Chương trình đặc biệt mừng Xuân Quý Mão 2023: Tưng bừng náo nhiệt cùng “Khai Niên”
Mời các bạn đến với chương trình đặc biệt mừng Xuân Quý Mão 2023 của Đài Phát thanh quốc tế Trung Quốc.
Mẫn Linh xin chào quý vị và các bạn. Mỗi dịp đầu năm, Đài chúng tôi đều chuẩn bị mâm cỗ đón Tết thịnh soạn trên sóng phát thanh và trực tuyến với mong muốn tăng thêm bầu không khí vui nhộn, tưng bừng cho ngày Tết. Hôm nay là mùng 2 Tết, Mẫn Linh sẽ cùng chung vui với các bạn trong chương trình đặc biệt hôm nay.
Mở đầu chương trình, Mẫn Linh xin chúc các bạn một năm mới vạn sự như ý, cầu được ước thấy.
Tết Nguyên đán là ngày lễ cổ truyền quan trọng và trọng thể nhất của người dân Trung Quốc lẫn Việt Nam. Bất kể là ở Trung Quốc hay Việt , mọi người đều rất cầu kỳ trong việc đón Tết. Có thể phong tục tập quán khác nhau, nhưng đều được truyền lại từ thời xa xưa với mong muốn cầu chúc cho nhau gặp được những điều tốt đẹp vào năm mới. Trung Quốc và Việt Nam đều tôn vinh những nét đẹp truyền thống. Vậy, hôm nay, Mẫn Linh xin giới thiệu với các bạn những phong tục cổ truyền vào mùng 2 Tết của người Trung Quốc.
Đại niên sơ nhất khởi ngũ canh, đại niên sơ nhìn nhật đầu hồng (大年初一起五更,大年初二日头红), nghĩa là mùng 1 Tết dậy lúc canh năm, mùng 2 Tết có thể ngủ đến lúc mặt trời mọc. Ở Trung Quốc, mùng 2 Tết gọi là “Khai Niên”, khai nghĩa là mở đầu, niên là chỉ năm, khai niên là chỉ sự mở đầu của một năm mới. Phong tục tập quán vào mùng 2 Tết tại Trung Quốc khá nhiều, Mẫn Linh khái quát thành “ba việc bốn ăn”, tức cần làm ba việc và ăn bốn loại đồ ăn vào mùng 2 Tết.
Phong tục được mọi người biết đến nhiều nhất trong mùng 2 Tết là về nhà mẹ đẻ. Ở Việt Nam cũng có cách nói “mùng 1 Tết Cha, mùng 2 Tết mẹ”. Giống Việt Nam, vào mùng 2 Tết, những người con gái đã lấy chồng đều về nhà mẹ đẻ, chồng cũng phải cùng về, vì vậy, mùng 2 Tết lại được gọi là “ngày đón con rể”. Ngày xưa, người ta rất kỵ con gái về nhà vào đêm giao thừa và mùng 1 Tết, cổ nhân cho rằng, con gái về nhà trong hai ngày này sẽ ăn trôi của cải, mang đi vận may phát tài của nhà mẹ đẻ, không tốt lành.
Ngoài việc cả con gái và con rể cùng về, khi về nhà mẹ đẻ, con gái cần có quà biếu cha mẹ và bề trên, hơn nữa, số món quà không thể là số lẻ mà nên là số chẵn, mang ngụ ý “việc hay song hành”.
Ngoài việc về thăm nhà mẹ đẻ ra, vào mùng 2 Tết, rất nhiều địa phương ở miền Bắc Trung Quốc sẽ cúng thần tài, đây cũng là một phong tục cổ truyền. Trong thời cổ, cúng thần tài vào mùng 2 Tết, pháo còn đốt nhiều hơn đêm giao thừa, cực kỳ náo nhiệt.
Việc thứ ba cần làm trong mùng 2 Tết là chụp ảnh cả gia đình. Trước đây, con gái đã lấy chồng muốn về thăm nhà là điều không dễ dàng, vì vậy, rất nhiều địa phương đều chụp ảnh cả gia đình vào mùng 2 Tết.
