CMG tổ chức thành công Toạ đàm lý luận Trung Quốc – Việt Nam “Hành trình mới, vận mệnh chung”

2022-11-08 09:37:23(GMT+08:00) CRI
Chia sẻ:

Theo tin Đài chúng tôi: Ngày 7/11, Trung tâm Chương trình ngôn ngữ khu vực châu Á-châu Phi thuộc Đài Phát thanh và Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CMG) phối hợp Học viện Báo chí và Tuyên truyền thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Việt Nam (Trường Đảng Trung ương Việt Nam ) đồng tổ chức Toạ đàm lý luận Trung Quốc – Việt Nam “Hành trình mới, vận mệnh chung”. Buổi toạ đàm diễn ra theo hình thức kết hợp trực tuyến và trực tiếp, điểm cầu Việt Nam được đặt tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền Việt Nam ở Hà Nội. Các học giả hai nước Trung Quốc và Việt Nam tham dự buổi toạ đàm đánh giá cao thành quả và ý nghĩa của Đại hội lần thứ XX Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã đi sâu nghiên cứu, thảo luận và trao đổi về các vấn đề như kinh nghiệm cải cách và phát triển của Trung Quốc trong 10 năm qua cũng như những gợi ý đối với Việt Nam.

Các chuyên gia Trung Quốc và Việt Nam tham dự Tọa đàm lý luận

Đại biểu Đài Phát thanh và Truyền hình Trung ương Trung Quốc dự Đại hội lần thứ XX Đảng Cộng sản Trung Quốc, Giám đốc Trung tâm Chương trình ngôn ngữ khu vực châu Á-châu Phi An Hiểu Vũ đã giới thiệu chương trình nghị sự chính và thành quả của Đại hội XX, đồng thời điểm lại nội dung của cuộc hội đàm giữa Tổng Bí thư hai Đảng Cộng sản Trung Quốc và Việt Nam với các khách mời có mặt tại buổi toạ đàm qua đường truyền vi-đê-ô (video). Ông cho biết, việc tổ chức buổi toạ đàm lý luận Trung – Việt chính là nhằm thực hiện yêu cầu của Tổng Bí thư hai Đảng, “tăng cường trao đổi và học hỏi kinh nghiệm quản lý Đảng và đất nước”, “làm sâu sắc giao lưu về lý luận giữa hai Đảng”. Việc triệu tập thành công Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc và Đại hội XIII Đảng Cộng sản Việt Nam cũng như cuộc gặp thành công giữa Tổng Bí thư hai Đảng đánh dấu quan hệ Trung – Việt bước sang giai đoạn mới then chốt. Tin tưởng nhận thức, quan điểm chính xác của các khách mời tham dự buổi toạ đàm sẽ tăng thêm trí tuệ và sức mạnh cho việc thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung – Việt thời đại mới không ngừng bước lên tầm cao mới.

Giám đốc Trung tâm Chương trình ngôn ngữ khu vực châu Á-châu Phi An Hiểu Vũ

Điểm cầu tại Hà Nội, Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viên Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (Giữa)

Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viên Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh trong bài phát biểu cho biết, kể từ Đại hội XVIII, Đảng Cộng sản Trung Quốc kiên trì kết hợp chủ nghĩa Mác với thực tế cụ thể ở Trung Quốc, với văn hóa truyền thống Trung Hoa xuất sắc, hình thành Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới có ý nghĩa quan trọng đối với thế giới đương đại.

Giáo sư Trình Ân Phúc ở Trung Quốc

Giáo sư Trình Ân Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Mác thuộc Viện Khoa học-xã hội Trung Quốc, Chủ tịch Hội Nghiên cứu Kinh tế chính trị thế giới trong bài tham luận nêu rõ, tự mình cách mạng là chủ đề quan trọng trong quản lý đảng nghiêm minh toàn diện thời kỳ mới do Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc đề xuất, đáng để hai bên Trung Quốc và Việt Nam nghiên cứu, thảo luận và trao đổi kinh nghiệm. Miễn là hai Đảng Cộng sản Trung Quốc và Việt Nam không ngừng thúc đẩy tự mình cách mạng và lấy đó để thúc đẩy cách mạng xã hội và xây dựng hiện đại hóa thì có lợi cho việc tăng cường lòng tin phát triển sự nghiệp xã hội chủ nghĩa thế giới.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Viết Thảo

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Viết Thảo, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh trong bài tham luận cho biết, các nước xã hội chủ nghĩa Trung Quốc, Việt Nam đã xây dựng các mô hình và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội phù hợp bối cảnh thời đại mới và thực tế cụ thể ở mỗi nước. Đây là thành tựu có ý nghĩa lịch sử, đã bảo vệ chế độ và sự nghiệp chủ nghĩa xã hội.

Giáo sư Tân Hướng Dương

Trong bài tham luận, Giáo sư Tân Hướng Dương, Bí thư Đảng ủy Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Mác thuộc Viện Khoa học-xã hội Trung Quốc đã đi sâu giới thiệu đặc sắc Trung Quốc và yêu cầu bản chất của hiện đại hóa kiểu Trung Quốc và nêu rõ, hiện đại hóa kiểu Trung Quốc đã phá vỡ huyền thoại và sương mù hiện đại hóa của phương Tây, kiến tạo mô hình và bố cục mới hiện đại hóa.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Ngọc Nam

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Ngọc Nam, nguyên Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh trong bài tham luận cho biết, kiên trì xây dựng đảng cầm quyền lớn mạnh là nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp cải cách mở cửa ở Trung Quốc. Những kinh nghiệm và những quy luật về tổ chức và hoạt động lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc có ý nghĩa gợi mở rất quan trọng để tham chiếu, vận dụng xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam.

Buổi toạ đàm lần này còn tổ chức hoạt động quảng bá, giới thiệu cuốn “Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới và ý nghĩa đối với thế giới đương đại”do Đài Phát thanh và Truyền hình Trung ương Trung Quốc tổ chức chuyên gia hai nước Trung Quốc và Việt Nam viết,  do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Hoàn, Trưởng Khoa Triết  học Học viện Báo chí và Tuyên truyền làm chủ biên. Cuốn sách này tập hợp thành quả nghiên cứu của nhiều chuyên gia Trung Quốc – Việt Nam trên lĩnh vực lý luận chính trị, tập trung trình bày các nội dung như “phát triển chất lượng cao”, “lấy nhân dân làm trung tâm”...kể từ khi chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc bước vào thời đại mới, giúp độc giả Việt Nam hiểu sâu sắc hơn về báo cáo chính trị của Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Các cơ quan truyền thông như Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Kỹ thuật số, "Báo Nhân dân" Việt Nam, "Báo Quân đội Nhân dân" Việt Nam, "Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam", Đài Truyền hình Phượng Hoàng đã đưa tin về buổi Toạ đàm. 

Biên tập viên:Sảnh Hoa