Trung Quốc mở cửa thị trường mang lại cơ hội to lớn cho thế giới

2022-08-31 09:54:36(GMT+08:00) CRI
Chia sẻ:

Trong những năm gần đây, chính phủ Trung Quốc đã liên tục khẳng định và thực thi chính sách mở cửa sâu rộng thị trường nội địa, tăng cường nhập khẩu hàng hoá từ nước ngoài. Điều này hứa hẹn những cơ hội to lớn cho các đối tác thương mại của Trung Quốc trong đó có Việt Nam - một nước láng giềng gần gũi về địa lý và có cơ cấu hàng hoá tương đồng.

Bộ Công Thương Việt Nam đánh giá, việc Trung Quốc chuyển sang mô hình tăng trưởng dựa vào nhập khẩu kích cầu nội địa là một nhân tố mới giúp Việt Nam cải thiện quan hệ song phương, tăng cường xuất khẩu các mặt hàng chiến lược như nông - thủy sản, thực phẩm chế biến, đặc biệt là cà phê và các sản phẩm chế biến liên quan.

Nhu cầu cao từ phía người tiêu dùng Trung Quốc cùng chất lượng tốt, giá cả hợp lý của các sản phẩm Việt Nam khiến cho triển vọng xuất khẩu rất lạc quan, theo Bộ này.

Cùng quan điểm trên, Tiến sĩ Lê Xuân Sang – Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) phân tích, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng rất nhanh, thu nhập người dân ngày càng cao và nhu cầu hàng hoá đa dạng đã tạo nên một thị trường tiêu thụ khổng lồ. Đây chính là cơ hội ngày càng rộng mở cho các nhà xuất khẩu từ khắp nơi trên thế giới.

Tiến sĩ Lê Xuân Sang

So với các đối tác thương mại khác của Trung Quốc, Việt Nam có rất nhiều lợi thế, nổi bật nhất là yếu tố địa lý, cơ cấu hàng xuất nhập khẩu và việc cùng là thành viên của nhiều hiệp định thương mại tự do.

“Với vị trí địa lý liền kề, doanh nghiệp Việt Nam có lợi thế nhất định về chi phí vận chuyển, bớt chịu tác động từ các rủi ro như tắc nghẽn logistics, đứt gãy chuỗi cung ứng, hay tác động từ chiến sự Ukraine – Nga,” vị chuyên gia nhận định.

Việt Nam và Trung Quốc còn có cấu trúc hàng hoá xuất nhập khẩu mang tính bổ trợ nhau, gu hàng hoá tương đồng. Cụ thể, Việt Nam có thể cung cứng nhiều mặt hàng mà thị trường Trung Quốc có nhu cầu như hàng nông lâm thuỷ sản với chi phí thấp, chất lượng tốt. 

Hai nước có cùng phương hướng hội nhập sâu rộng thông qua hàng loạt các hiệp định thương mại tự do, điều này cũng tạo lợi thế cho thương mại song phương. Việt Nam và Trung Quốc cùng là thành viên củacủa Hiệp định Thương mại Tự do Trung Quốc – ASEAN và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).

“Việc thực thi RCEP và các hiệp định có thể có khác giúp cả hai nước có cơ chế chính sách thương mại công khai, minh bạch, tạo thuận lợi hoá thương mại, khiến luồng đầu tư thương mại ngày càng thông suốt và hiệu quả hơn,” Tiến sĩ Lê Xuân Sang chỉ ra.

Theo các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam, những hiệp định như RCEP ngoài việc cung cấp cho họ các ưu đãi về thuế quan, đơn giản hoá thủ tục hành chính, còn khiến cho người tiêu dùng Trung Quốc có tâm lý cởi mở hơn với việc trải nghiệm hàng hoá nước ngoài.

Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, thương mại 2 chiều Việt Nam - Trung Quốc 6 tháng đầu năm 2022 đạt 87,3 tỷ đô la Mỹ (USD), trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 26,17 tỷ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2021 (tương đương tăng hơn 1,6 tỷ USD) và nhập khẩu từ Trung Quốc lên đến 61,12 tỷ USD, tăng 14,63% (tương đương tăng 7,8 tỷ USD).

Bộ Công Thương Việt Nam kỳ vọng, với thị trường trên 1,4 tỷ dân liền kề biên giới, trong tương lai, nếu xây dựng được các kênh xuất khẩu chính ngạch ổn định thì Trung Quốc có thể trở thành thị trường xuất khẩu chiến lược lớn nhất của Việt Nam.

Một trong những nỗ lực của chính phủ Trung Quốc thời gian qua nhằm xúc tiến thương mại là thông qua các hoạt động hội chợ, triển lãm quy mô quốc tế, tiêu biểu như Hội chợ triển lãm Nhập khẩu Quốc tế Trung Quốc (CIIE) được tổ chức hàng năm kể từ 2018. Đây cũng là triển lãm cấp quốc gia theo chủ đề nhập khẩu đầu tiên trên thế giới.

Hội chợ triển lãm Nhập khẩu Quốc tế Trung Quốc (CIIE) lần thứ 3

Bà Hoàng Thị Thanh Thuỷ, Giám đốc Kinh doanh quốc tế Tập đoàn TH Group Việt Nam cho rằng việc Trung Quốc thực hiện mở cửa chào đón hàng hóa nước ngoài, tổ chức hàng loạt Hội chợ xúc tiến thương mại thực sự là cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.

“Với tư cách một công ty xuất khẩu sữa và sản phẩm từ sữa, TH luôn quan tâm đến các hội chợ do phía Trung Quốc tổ chức và coi đây là cơ hội để đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển ngoại thương,” vị đại diện doanh nghiệp khẳng định. 

“Nhiều năm qua, TH đã tham gia Hội chợ tại Thượng Hải, Bắc Kinh, Quảng Châu, Thâm Quyến… và nhận được sự quan tâm không chỉ của người tiêu dùng mà còn của lãnh đạo các cấp,” bà Thanh Thuỷ nói, cho biết đây là những cơ hội tuyệt vời để tiếp cận thị trường và xây dựng lòng tin với người tiêu dùng Trung Quốc. 

Đã nhiều lần tham dự CIIE tại Thượng Hải,  phía công ty đánh giá rất cao sự hỗ trợ của Ban Tổ chức hội chợ trong việc giúp trưng bày, quảng bá sản phẩm. 

“Chúng tôi đánh giá rất cao những hợp tác này và mong đợi thông qua các Hội chợ như CIIE, doanh nghiệp Việt Nam có thêm nhiều cơ hội tiếp cận thị trường và người tiêu dùng Trung Quốc, ngược lại, người tiêu dùng Trung Quốc cũng có thêm sự lựa chọn đa dạng hơn về hàng hóa, nhất là trong lĩnh vực đồ uống, thực phẩm,” bà Hoàng Thị Thanh Thuỷ chia sẻ. 

Nhà triển lãm Việt Nam tại Hội chợ triển lãm Nhập khẩu Quốc tế Trung Quốc (CIIE) lần thứ nhất

Bằng việc kiên định mở cửa thị trường nội địa, chào đón hàng hoá nước ngoài, Chính phủ Trung Quốc đang chia sẻ cơ hội to lớn từ sự phát triển của mình với toàn thế giới, tạo thêm động lực cho thương mại toàn cầu, đồng thời phục vụ nhu cầu chính đáng của người dân Trung Quốc về một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Biên tập viên:Kiều Quân