Ý nghĩa lớn đằng sau văn phòng "nhỏ"

2022-12-09 10:18:43(GMT+08:00) CRI
Chia sẻ:


Cách đây 5 năm, tại lễ khai mạc Hội chợ nhập khẩu quốc tế Trung Quốc lần thứ nhất, Văn phòng xúc tiến thương mại Việt Nam tại Hàng Châu đã chính thức được thành lập. 5 năm sau, văn phòng này xuất hiện tại “Tuyên bố chung Trung-Việt” được đưa ra trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, Tuyên bố chỉ rõ: Trung Quốc ủng hộ các văn phòng xúc tiến thương mại do Việt Nam thành lập tại Trùng Khánh và Hàng Châu phát huy vai trò tích cực trong hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước.

 Sở dĩ chọn đặt văn phòng xúc tiến thương mại tại Hàng Châu là vì trong nhiều năm qua, tại Đông Nam Á, Việt Nam đã là đối tác thương mại lớn nhất của Chiết Giang, đồng thời cũng là một trong những điểm đến tập trung vốn đầu tư nước ngoài nhiều nhất của Chiết Giang. Trên cơ sở thương mại song phương đang phát triển mạnh mẽ, Việt Nam đề nghị thành lập văn phòng xúc tiến thương mại tại Hàng Châu vào năm 2017. Trung Quốc ngay lập tức hoan nghênh và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc thành lập văn phòng.

5 năm qua, mức đầu tư của cả hai bên ngày càng tăng trưởng. Hơn 50 công ty đã tham gia vào Khu công nghiệp Long Giang do doanh nghiệp tỉnh Chiết Giang đầu tư tại Việt Nam, cung cấp hơn 10.000 việc làm tại địa phương mỗi năm; Nhờ việc khai thông tuyến tàu Nghĩa Ô-Hà Nội kết nối với Việt Nam, chợ hoa quả Gia Hưng mỗi năm nhập khẩu 5.000 container (20 feet) mít từ Việt Nam, trở thành thị trường xuất khẩu mít lớn nhất của Việt Nam.

Ông Vũ Tiến Hùng, Trưởng Văn phòng xúc tiến thương mại Việt Nam tại Hàng Châu, Trung Quốc cho biết: “Văn phòng đã làm cầu nối hợp tác giữa Chiết Giang và Việt Nam, trong quá trình trao đổi sâu rộng giữa doanh nghiệp hai bên, các doanh nghiệp phát triển ngày càng lớn mạnh, đầu tư ngày càng tăng. Ý định ban đầu khi thành lập văn phòng đã được thực hiện. ”

Trong vài năm qua kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, "văn phòng" càng thể hiện giá trị của hành lang vàng. Hàng năm, Văn phòng đều có kế hoạch tổ chức hoặc tham gia nhiều hoạt động kinh tế và thương mại trực tuyến giữa Chiết Giang và Việt Nam. Hội chợ hàng hóa xuất nhập khẩu Trung Quốc (Hàng Châu) - Việt Nam được tổ chức vào cuối năm 2021 đã thu hút hơn 210 công ty đến từ hơn 30 ngành nghề của hai bên tham gia.

Năm 2021, kim ngạch thương mại giữa Chiết Giang và Việt Nam đã vượt 12,2 tỷ USD, mặc dù chịu sự tác động của dịch Covid-19 nhưng vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng 20% trong nhiều năm liên tiếp. Trong mắt của ông Vũ Tiến Hùng, Việt Nam và Chiết Giang có tính bổ sung cho nhau rất mạnh, Việt Nam đang hợp tác chặt chẽ với các thành phố ở Chiết Giang, cùng với Chiết Giang thực hiện phát triển chất lượng cao.

Ông Vũ Tiến Hùng cho biết: "Mỗi doanh nghiệp Việt Nam nên có một phương thức phù hợp, chẳng hạn như có thể phối hợp, liên kết với nhà nhập khẩu, các đại lý sản phẩm ở Trung Quốc để xây dựng phát triển thương hiệu, nhằm có những chứng nhận và tuyên truyền quảng cáo phù hợp, giành được sự yêu mến hơn từ người tiêu dùng Trung Quốc".

Ông Vũ Tiến Hùng cũng lấy ví dụ cho thấy, trước đó, ông đã nhiều lần đến nghiên cứu khảo sát các trung tâm thương mại điện tử, trung tâm hành chính và chợ nông sản ở Hàng Châu, Hồ Châu và Gia Hưng, ông đã có được những cảm nhận sâu sắc sau các cuộc trao đổi với giới doanh nghiệp địa phương. Sau đó, ông đã chia sẻ và giới thiệu với các  cơ quan chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam về cách làm của Chiết Giang về môi trường kinh doanh, chẳng hạn như cải cách "một cửa" và "nhiều nhất chỉ cần đi một lần", những biện pháp này cũng đã được giới thiệu đến Việt Nam.

Từ những “bí quyết” như "thúc đẩy mở cửa bằng cải cách, dùng mở cửa để ép buộc cải cách", đến "ứng phó với tính không xác định bằng sự chắc chắn của mở cửa" trong thời đại mới, ông Vũ Tiến Hùng đều rất quen thuộc, đây chính là những kinh nghiệm khám phá có giá trị trong quá trình hiện đại hóa kiểu Trung Quốc.

Một văn phòng nhỏ có thể cho thấy tầm quan trọng của quá trình hiện đại hóa kiểu Trung Quốc đối với các nước đang phát triển trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Biên tập viên:Dung Dung