“Hạt giống vàng” của “Bí thư cà phê”

2022-12-14 15:14:00(GMT+08:00) CRI
Chia sẻ:

Từ hạt cà phê ở trên cây, đến khi biến thành một ly cà phê thì phải trải qua quá trình lột xác như thế nào?

Một người bình thường, từ ngành xây dựng trở thành “Bí thư cà phê”, anh  phải lựa chọn như thế nào?

Một ngôi làng nghèo làm thế nào mà trở thành "Làng cà phê số 1 Trung Quốc"?

Sau đây, mời các bạn theo dõi vở kịch “Hạt giống vàng” của “Bí thư cà phê” do Đài chúng tôi sản xuất.

Trước Tết Nguyên Đán 2012, khi màn đêm buông xuống, những ánh đèn màu lấp lánh tô điểm cho Bến Thượng Hải, cảnh đêm rực rỡ ấy khiến du khách thi nhau đến chụp ảnh lưu niệm.  Trong không khí lễ hội tưng bừng và hân hoan ấy, có một gia đình đứng trước sự lựa chọn khó khăn…

Cảnh 1: Nhà Vương Gia Duy ở Thượng Hải

Vợ ông Vương Gia Duy “Cái gì? Cả nhà về Vân Nam? Thượng Hải còn nhiều dự án như vậy, bỏ hết hay sao?”

Vương Gia Duy:“Dự án của mình danh tiếng tốt như vậy sẽ có nhiều người tranh nhau đến nhận.”

Vợ “Anh này, lương tại Thượng Hải mấy chục nghìn một tháng, anh không làm lại nhận một đống hỗn độn không ai dám làm, anh có làm sao không đấy?”

Vương Gia Duy “Em à, đừng nghĩ thế, em coi như cùng anh về để nở mày nở mặt, cái này gọi là áo ấm về làng, về làm cán bộ, em xem có phải là oách không!

Vợ: Oách cái gì chứ, anh có biết về quê là khổ lắm không, cán bộ ở đó chả ai muốn làm.

Vương Gia Duy:Chúng ta nửa đời người làm công trình rồi, mọi chuyện về công trình có cái gì mà không biết đâu, về quê làm mới có thử thách. Mọi người chả đều nói “Người có nghề đi đâu chả sống được”, Anh muốn thử sức mình một chút.

Vợ: Thử, thử đi, anh cứ thử đi, rồi cả nhà hít không khí mà sống theo anh.

Ở quê khổ như thế nào, Vương Gia Duy làm sao không biết chứ, nhìn du thuyền đi lại như mắc cửi trên sông Hoàng Phố, nghĩ đến vùng núi bao đời trồng cà phê ở Vân Nam, cuộc nói chuyện giữa anh và  thị trưởng Bảo Sơn, tỉnh Vân Nam lại hiện lên trong đầu.

Cảnh 2: Trong phòng khách

Thị trưởng thành phố Bảo Sơn: "Anh Duy, Tân Trại của anh thực đau đầu nên tôi phải cố ý đến Thượng Hải để tìm anh."

 Vương Gia Duy:“Thị trưởng, tôi cũng nghe nói,  hạn hán rất nghiêm trọng, cà phê mất mùa, dân làng đang tuyệt vọng.”

Thị trưởng: "Hai năm nay anh cũng đóng góp tiền cứu trợ thiên tai..."

Vương Gia Duy:“Cũng chỉ là như muối bỏ biển, không đáng được nhắc đến.”

Thị trưởng:“Để tôi báo anh một tin vui, Đảng ủy và chính quyền các cấp đã hỗ trợ hơn 10 triệu nhân dân tệ quỹ tái thiết cho Tân Trại.”

 Vương Gia Duy: “Quá tuyệt!”

Thị trưởng: “Nhưng chuyện này cũng có chỗ phiền toái! Nhiều đất của dân nằm trong khu vực quy hoạch, thuyết phục dân cũng không dễ, thay mấy bí thư rồi đều không xong, cứ như thế này thì có khi lại phải trả lại quỹ cho phía trên”

Vương Gia Duy: “Không được đâu thị trưởng, nếu bỏ lỡ cơ hội này, Tân Trại sẽ mất hết hy vọng.”

