Bình Luận: Chuyến công du “ngoại giao dầu mỏ” của Tổng thống Mỹ Bai-đơn phơi bày bản tính vị kỷ của Mỹ

2022-07-20 12:30:14(GMT+08:00) CRI
Chia sẻ:

Nguồn tài nguyên dầu khí dồi dào đã khiến Trung Đông trở thành trọng tâm chiến lược của Mỹ trong một thời gian dài. Nhưng Trung Đông dường như đang dần bị Mỹ bỏ rơi khi sự phụ thuộc vào dầu mỏ từ Trung Đông ngày một giảm. Cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay đã đưa Tổng thống Bai-đơn một lần nữa trở lại Trung Đông, vạch trần đầy đủ  hành vi vị kỷ của Mỹ khi “cần người thì ngon ngọt, không cần thì quay lưng”.

Hơn 15 triệu km vuông đất đai ở khu vực Trung Đông đang chứa 65% tài nguyên dầu mỏ của thế giới. Dầu mỏ là “huyết mạch” của ngành công nghiệp, từ lâu đã đóng vai trò quan trọng đối với công nghiệp hóa của Mỹ. Kể từ khi phát hiện dầu mỏ ở Trung Đông vào thế kỷ 20, Mỹ ngày càng chú ý đến Trung Đông. Từ hỗ trợ hậu thuẫn trong nhiều cuộc chiến ở Trung Đông và Chiến tranh giữa I-ran và I-rắc, đến việc tham gia trực tiếp vào Chiến tranh vùng Vịnh, Chiến tranh I-rắc và Chiến tranh Áp-ga-ni-xtan, sự can thiệp của Mỹ vào Trung Đông ngày càng trắng trợn, thủ đoạn ngày càng trực tiếp. Trong 100 năm qua, Mỹ coi Trung Đông là trọng tâm chiến lược của mình để mưu toan kiểm soát dầu mỏ ở Trung Đông vì lợi ích của bản thân, nhưng lại gây ra tình trạng hỗn loạn liên tục ở Trung Đông.

Tuy nhiên, bước vào thế kỷ 21, thời đại Mỹ dựa vào dầu mỏ của các nước Trung Đông đang dần kết thúc. Do chú trọng vấn đề bảo vệ môi trường, cách thức sử dụng năng lượng truyền thống chủ yếu dựa vào dầu mỏ bắt đầu thay đổi. Theo dự báo của Công ty Dầu mỏ Anh (BP), muốn thực hiện trung hòa các-bon trên toàn cầu vào năm 2050, nhu cầu dầu mỏ quốc tế phải giảm từ 10 triệu thùng/ngày hiện nay xuống 8,9 triệu thùng/ngày vào năm 2030 và 4,7 triệu thùng/ngày vào năm 2050, tức thấp hơn một nửa so với nhu cầu hiện nay. Trong gần 10 năm qua, “cuộc cách mạng đá phiến” ở Mỹ đã đẩy nhanh việc Mỹ giảm bớt sự phụ thuộc vào dầu mỏ từ Trung Đông.

Trong bối cảnh đó, Mỹ đang không ngừng thu hẹp chiến lược ở Trung Đông và chuyển hướng sang khu cực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Cựu Tổng thống Mỹ Ô-ba-ma đưa ra chiến lược “quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương”, và Tổng thống Bai-đơn ủng hộ chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Cuối cùng, Mỹ đã hoàn thành việc rút quân khỏi Áp-ga-ni-xtan vào năm 2021, đồng thời cam kết sẽ rút quân khỏi I-rắc, và đã rút liên tiếp mấy hệ thống phòng thủ tên lửa khỏi A-rập Xê-út.

Hiện nay, cuộc khủng hoảng năng lượng do xung đột Nga – U-crai- na và các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga đã dẫn đến tình trạng lạm phát nghiêm trọng ở Mỹ. Bộ Lao động Mỹ công bố số liệu cho thấy, chỉ số CPI của Mỹ trong tháng 6 lên tới 9,1%, vượt xa dự báo của thị trường là 8,8% và đạt mức cao kỷ lục trong vòng hơn 40 năm tính từ tháng 12/1981. Chính phủ Mỹ một lần nữa nghĩ đến Trung Đông, Tổng thống Bai-đơn cam kết sẽ giảm giá xăng dầu bằng mọi cách để tạo không gian cần thiết cho Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ chống lạm phát, đó là lý do ông Bai-đơn thăm Trung Đông, mục đích chính của ông trong chuyến thăm lần này là thuyết phục các nước vùng Vịnh tăng sản lượng khai thác dầu mỏ.

Trên thực tế, ngay từ tháng 3 năm nay, Nhà Trắng đã tranh thủ sắp xếp cuộc điện đàm giữa Tổng thống Bai-đơn và nhà lãnh đạo của A-rập Xê-út và Các Tiểu vương quốc A-rập Thống nhất, hai nước sản xuất dầu mỏ quan trọng ở Trung Đông, để thảo luận về việc kiểm soát giá dầu mỏ, nhưng các nhà lãnh đạo của hai nước trên đã từ chối điện đàm với ông Bai-đơn. Xuất phát từ nhu cầu lợi ích dầu mỏ của mình, việc Mỹ lúc thì coi trọng, lúc thì đột ngột từ bỏ đã tạo một ký ức sâu đậm cho các đồng minh. Hiện nay, Mỹ một lần nữa nhớ đến các nước Trung Đông đã bị bỏ quên từ lâu vì lợi ích riêng tư của mình, cách làm này của Mỹ sẽ khiến các nước Trung Đông làm sao mà tin tưởng được Mỹ?

Vì dầu mỏ, Mỹ đã từng coi Trung Đông là khu vực chiến lược quan trọng nhất của mình; cũng vì coi dầu mỏ là dĩ vãng, Mỹ và các nước châu Âu bận rộn bán tài sản dầu mỏ của Trung Đông, từ bỏ các đối tác Trung Đông; cũng vì dầu mỏ, Mỹ lại nói “sẽ không rời khỏi Trung Đông” và quay trở lại đây. Các nước Trung Đông không phải là đầy tớ của Mỹ theo kiểu "vẫy tay một cái là đến, hất tay một cái là đi”, đã đến lúc Mỹ sửa lại hành vi vị kỷ của mình khi “cần người thì ngon ngọt, không cần thì quay lưng”.

 

Biên tập viên:Kiều Quân