Doanh nghiệp Việt Nam tìm thấy cơ hội kinh doanh to lớn từ Hội chợ Xuất khẩu Chiết Giang 2022
Trong tiết trời thu mát mẻ của thủ đô Hà Nội, Triển lãm Thương mại Quốc tế Chiết Giang 2022 và Hội chợ Xuất khẩu Chiết Giang lần thứ 10 tại Việt Nam đang diễn ra từ ngày 28 đến ngày 30/9/2022. Tại Hội chợ lần này, nhiều doanh nghiệp Việt Nam cho biết họ đã tìm thấy cơ hội hết sức tiềm năng để hợp tác với các đối tác Trung Quốc.
Trong số các khách tham quan Hội chợ có chị Nguyễn Hồng Diệp, Trưởng phòng Marketing Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Thương mại Thành Bảo Minh và các đồng nghiệp. Công ty Thành Bảo Minh là đơn vị chuyên nhập khẩu và phân phối các sản phẩm mẹ và bé phân khúc cao cấp tại Việt Nam.
Đến với Hội chợ, chị Diệp hy vọng tìm được các nhà cung cấp đồ may mặc cho mẹ và bé đến từ Trung Quốc để đa dạng nguồn hàng. Với kinh nghiệm nhập khẩu các sản phẩm từ nhiều nước trên thế giới, chị Diệp cho rằng hàng hoá của Trung Quốc có rất nhiều lợi thế, rất phù hợp với thị trường Việt Nam.
“Các sản phẩm xuất xứ từ Trung Quốc mà chúng tôi tìm hiểu đều có chất lượng cực kỳ tốt, và đáng nói hơn nữa là có mức chi phí sản xuất vô cùng cạnh tranh - điều mà khó có thể có thị trường nào làm tốt hơn Trung Quốc,” chị Diệp nói.
Theo chị Diệp, hiện nay nhu cầu tiêu dùng của các gia đình Việt Nam đang gia tăng, tuy nhiên các sản phẩm thuộc lĩnh vực mẹ và bé xuất xứ từ Trung Quốc, đặc biệt là các sản phẩm cao cấp còn chưa được biết đến nhiều, chưa được quảng bá tương xứng với tiềm năng.
“Đây chính là lý do chúng tôi đến Hội chợ Xuất khẩu Chiết Giang - một hội chợ chuyên về hàng hoá Trung Quốc mà không phải một hội chợ nào khác, để tìm hiểu về các nhà cung cấp,” chị Diệp giải thích. Chiết Giang cũng là nơi toạ lạc của những trung tâm sản xuất, phân phối hàng dệt may lớn nhất thế giới, hứa hẹn nền tảng chất lượng cao của các thương hiệu nơi đây.
Cũng đến tham dự Triển lãm là anh Đỗ Duy Anh - Quản lý mảng Kỹ thuật Sản xuất tại Công ty Cổ phần Công nghệ VTech. Đây là công ty Việt Nam chuyên về cơ khí đa ngành, sản xuất gia công các chi tiết máy theo đơn đặt hàng. Dự kiến cuối năm nay công ty sẽ mở rộng sản xuất, triển khai một số dự án mới quy mô lớn nên vị quản lý muốn tham quan các gian hàng, tham khảo thông tin và tìm kiếm đối tác phù hợp.
“Từ trước tới nay chúng tôi làm chủ yếu với các đối tác Nhật Bản, Philippines nhưng tới đây chúng tôi muốn mở rộng hơn, khai thác đầu vào từ thị trường Trung Quốc vì nguồn cung ở đây rất đa dạng và giá cả thì phải chăng,” anh Duy Anh cho biết.
Trong thời gian vừa qua, bản thân công ty Vtech đã cử đoàn làm việc khảo sát thị trường nguyên liệu bên Trung Quốc và thu được kết quả nhất định.
“Đối với Triển lãm – Hội chợ lần này, chúng tôi cũng tham dự để có thêm lựa chọn vì địa điểm tổ chức tại Hà Nội rất thuận tiện. Bên cạnh đó, Triển lãm do chính quyền 2 bên phối hợp tổ chức và quy tụ những nhà sản xuất hàng đầu đến từ Chiết Giang – địa phương có thương hiệu nổi tiếng thế giới nên chúng tôi cảm thấy rất đáng tin cậy,” vị quản lý chia sẻ.
Rời Triển lãm sau hơn 2 giờ tham quan, anh Duy Anh cho biết đã tìm được đối tác tiềm năng, là một doanh nghiệp thuộc ngành ngũ kim và máy móc thiết bị đến từ Chiết Giang.
“Chúng tôi đã trao đổi thông tin liên lạc và sẽ bàn thảo kỹ hơn về cơ hội hợp tác,” anh phấn khởi nói, cảm thấy việc tham dự hội chợ hôm nay rất thành công. Anh Duy Anh còn nhận xét, so với các triển lãm khác mình từng tham gia, Triễn lãm - Hội chợ Chiết Giang có quy mô hoành tráng hơn và cách thức tổ chức hoạt động chuyên nghiệp, trơn tru hơn.
Không chỉ giới thiệu các nhà sản xuất ưu tú làm thế mạnh nổi bật, Triển lãm Thương mại Quốc tế Chiết Giang 2022 còn đồng thời tổ chức nhiều hoạt động bên lề nhằm hỗ trợ, mang lại lợi ích gia tăng cho doanh nghiệp và khách tham dự. Chủ đề các hoạt động bao gồm: Hội thảo Thương mại điện tử nhìn từ Trung Quốc – Bài học và thực tiễn; Tọa đàm Xúc tiến thương mại quốc tế 4.0 và mô hình kết nối giao thương Việt – Trung trong bối cảnh mới; Tour thử xe đạp, Cơ hội mua sắm hàng xuất khẩu với giá sỉ, Trực tiếp trải nghiệm các sản phẩm công nghệ hiện đại nhất hiện nay…
Việt Nam là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Trung Quốc trong khu vực ASEAN, là điểm “dừng chân” lý tưởng của các doanh nghiệp đồng thời cũng là điểm đầu tư nước ngoài tập trung nhất của Chiết Giang. Ngày 1/1/2022, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) có hiệu lực, tạo nền tảng tốt cho đầu tư và thương mại song phương giữa Chiết Giang và các địa phương Việt Nam nói riêng, giữa Trung Quốc và Việt Nam nói chung. Tổng kim ngạch thương mại song phương hàng năm đều tăng và không ngừng mở rộng, tạo đà cho quan hệ kinh tế thương mại ngày càng khăng khít, phát triển.
Biên tập viên:Dung Dung