Thị trưởng:“Cho nên mọi người mới đề cử anh với tôi, anh làm quản lý công trình nhiều năm ở Thượng Hải, có năng lực lại có tình cảm với quê hương. Anh có muốn quay lại làm bí thư chi bộ, tái thiết Tân Trại không?”

 Vương Gia Duy:“Cái này……”

Thị trưởng:“Cái này đúng là thật khó. Anh cứ suy nghĩ , tôi đợi câu trả lời của anh.”

Vài ngày sau, Thị trưởng nhận được tin vui, Vương Gia Duy cuối cùng cũng đã thuyết phục được vợ, nhưng anh nửa đời làm xây dựng, không hiểu về cà phê chứ đừng nói đến kinh tế tập thể. Khi mới về quê, anh thường bị dân làng nghi ngờ. Người gây ra cho anh nhiều rắc rối nhất chính là Vương Ba, cháu họ xa của anh. Vương Ba là tay trồng cà phê cự phách trong làng, mọi người đều khâm phục anh ta, nhưng năm ngoái Vương Ba cũng là người chịu thiệt hại nhiều nhất. 

Cảnh 3: Trong nhà Vương Ba

Vương Ba: "Này! Mọi người nghe nói gì chưa? Có một ông vừa từ Thượng Hải về, nghe nói sẽ làm bí thư chi bộ thôn mới."

Dân làng A: "Không phải chứ. Ông này mười mấy tuổi đã đi Thượng Hải làm công trình, chưa từng làm ở làng một ngày."

Vương Ba: "Vậy thì chắc ông ấy không làm được rồi. Trồng cà phê và làm công trình là hai việc hoàn toàn khác nhau. Về trồng cà phê à? Đừng có nói với tôi là về để làm quan cho sướng đấy nhé.

Dân làng: Ha ha ha.

Dân làng B: "Nói đến chuyện trồng cà phê thì tôi phục nhà Vương Ba!"

Vương Ba: “Nhà tôi ba đời trồng cà phê, có sóng gió nào mà chưa trải chứ, nắng hạn thế này, đừng nói là ông Duy vốn dân công trình, có mà ông giời cũng không thể cứu được..."

  

Cảnh 4: Vùng đất cà phê

Dân làng A: "Ôi, anh Duy, sao lại đến thăm vườn cà phê của chúng tôi thế?"

Vương Gia Duy: "Nào, làm điếu thuốc đã. Lần trước cà phê hạt nhỏ của chúng ta nắng quá mà chết."

Dân làng A: "Không phải chỉ nắng quá, anh nhìn cây này, cây này xem..."

Vương Gia Duy: "Chà, cũng nghiêm trọng đấy. Bị sâu đục thân rồi phải không?"

Dân làng A: "Đúng thế!"

Vương Ba:“Chú, chú đã là người Thượng Hải, còn về đây làm gì? Mọi người nói, người Thượng Hải sành uống cà phê nhất, ở trong nhà uống cà phê có phải thích hơn không, ra vườn làm gì kéo lại bị phơi nắng cháy đen như cà phê.

Hơn 3.000 mẫu cà phê chết khô dưới cái nóng khô rát khiến Vương Gia Duy rất đau lòng. Điều khiến anh lo lắng hơn nữa là khoản 10 triệu tiền tái thiết vẫn chưa được sắp xếp thỏa đáng. Anh quyết tâm bắt đầu từ con số 0. Trước hết để hiểu thêm về cây cà phê, ngày nào anh cũng đầm đìa mồ hôi ra vườn  cùng bà con trồng cà phê, cùng họ làm rất nhiều việc, nhưng cũng tranh cãi rất nhiều. Cuối cùng, Vương Gia Duy cũng tìm ra vấn đề, biết cách thuyết phục dân làng đồng ý tập trung đất đai để quản lý và trồng trọt.

Cảnh 5: Trong sân Ủy ban thôn

"Mọi người tập trung họp nào!"

Vương Gia Duy: “Làng chúng ta trồng cà phê hơn 50 năm rồi, mọi người tự cung tự tiêu, không đoàn kết, nhỡ gặp hạn hán, sâu bệnh, thì chúng ta không đủ quy mô và năng lực để đối phó."

