Chuyên gia Việt Nam: năm 2023 Trung Quốc sẽ trở thành động lực kinh tế lớn nhất thế giới

2023-02-20 17:00:10(GMT+08:00) CRI
Chia sẻ:

 

Kể từ khi Trung Quốc điều chỉnh và tối ưu hóa các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, thương mại giữa Trung Quốc và Việt Nam đã nhộn nhịp trở lại, việc xuất nhập khẩu giữa doanh nghiệp hai nước cũng trở nên thuận tiện và nhanh chóng hơn. Đây là hình ảnh thu nhỏ về sự phát triển nhanh chóng của kinh tế và thương mại Trung-Việt. Theo ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Phát triển châu Á, trong quý II/2023, tác động tích cực của việc Trung Quốc mở cửa đối với kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam, sẽ trở nên nổi bật hơn, từ lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ cho đến xuất nhập khẩu, sẽ thúc đẩy sự phát triển của các lĩnh vực như kinh tế, thương mại, văn hóa và du lịch toàn cầu.

Quan điểm này cũng nhận được sự đồng tình của ông Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam: “Năm 2023, việc mở cửa trở lại của Trung Quốc sẽ trở thành động lực kinh tế lớn nhất thế giới. Ước tính động thái mở cửa của Trung Quốc sẽ khiến tốc độ tăng trưởng GDP toàn cầu tăng thêm 0,1%”. Ông dự đoán, tác động của việc Trung Quốc mở cửa đối với kinh tế Việt Nam chủ yếu là sẽ làm giảm thâm hụt thương mại với Trung Quốc và tăng lượng khách du lịch đến từ Trung Quốc, “Việc Trung Quốc mở cửa có thúc đẩy GDP của Việt Nam tăng thêm khoảng 1,8% mỗi năm vào năm 2023 và 2024. "

Tại Diễn đàn Tình hình kinh tế Việt Nam 2023 diễn ra mới đây, chuyên gia kinh tế Việt Nam chỉ rõ, các yếu tố như Trung Quốc mở cửa kinh tế, đẩy nhanh đầu tư công, kiểm soát tốt lạm phát, ổn định tiền tệ v.v. sẽ là cơ hội để kinh tế Việt Nam duy trì ổn định và phát triển vào năm 2023. Ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên cao cấp, chuyên gia kinh tế của Đại học Fulbright Việt Nam dự báo: “Trong khoảng tháng 4 đến tháng 5 năm nay, niềm tin vào chính sách mở cửa của Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng lên, tạo cơ hội thuận lợi cho ngành xuất khẩu và du lịch của Việt Nam”.

Trung Quốc đã nhiều năm liên tục là đối tác thương mại lớn nhất và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong khối ASEAN, sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế Trung Quốc cũng sẽ góp phần tích cực vào việc thúc đẩy sự phát triển của kinh tế Việt Nam. Ông Cấn Văn Lực đánh giá, Trung Quốc mở cửa trở lại không những sẽ khôi phục và cải thiện chuỗi cung ứng toàn cầu, mà còn làm gia tăng nhu cầu đối với nền kinh tế thế giới, đặc biệt là nhu cầu đối với du lịch, hàng hóa và dịch vụ, qua đó gián tiếp thúc đẩy tăng trưởng GDP của các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Ông Cấn Văn Lực dự đoán, sau khi Trung Quốc mở cửa, tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu của Trung Quốc sẽ được cải thiện, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sẽ lớn  hơn so với tốc độ tăng trưởng nhập khẩu. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng là nước đóng góp lượng lớn khách du lịch quốc tế cho Việt Nam (tỷ lệ trước dịch Covid-19 là 32%). Ông Cấn Văn Lực ước tính mức tiêu dùng bình quân của du khách Trung Quốc đến Việt Nam chiếm 70% mức chi tiêu bình quân của du khách Trung Quốc tại các nước trên thế giới, là vào khoảng 1.130 USD. Nếu du khách Trung Quốc quay trở lại mức trước dịch Covid-19, có thể thúc đẩy GDP của Việt Nam tăng khoảng 1,6%, của Thái Lan là 2,9% và của Xin-ga-po là 1,2%.

Trong 3 năm qua, mặc dù chịu tác động của dịch Covid-19, kinh tế thương mại giữa Trung Quốc và Việt Nam vẫn có mức tăng trưởng ngược dòng. Với sự phục hồi kinh tế của hai nước Trung Quốc và Việt Nam và tốc độ tăng trưởng kinh tế và thương mại nhanh chóng, triển vọng hợp tác ngày càng rộng mở, hiệu ứng bổ sung và cùng có lợi giữa kinh tế - thương mại hai nước sẽ càng nổi bật. Các quan chức và chuyên gia Việt Nam cho biết, với việc thực thi RCEP, sau khi Trung Quốc điều chỉnh và tối ưu hóa các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, thương mại giữa Việt Nam và các thành viên RCEP trong đó có Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng mạnh trong vài năm tới.

Biên tập viên:Dung Dung