Hợp tác kinh tế là điểm sáng trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc hiện nay

2022-10-31 11:26:26(GMT+08:00) cri
Chia sẻ:

Việt Nam - Trung Quốc là hai nước láng giềng có mối quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời, có sự hợp tác sâu rộng và thực chất trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục… Đại dịch covid-19 bùng phát bất ngờ đã khiến cho các hoạt động giao lưu trực tiếp song phương bị gián đoạn từ năm 2020, gây khó khăn cho việc thúc đẩy quan hệ giữa hai nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư vẫn được duy trì và thúc đẩy, trở thành điểm sáng trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc.

Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, trong khi đó, Việt Nam tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và đối tác lớn thứ 6 của Trung Quốc trên thế giới (sau các nước Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức và Australia). Năm 2021, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Trung Quốc đạt 165,8 tỷ USD, tăng 24,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong 9 tháng đầu năm 2022, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 91,6 tỷ USD, trong đó nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm khoảng 33,1% tổng kim ngạch nhập khẩu từ các thị trường của Việt Nam, dự báo cả năm 2022 chiếm 33,4%.

Nhiều mặt hàng đạt quy mô lớn (trên 1 tỷ USD) nhập khẩu từ Trung Quốc như: Máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác; vải; điện thoại và linh kiện; sắt thép; sản phẩm chất dẻo, hóa chất; nguyên phụ liệu dệt may, giày dép; dây điện và dây cáp điện... Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Trung Quốc trong 9 tháng đầu năm 2022 tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, một số nhóm mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc lớn như: Điện thoại và các loại linh kiện, đạt 8,9 tỷ USD, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 25,1% tỷ trọng xuất khẩu; Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 7,6 tỷ USD, tăng 15,9%, chiếm 21,6 %...

Đặc biệt, hai bên đã cùng thúc đẩy tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu nông sản Việt Nam sang Trung Quốc: Sau 4 năm đàm phán, ngày 11/7/2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đã ký với Tổng cục Hải quan Trung Quốc Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc, đây là điều kiện quan trọng để quả sầu riêng của Việt Nam có đầu ra bền vững tại thị trường Trung Quốc; chanh leo Việt Nam cũng được thí điểm xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc kể từ tháng 7/2022...

Hoạt động hợp tác đầu tư giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc được thúc đẩy mạnh mẽ với nhiều dự án quan trọng, đóng góp tích cực cho kinh tế hai nước. Tính lũy kế đến tháng 6/2022, Trung Quốc xếp thứ 6/139 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn đạt 22,31 tỷ USD với khoảng 3.372 dự án. Các dự án đầu tư của Trung Quốc có mặt tại hầu hết các tỉnh, thành Việt Nam, tập trung tại các tỉnh biên giới có khu kinh tế cửa khẩu, ven biển, các thành phố đông dân, có sức thu hút lao động mạnh, có cơ sở hạ tầng tốt, thuận lợi cho xuất, nhập khẩu hàng hóa cũng như đi lại giữa Việt Nam và Trung Quốc. Một số dự án lớn mà các nhà đầu tư Trung Quốc đã đầu tư tại Việt Nam có thể kể tới như: Dự án nhiệt điện Vĩnh Tân 1 trị giá 1,75 tỷ USD tại tỉnh Bình Thuận; Dự án nhiệt điện Vũng Áng 2 có mức đầu tư 2,187 tỷ USD tại tỉnh Hà Tĩnh và Dự án nhiệt điện Vĩnh Tân 3 trị giá 2 tỷ USD tại tỉnh Bình Thuận. Ngoài ra, các nhà đầu tư Trung Quốc cũng có nhiều dự án tại các khu công nghiệp. Một số khu công nghiệp được các nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư như: khu công nghiệp Đình Vũ (Hải Phòng), Hòa Phú (Bắc Giang), Nam Tân Uyên (Bình Dương) và Châu Đức (Bà Rịa – Vũng Tàu)... Trong khi đó, Việt Nam xếp thứ 10/78 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Trung Quốc với tổng vốn đăng ký đạt 30,09 triệu USD, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất và dịch vụ.

Trên cơ sở lợi thế, nhu cầu mỗi bên, quan hệ kinh tế Việt Nam - Trung Quốc tới đây còn nhiều tiềm năng phát triển, thể hiện trên các mặt: Một là, lợi thế vị trí địa lý là điều kiện thuận lợi cho hoạt động giao thương, trao đổi hàng hóa cho doanh nghiệp hai bên thông qua các hình thức vận chuyển hàng hóa đa dạng bao gồm cả đường bộ, đường biển, đường hàng không, đường sắt… Hai là, tính bổ sung lẫn nhau trong cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai nước vẫn rất lớn. Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc các sản phẩm nông sản nhiệt đới, thủy sản, dệt may, điện thoại, máy tính, sản phẩm điện tử, đồng thời nhập khẩu từ Trung Quốc các mặt hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất, nông sản ôn đới... Ba là, Hiệp định RCEP cùng các cơ chế hợp tác song phương sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp, người dân hai nước thúc đẩy hoạt động thương mại song phương.

Tóm lại, trong giai đoạn thế giới cùng nỗ lực phòng chống đại dịch Covid-19, hai quốc gia láng giềng Việt Nam và Trung Quốc đã chung tay phối hợp để bảo vệ sức khỏe cho nhân dân và đã đạt được nhiều kết quả tích cực, quan hệ hợp tác thương mại và đầu tư ngày càng khăng khít, qua đó góp phần thúc đẩy sự phát triển của quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc, đóng góp vai trò tích cực vào hòa bình, thịnh vượng và sự phát triển của khu vực và thế giới./.


