Chuyên gia Việt Nam: Trung Quốc mở cửa thúc đẩy hợp tác, giao lưu 2 nước

2023-02-13 10:29:41(GMT+08:00) CRI
Chia sẻ:

Việc Trung Quốc gỡ bỏ hầu hết các hạn chế phòng dịch đã thổi sức sống vào nền kinh tế trong nước khi người dân trở lại cuộc sống và công việc bình thường. Đối với Việt Nam, tiến trình mở cửa được đẩy nhanh của Trung Quốc được cho là sẽ tạo xung lực, kích thích quan hệ hợp tác kinh tế, giao lưu thương mại và giao lưu nhân dân giữa 2 nước.

Trả lời phỏng vấn của Đài chúng tôi, chuyên gia kinh tế Võ Đại Lược, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, đánh giá những “gặt hái” nổi bật của Việt Nam đến từ việc Trung Quốc mở cửa sẽ đến từ 3 phương diện chính.

“Đầu tiên, quan hệ kinh tế - thương mại sẽ diễn ra trơn tru hơn với việc các biện pháp kiểm soát dịch bệnh được nới lỏng. Thủ tục hải quan thông thoáng tại các cửa khẩu cho phép dòng hàng hoá được lưu thông với tốc độ nhanh chóng, đặc biệt là các mặt hàng nông sản chất lượng cao của Việt Nam mà Trung Quốc đang tăng cường nhập khẩu,” vị học giả nêu.

Những ngày này, các xe tải chở hàng hoá Việt Nam đang tấp nập nối đuôi nhau qua các cửa khẩu tiến vào phục vụ người tiêu dùng Trung Quốc. Từ ngày 8/1/2023, các cửa khẩu với Trung Quốc tại các địa bàn như Lạng Sơn, Lào Cai đều đồng loạt mở cửa trở lại, gỡ bỏ xét nghiệm axit nucleic đối với hàng hoá nhập khẩu, các phương tiện được lưu thông thông suốt.

“Với hơn 1,4 tỉ dân, Trung Quốc là một trong những thị trường lớn nhất, quan trọng nhất của nông sản Việt Nam. Sự hồi phục sức mua tiêu dùng của người dân Trung Quốc sau một thời gian dài kìm nén vì dịch bệnh sẽ khiến nhu cầu nhập khẩu hàng hoá tăng cao, đây là cơ hội rất tốt cho các nhà xuất khẩu Việt Nam,” nhà kinh tế học chỉ ra.

Theo Tiến sĩ Võ Đại Lược, lĩnh vực tiếp theo được thúc đẩy mạnh mẽ là du lịch. Trước đại dịch COVID-19, khách Trung Quốc chiếm khoảng 30% tổng lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Nguồn thu từ khách du lịch Trung Quốc đóng góp quan trọng vào tổng doanh thu của du lịch Việt Nam nói riêng, ngành dịch vụ nói chung.

Thống kê của phía Trung Quốc cho thấy, trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão, số đơn đặt tour du lịch nước ngoài của du khách Trung Quốc tăng 640% so với cùng kỳ, số đơn đặt vé máy bay xuyên biên giới tăng hơn gấp 5 lần. Việt Nam cũng là một điểm đến yêu thích của du khách Trung Quốc tại khu vực Đông Nam Á.

“Sự trở lại của khách Trung Quốc có ý nghĩa quan trọng đối với sự hồi phục của ngành du lịch Việt Nam sau dịch, tạo ra nhiều việc làm và thu nhập cho người lao động tại các địa phương,” chuyên gia Võ Đại Lược nhận định.

Từ tháng 1/2023, những đoàn khách Trung Quốc đầu tiên đã trở lại Việt Nam sau gần 3 năm đóng cửa vì dịch COVID-19. Cơ quan chức năng các tỉnh, thành phố Việt Nam như Lào Cai, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hoà…đều đã và đang đốc thúc doanh nghiệp địa phương chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, lên kế hoạch các hoạt động nhằm thu hút lượng khách quan trọng từ thị trường tỉ dân.

Với chính sách mới, không chỉ người dân Trung Quốc được tạo điều kiện ra nước ngoài, mà các công dân nước khác cũng thuận lợi đến Trung Quốc làm việc, học tập, kinh doanh, thăm thân, đoàn tụ…

“Đây là cơ sở cho các hoạt động giao lưu hữu nghị được nối lại và mở rộng hơn nữa, tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân 2 nước,” vị chuyên gia nói, nhấn mạnh rằng giao lưu song phương có ý nghĩa to lớn đối với quan hệ 2 nước.

Các hoạt động truyền thống như Gặp gỡ hữu nghị thanh niên Trung - Việt, diễn đàn nhân dân Trung - Việt, liên hoan hữu nghị nhân dân biên giới… từ lâu đã trở thành cơ sở để nhân dân 2 nước hiểu thêm về nhau, thân nhau, yêu mến lẫn nhau, cùng xây dựng nền tảng xã hội và không khí dư luận tốt đẹp của quan hệ song phương.

Riêng đối với cá nhân mình, chuyên gia Võ Đại Lược đặc biệt kỳ vọng việc nối lại các hoạt động giao lưu học giả, các hoạt động trao đổi giữa các cơ quan nghiên cứu 2 nước.

“Tôi mong được gặp lại những người đồng nghiệp Trung Quốc trong giới nghiên cứu. Họ là những người bạn hiểu và yêu mến Việt Nam, luôn làm việc, cống hiến vì tình hữu nghị 2 nước,” vị học giả bày tỏ.

Biên tập viên:La Thành