Dân làng A: "Thế thì phải làm sao? Chúng tôi là nông dân, chỉ biết trồng cà phê trên đất của mình. Nếu làm tập thể, không được mùa thì biết đổ lỗi cho ai?"

Vương Gia Duy: "Cấp trên đã cho chúng ta 10 triệu tiền quỹ tái thiết, chính là giúp chúng ta. Chỉ cần đoàn kết, mở rộng quy mô, chúng ta sẽ có quyền lên tiếng trên thị trường. Cùng với các chính sách hỗ trợ phía trên, còn lo cà phê không bán được sao?

 Vương Ba: "Chú đừng nói đùa, tập thể gieo trồng thì không có hạn hán sao? Một khi gặp hạn hán thì xong đời cả làng."

Vương Gia Duy: "Kinh doanh tập thể không thể ngăn chặn hạn hán, nhưng có thể tập trung nguồn lực để đối phó với thiên tai. Mọi người cùng nhau bỏ tiền để sửa chữa kênh đào thì vẫn hơn sức một mình cậu làm phải không?"

Vương Ba: "Cháu không cần biết! Mọi người bảo trồng cà phê, còn nói cái gì là trồng hạt vàng. Chết tiệt, năm ngoái hạn hán không thu hoạch được gì, còn không bằng cho mồi lửa đốt sạch cho xong."

Vương Gia Duy: Vương Ba, cháu đừng vội. Chúng ta cần phải tránh mù quáng làm một mình, trước tiên hãy đoàn kết tạo nên sức mạnh, như vậy mới có thể chống chọi lại mọi tác động

 Vương Ba: "Của đau con xót! Cơm không có mà ăn,  ai thích trồng thì trồng, tôi không trồng nữa!"

Vương Gia Duy: "Vương Ba, quay lại , ài!"

Vương Ba: "Chú Duy! Chú sao vậy?"

Vương Gia Duy: "Vương Ba, chú không nhìn thấy gì nữa. . ."

Cảnh 6: Trong bệnh viện

Bác sĩ: "Nhìn lên trên, nhìn lên... bây giờ phải phẫu thuật, bình thường cục pô-líp (polyp) này là do mệt mỏi lâu ngày, hoặc là do bị tác động tâm lý, có phải là hàng ngày anh có nhân tố nào tác động không?"

Vương Gia Duy: "Vâng, bác sỹ! Tôi thường xuyên thức khuya."

Vương Ba: "Tại cháu, tại cháu làm chú bực mình"

Vương Gia Duy: "Cháu, chú già rồi. Nhưng cháu hãy tin chú, chỉ có chúng ta đoàn kết trồng trọt mới có hy vọng. Việc nhà ai người đấy làm không ăn thua đâu!"

Vương Ba: "Chú, thật ra cháu biết chú nói rất đúng. Thôn ta nằm trong vùng trồng cà phê tốt nhất, quanh năm không có sương, có kinh nghiệm trồng cà phê mấy chục năm, ai có thể so được? Mấu chốt là làm thế nào để biến hạt cà phê thành tiền. Cùng làm thì có được không chú?

Vương Gia Duy: “Tin chú đi, chỉ cần chúng ta đoàn kết, tận dụng tốt các chính sách phía cấp trên đưa ra, với bản lĩnh của cháu, làng chúng ta nhất định sẽ làm được. Như vậy đi, sau này cháu dạy mọi người cách trồng trọt, chú sẽ tìm cách làm giàu, có được không?”

 Vương Ba: “Vâng, cháu nghe chú thử xem sao.”

Cứ như vậy, với sự giúp đỡ của Vương Ba, Vương Gia Duy đã thông suốt tư tưởng cho người dân trong làng, bắt đầu dẫn dắt mọi người trồng trọt tập thể. Những năm qua, anh đã sử dụng kinh nghiệm làm công trình của mình ở Thượng Hải để thiết kế bản vẽ, xây dựng kênh mương, đường xá, dự án tưới tiêu, đèn diệt côn trùng năng lượng mặt trời... 