Kinh tế Việt Nam: Điểm sáng hiếm hoi của khu vực trong bối cảnh khủng hoảng

Việt Nam - quốc gia láng giềng với Trung Quốc đã vượt qua những khó khăn của hệ thống y tế chưa hiện đại và ngân sách eo hẹp để từng bước chiến thắng đại dịch Covid-19 với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”. Hiện nay, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ mở cửa lại nền kinh tế và thu hút du lịch quốc tế nhanh nhất trên thế giới sau dịch bệnh.

Kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ sau dịch Covid-19

Trước khi dịch COVID-19 bùng phát trên thế giới năm 2020, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nền kinh tế ổn định, tăng trưởng nhanh hàng đầu khu vực và thế giới; được IMF đánh giá nằm trong số 20 nền kinh tế có đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng toàn cầu năm 2019. Theo bảng xếp hạng về chỉ số tự do kinh tế năm 2021 (Index of Economic Freedom 2021) được Heritage Foundation (Mỹ) công bố gần đây, Việt Nam đạt mức 61,7 điểm (cao hơn mức trung bình của khu vực và thế giới), đứng thứ 17/40 quốc gia ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và đứng thứ 90/184 nền kinh tế trên thế giới.

Bên cạnh các chỉ số về kinh tế, theo khảo sát và đánh giá của Liên Hợp Quốc, chỉ số phát triển bền vững (SDG) của Việt Nam đã liên tục gia tăng, từ vị trí 88 vào năm 2016 lên 57 vào năm 2018 và thứ 49 vào năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 9,88% cuối năm 2015 xuống dưới 3% vào năm 2020, với mức giảm trung bình là hơn 1,4%/năm. Thu nhập bình quân đầu người Việt Nam liên tục được cải thiện và thị trường Việt Nam đang trở thành một trong những thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất toàn cầu (đứng vị trí thứ 6 trong nhóm 30 quốc gia có tiềm năng và mức độ hấp dẫn đầu tư trong lĩnh vực bán lẻ toàn cầu). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng bình quân đầu người tăng 2,65 lần trong 10 năm qua, đóng góp khoảng 8% GDP.

Khi đại dịch Covid-19 bùng phát với số lượng ca nhiễm hàng ngày có lúc lên tới hơn 10.000 ca, chính phủ Việt Nam đã nhanh chóng nâng mức cảnh báo và triển khai các biện pháp kiểm soát, cách ly dịch ở mức cao nhất; đồng thời, mở chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử với khoảng 150 triệu liều cho 75 triệu người trưởng thành. Nhờ sự nỗ lực của Việt Nam cùng với hỗ trợ của các quốc gia, tổ chức trên thế giới, Việt Nam đã nhanh chóng phổ cập 2 mũi vắc-xin cho người dân và hiện tiếp tục phổ cập mũi thứ 3, thứ 4 cũng như tiêm cho trẻ em trên cả nước. Chính vì vậy trong đợt bùng phát dịch lớn trên cả nước vào tháng 3/2022, số ca tử vong được ghi nhận ở mức thấp đáng kể so với thời điểm chưa tiêm chủng (chỉ khoảng 100 ca/270 nghìn ca nhiễm/ngày so với 300 ca/11 nghìn ca nhiễm/ngày - tháng 8/2021).

Cùng với việc từng bước kiểm soát được dịch Covid-19 trên phạm vi cả nước, Việt Nam đã nhanh chóng nới lỏng các biện pháp hạn chế, cùng với đó là hàng loạt các cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, mở cửa nền kinh tế đặc biệt là các ngành du lịch, dịch vụ. Theo đó GDP quý III/2022 đã tăng mạnh 13,67%, góp phần đưa tăng trưởng 9 tháng đầu năm 2022 của Việt Nam đạt 8,83% (cao nhất từ năm 2011 đến nay), và có thể đạt mức tăng trưởng 8% trong cả năm 2022, đây là một con số rất ấn tượng trong bối cảnh nhiều nước trong khu vực và thế giới đang gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, lạm phát cao, thiếu năng lượng...

Bên cạnh đó, Việt Nam được đánh giá là một trong những nền kinh tế năng động và tham gia sâu rộng vào kinh tế thế giới khi có mặt trong hàng loạt các FTA với hàng loạt trung tâm kinh tế lớn, trong đó có thể kể đến là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) gồm 11 nền kinh tế với tổng sản phẩm quốc nội lên tới 13,4% GDP toàn cầu; Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) chiếm tới 30% GDP toàn cầu; là một trong hai thành viên ASEAN (bên cạnh Singapore) có FTA song phương với EU (EVFTA)... Những ưu thế này đang giúp Việt Nam trở thành tâm điểm thu hút đầu tư nước ngoài của nhiều doanh nghiệp, tập đoàn. Nhiều công ty lớn như Samsung, Foxconn đang có kế hoạch xây dựng nhà máy mới tại Việt Nam; Luxshare, Goertek, Pegatron và các công ty điện tử khác đang chuyển một số cơ sở sản xuất của họ sang Việt Nam, thậm chí tỷ phú Hồng Kông Li Ka-shing đã từ bỏ Vương quốc Anh và chuyển sang Việt Nam đầu tư bất động sản. Hiện tượng chuyển giao sản xuất sang Việt Nam cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang có xu hướng phát triển rất tích cực sau đại dịch Covid-19.

Biên tập viên:Hải Vân