Sau bài hát Trung Quốc “Thần tài đến”, mời các bạn tiếp tục đến với chương trình đặc biệt mừng Xuân Quý Mão 2023 của Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc. Mẫn Linh cùng đón mùng 2 Tết với các bạn trên sóng phát thanh và trực tuyến tại Website chính thức của Đài.
Vừa rồi, Mẫn Linh đã giới thiệu với các bạn ba việc cần làm của người Trung Quốc trong ngày mùng 2 Tết. Dân dĩ thực vi thiên, nghĩa là dân lấy cái ăn làm trọng. Người dân Trung Quốc có phong tục ăn uống gì vào ngày mùng 2 Tết?
Người Trung Quốc có câu tục ngữ nói rằng “mùng 1 Tết sủi cảo, mùng 2 Tết mì sợi, mùng 3 Tết bánh rán có nhân”. Mì ở dạng sợi, mang ngụ ý thuận lợi, ăn mì sợi vào mùng 2 Tết để gửi gắm kỳ vọng năm mới thuận lợi, mạnh khoẻ và trường thọ. Hơn nữa, mùng 2 Tết cũng là ngày đón con gái và con rể về nhà mẹ đẻ, đãi người nhà bằng mì sợi cũng để cầu mong cuộc sống của gia đình con gái thuận lợi, dài lâu, mang ngụ ý tốt lành.
Khi làm mì sợi tốt nhất dùng bột mì gói sủi cảo thừa của mùng 1 Tết, như vậy cuộc sống năm mới mới có dôi có dư, đầy đủ sung túc. Vì vậy, khi gói sủi cảo vào mùng 1 Tế, hầu như đều chuẩn bị bột mì nhiều một chút, thừa lại cho mùng 2 Tết làm mỳ sợi.
Chúng ta tìm hiểu tiếp về những đồ ăn truyền thống ăn vào mùng 2 Tết của người Trung Quốc. Theo phong tục, mùng 1 Tết cần ăn chay để đón năm mới, trong khi vào mùng 2 Tết thì cần phá trai giới, bắt đầu ăn thịt, mang ngụ ý bắt đầu đón một năm hoàn toàn mới, gọi là “khai niên”. Vì vậy, mùng 2 Tết cần ăn tiệc Khai Niên, tiệc cần thịnh soạn, tượng trưng năm mới ngũ cốc phong đăng, mưa thuận gió hòa. Các món ăn trên tiệc Khai Niên đòi hỏi mang ngụ ý cát tường. Ví dụ, tiệc Khai Niên của người làm ăn kinh doanh cần có món gà, phát âm tiếng Trung của từ gà giống cát, mang ngụ ý đại cát đại lợi; cũng cần có món rau xà lách đồng âm với “sinh tài”, nghĩa là phát tài.
Nhiều món ăn trong ngày Tết đều đòi hỏi mang ngụ ý tốt lành. Vào mùng 2 Tết, rất nhiều địa phương Trung Quốc đều ăn vắn thắn. Vắn thắn trong tiếng Trung phát âm giống “hồn viên”, nghĩa là tròn trịa, ngụ ý lương thực đầy kho, ngũ cốc phong đăng. Vắn thắn hình giống nguyên bảo, ngụ ý tài vận ùn ùn kéo đến.
Ngoài ra, người Trung Quốc cũng ăn bánh xốp hay còn gọi là bánh bò. Phát âm tiếng Trung của cụm từ bánh xốp là Fagao, fa nghĩa là phát tài, gao nghĩa là thăng tiến, đều mang ngụ ý tốt lành.
Mẫn Linh cho rằng, không khí Tết đẹp nhất là sự ấm cúng gia đình, là sự náo nhiệt khi sum họp. Mẫn Linh một lần nữa chúc các bạn và gia đình năm Quý Mão phúc thọ an khang, cát tường như ý. Hẹn gặp lại.
Biên tập viên:Mẫn Linh