Cơ sở hạ tầng đã được cải thiện rất nhiều, đặt nền móng cho nền nông nghiệp quy mô lớn. Trước đây, người dân Tân Trại chỉ trồng cà phê trước và sau cửa nhà, bây giờ ở độ cao từ 600 mét đến 2700 mét so với mực nước biển, có hơn 866 héc-ta đất cà phê và 4 trang trại cà phê, 99% nông dân tham gia trồng trọt, trở thành "Làng cà phê số 1" với diện tích trồng cà phê lớn nhất Trung Quốc, tuy nhiên, Vương Gia Duy lại trở thành "tội đồ" của Tân Trại.

Tân Trại đã trở nên nổi tiếng với danh hiệu "Làng cà phê số 1" Trung Quốc, nhưng giá cà phê liên tục giảm do sản lượng tăng. Cà phê trồng ra không bán được giá cao, nhiều làng lân cận đã giảm sản lượng để tránh thua lỗ, nhưng dưới sự kiên trì của Vương Gia Duy, tập thể trồng cà phê quy mô lớn ở Tân Trại vẫn không thay đổi mô hình, trở thành trò cười của địa phương. Bởi vậy, dân làng tức giận xông vào nhà Vương Gia Duy để "đòi công đạo".

Cảnh 7: Nhà Vương Gia Duy ở Tân Trại

Vương Ba: “Vương Gia Duy, chú ra đây. Lúc đầu cháu bảo không trồng tập thể nhưng chú không chịu, cháu nghe lời chú còn thuyết phục mọi người đóng góp đất đai để tham gia trồng tập thể, mở rộng diện tích cà phê, bây giờ thì sao? Các thôn khác đều đang cười nhạo chúng ta !”

Dân làng A: “Trước kia không trồng nhiều cà phê như vậy, trời cho chúng ta thế nào thì chúng ta nhận thế đấy. Nhưng hai ba năm nay, chúng tôi vất vả trồng cà phê như vậy, chúng tôi càng khổ hơn, bán không được giá, còn nghèo đi, ông Duy, ông bảo chúng tôi đi đâu để bắt đền!

Vương Gia Duy: "Mọi người bình tĩnh lại, tôi đã có kế hoạch..."

Dân làng C: "Hừ! 'kế hoạch' cái của nợ gì chứ, ông còn mặt mũi nào làm Bí thư cà phê, ông là Bí thư của nợ thì đúng hơn!"

Vương Gia Duy: "Mọi người hãy nghe tôi nói, hiệu ứng quy mô không thể xuất hiện ngay lập tức. Bây giờ các làng khác không trồng, chúng ta có thể chiếm lĩnh thị trường. Miễn là diện tích trồng trọt ổn định, đảm bảo chất lượng, xây dựng thương hiệu. Thị trường tương lai chính thuộc về Tân Trại.

Vương Ba: Chú đừng cho mọi người ăn bánh vẽ nữa. Năm đó, cháu tin lời chú mới đến nông nỗi này. Chú cam kết biến 'hạt cà phê' thành 'tiền', bây giờ hạt cà phê đầy ra đấy còn tiền đâu?”

Dân làng A: "Tiền đâu!"

Cả làng: "Trả lại tiền, trả lại tiền cho chúng tôi!"...

Nhiều người dân quá khích túm lấy Vương Gia Duy và liên tục xô đẩy anh.

Dân làng B: "Ồ, Bí thư ngã rồi!"

Vợ ông Vương Gia Duy:“Anh, anh Duy, mắt anh lại làm sao thế? Xin mọi người đừng ép anh ấy nữa, anh ấy khổ thế nào mọi người đâu có biết?”

Vương Gia Duy: “Được rồi, em không phải nói nữa! Tôi nói cho mọi người biết, cà phê tuy có rớt giá nhưng điều này chứng tỏ chúng ta đã làm đúng, mọi người đều nhìn thấy lợi nhuận của việc trồng cà phê, bắt chiếc trồng theo nhưng chúng ta có ưu thế trồng quy mô lớn, khả năng chịu áp lực tốt. Bây giờ họ đã bỏ không trồng nữa, cơ hội của chúng ta lại đến rồi đấy.

Vương Gia Duy: "Vương Ba, cháu ra nghe điện thoại giúp chú."

Vương Ba: "Alô!"

Doanh nhân: " Alô, xin hỏi đây có phải là nhà của Bí thư Vương Gia Duy không ạ?"

