Đỗ Thanh Vân tốt nghiệp Thạc sĩ và thi đỗ học bổng dành cho lưu học sinh xuất sắc để học tiếp lên Tiến sĩ, cũng tại Đại học Phúc Đán. Tuy nhiên, ngay tháng 3/2010, cô được Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam cử biệt phái sang công tác tại Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, chuyên trách về công tác thúc đẩy hợp tác giáo dục Việt – Trung và quản lý lưu học sinh Việt Nam tại Trung Quốc. Để hoàn thành nhiệm vụ của một cán bộ ngoại giao ở Đại sứ quán, cô Đỗ Thanh Vân đã phải tạm dừng việc học lại.

“Công việc cứ thế cuốn mình theo cho đến cuối năm 2014, mình đã kết thúc nhiệm kỳ công tác rồi về nước để đi làm. Thời điểm đó Viện Khổng Tử tại Trường Đại học Hà Nội cũng chính thức được gắn biển và đi vào hoạt động,” cô kể.

Cô Đỗ Thanh Vân chính là người đã đặt nền móng cho sự thành lập Viện Khổng tử tại Đại học Hà Nội – cũng là cơ sở Viện Khổng tử duy nhất tại Việt Nam tính đến nay. Dưới sự lãnh đạo của cô, hơn 8 năm qua, Viện Khổng tử tại Đại học Hà Nội đã dần phát triển và mở rộng, trở thành một trong những biểu tượng của tình hữu nghị Việt – Trung, đóng góp thiết thực trong lĩnh vực giáo dục và giao lưu nhân dân. Viện đã tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa như đào tạo tiếng Trung Quốc, tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa Trung Hoa, giúp thúc đẩy tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt – Trung, nhất là thế hệ trẻ của hai nước.

 

Tháng 1/2023, Cô Đỗ Thanh Vân (chính giữa) được tiếp tục bổ nhiệm làm Viện trưởng Viện Khổng tử tại Đại học Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025

Ít ai biết rằng, để chuyên tâm xây dựng được Viện Khổng tử như ngày nay, cô Đỗ Thanh Vân đã phải lựa chọn từ bỏ chương trình nghiên cứu sinh tiến sĩ còn dang dở tại Đại học Phúc Đán dù vô cùng tiếc nuối. Cô quyết định học tiến sĩ trong nước để tập trung vào công việc ở Viện, cũng là để tiện ở bên chăm sóc con trai nhỏ còn non nớt. Dù vậy, cô Đỗ Thanh Vân vẫn được ngôi trường danh giá bậc nhất Trung Quốc nhớ tới như là một cựu sinh viên xuất sắc, có thành tích và cống hiến nổi bật. Năm 2022, nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Đại học Phúc Đán tiếp nhận lưu học sinh, nhà trường đã đặc biệt gửi thư mời một số ít cựu lưu học sinh chia sẻ kỷ niệm và gửi lời chúc tới trường. Cô Đỗ Thanh Vân chính là một đại diện trong số đó, vinh dự xuất hiện trên trang viết của trường bên cạnh các cựu sinh viên ưu tú khác.

Dù học tiếng Trung với mục đích ban đầu rất đơn thuần là để hát được bài hát mình thích, nhưng rồi sau đó việc học tiếng Trung, sử dụng tiếng Trung hàng ngày đã trở thành đam mê không thể thiếu trong cuộc sống của cô Đỗ Thanh Vân. Cô luôn cảm thấy biết ơn vì từ khi tập tô từng nét chữ cho đến khi vinh dự trở thành giáo viên dạy tiếng Trung cho người khác, trong suốt quá trình học tập, bản thân luôn nhận được sự quan tâm, chỉ bảo của các thầy, cô và bạn bè ở cả Việt Nam và Trung Quốc.

Sự ảnh hưởng từ gia đình cũng là một yếu tố giúp cô Đỗ Thanh Vân kiên định đam mê và gắn bó với tiếng Trung. Năm 1995, khi cô quyết định đổi chuyên ngành học đại học từ tiếng Anh sang tiếng Trung thì bố mẹ đã ủng hộ ngay và còn động viên cô nhất định phải học thật giỏi để sau này có cơ hội sang Trung Quốc xem bên đó thế nào, cuộc sống người dân của họ ra sao…

“Bố mình không biết tiếng Trung nhưng ông là một bác sĩ Đông y truyền thống, ông hay đọc sách về Trung y dược của Trung Quốc và giảng giải cho các con về các bài thuốc, vị thuốc hay, bố mình cũng là một tấm gương về cách đối nhân xử thế và học tập suốt đời để các con noi theo. Mẹ mình là giáo viên dạy văn ở trường Trung học Phổ thông, bà có biết một chút về chữ Hán và rất yêu thích các tác phẩm văn học nổi tiếng của Trung Quốc, thời sinh viên mẹ mình đã bị lỡ mất cơ hội đi học tại Trung Quốc vì lúc đó bên Trung Quốc diễn ra cuộc cách mạng văn hóa, bà và một số người bạn học đành ôm tiếc nuối để học đại học ở quê hương,” cô Đỗ Thanh Vân xúc động kể.

Cô Đỗ Thanh Vân cảm thấy hạnh phúc vì mình đã viết tiếp được ước mơ du học Trung Quốc còn dang dở của mẹ, sau này còn đưa mẹ sang thăm Trung Quốc. Ngoài ra, cô còn mua được rất nhiều tài liệu quý về Trung y rồi dịch sang tiếng Việt cho bố tham khảo, thoả mãn tâm nguyện bấy lâu của ông.

Tính đến nay, thời gian cô Đỗ Thanh Vân học tiếng Trung đã gần 30 năm, trong đó có tới 10 năm liên tục học tập và làm việc tại Trung Quốc. Chính “mối duyên kỳ ngộ” thật khó lý giải với tiếng Trung và sự ủng hộ của gia đình đã giúp cô có động lực theo đuổi và gắn bó với tiếng Trung, đồng thời mở rộng ra nghiên cứu Trung Quốc mà chủ yếu là về chính sách, chiến lược cải cách và phát triển giáo dục của Trung Quốc trong đó có chiến lược phát triển giáo dục đào tạo tiếng Trung ở nước ngoài, tìm ra xu hướng phát triển mới và ứng dụng của tiếng Trung để từ đó đưa ra kiến nghị đối với công tác giảng dạy, đào tạo ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc tại Việt Nam.

Đến bây giờ, khi đã hát được rất nhiều bài hát tiếng Trung, nhưng mỗi khi cất lên giai điệu của bài “Khát vọng”, cô Đỗ Thanh Vân lại cảm thấy lâng lâng khó tả.

“Mỗi người sẽ đều có khát vọng của riêng mình, đôi khi cái khát vọng ấy rất đơn giản như là việc biết tiếng Trung để có thể hát được bài hát mình thích. Nhưng chính điều đơn giản ấy là khởi đầu của mọi hành động, giúp chúng ta vươn xa,” cô nói, khẳng định sẽ tiếp tục nỗ lực làm việc, tạo thêm nhiều cơ hội cho các bạn trẻ được tiếp cận với các thông tin bổ ích chính thống, góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị Việt – Trung.

Biên tập viên:La Thành