Vương Ba: "Hiện chú Duy không tiện nghe máy, anh có việc gì không ạ?"

Doanh nhân: "Tôi là Tổng giám đốc Công ty cà phê Beaton. Chúng tôi đã có liên hệ. Nhà đầu tư của tôi rất có cảm hứng về 'bí thư cà phê' được đưa tin trên mạng, muốn làm quen với Bí thư."

Vương Gia Duy: "Alô, tôi là Vương Gia Duy."

Doanh nhân: “Chào anh Duy, đây là doanh nghiệp cà phê nổi tiếng nhất Đông Nam Á. Cà phê của họ cũng bán rất chạy tại Trung Quốc. Cà phê Việt Nam mà họ trồng là cỡ hạt vừa nên rất quan tâm đến cà phê hạt nhỏ của các anh. Chúng tôi muốn đến Tân Trại để xem có thể hợp tác không?"

 Vương Gia Duy: "Vâng, chúng tôi sẵn sàng chào đón anh!"

Cơ hội kinh doanh trên Internet đã khiến Tân Trại nhìn thấy hy vọng, quy mô trồng cà phê ở Tân Trại cũng khiến khách hàng hết sức hài lòng, hai bên đạt được thỏa thuận. Sau đó, Ông Vương Gia Duy đi liền một mạch đến 22 quán cà phê, mang cà phê A-ra-bi-ca (Arabica), Bua-bông (Bourbon), Ca-ti-mo (Cartimor) do người dân trồng đến với nhiều doanh nghiệp hơn, giới pha chế cà phê đều đánh giá cao cà phê của Tân Trại.

Cảnh 8: Trong sân Ủy ban làng

Dân làng B: "Theo giá cả năm nay, hạt cà phê trung bình là 10 tệ một cân, hiện tại người ta nhắm đến cà phê Tân Trại của chúng ta, thu mua với giá 60 tệ! Phải công nhận Bí thư Duy giỏi quá."

Vợ ông Vương Gia Duy: "Nhiều khi tôi không tránh khỏi  phàn nàn, trước khi về quê, cả hai vợ chồng đều có tiền trong sổ tiết kiệm. Từ khi về quê, không biết tiền đi đâu hết! Lạ thật.

Dân làng A: "Tiền của nhà Bí thư đã đi đâu thì tôi không biết, nhưng tiền trong ví của chúng tôi ngày càng dày lên ..."

"Hahaha"

Dân làng B: "Chạy mau không bà chị lại bắt chúng ta trả lại tiền cho Bí thư."

Năm 2021, giá trị sản lượng cà phê của Tân Trại đạt 120 triệu nhân dân tệ (17,2 triệu USD), hai doanh nghiệp đã đầu tư vào làng, một công ty đã sử dụng hạt cà phê Tân Trại cho hàng nghìn cửa hàng cà phê trong cả nước, công ty còn lại thì mở homestay chủ đề cà phê trong làng. Ông Vương Gia Duy cũng biến ủy ban cũ của làng thành nhà thưởng thức cà phê thời thượng, đồng thời xây dựng các cơ sở theo chủ đề cà phê như quảng trường văn hóa cà phê, đài ngắm cảnh vườn cà phê. Ngoài ra còn có đường xe đạp việt dã, nhà vệ sinh du lịch, v.v. thu hút rất nhiều khách du lịch.

Vương Ba: "Chú, tiếp theo chúng ta nên làm gì?"

Vương Gia Duy: “Chú đã mời chuyên gia kỹ thuật nông nghiệp đến mở lớp đào tạo, phát triển hợp tác xã cà phê chuyên nghiệp, thực hiện 'năm thống nhất' theo mô hình 'Công ty + hợp tác xã + nông dân', đó là thống nhất hạt giống, thống nhất kỹ thuật trồng trọt, thống nhất tư liệu sản xuất, thống nhất thu mua, thống nhất chế biến..."

Hiện nay, "Bí thư cà phê" khá bận rộn, anh xuất hiện trên các chương trình truyền hình, quảng bá câu chuyện của Tân Trại, để cà phê hạt nhỏ tiếp tục gieo hy vọng mới trong hành trình mới.



Biên tập viên:Vũ Minh