Bản nhạc hữu nghị Trung-Việt viết từ những nốt nhạc yêu thương

2022-07-12 08:30:37(GMT+08:00) CMG
Chia sẻ:

      Mạc Song Song là một nữ nhạc sĩ với nhiều năm học chuyên ngành sáng tác âm nhạc. Chị đã không quản xa xôi ngàn dặm đi theo người chồng Việt Nam - nhạc trưởng Đồng Quang Vinh, sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống âm nhạc - để định cư lâu dài tại Việt Nam. Hai vợ chồng kết hợp hoàn hảo các yếu tố âm nhạc Trung-Việt cùng những nét âm nhạc đặc sắc của các nước để đưa âm nhạc dân tộc Việt Nam đi ra thế giới, bên cạnh đó thúc đẩy sâu rộng giao lưu văn hoá truyền thống hai nước Trung-Việt.

      Người vợ Mạc Song Song là cô gái đến từ tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Năm 2006, chị là sinh viên năm thứ 4 khoa sáng tác của Học viện Âm nhạc Thượng Hải, để hoàn thành một tác phẩm mới, qua sự giới thiệu của một sinh viên khóa dưới, Song Song đã làm quen với Đồng Quang Vinh, lưu học sinh Việt Nam chuyên ngành Chỉ huy dàn nhạc dân tộc học cùng trường.

       Đồng Quang Vinh là một chàng trai có tài năng thiên bẩm về âm nhạc. Anh được sinh ra trong một gia đình có truyền thống âm nhạc, cha anh là Đồng Văn Minh, nghệ sỹ ưu tú của Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam. Mẹ anh là nghệ sỹ ưu tú Mai Lai, Chủ nhiệm Bộ môn đàn Tranh tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Vinh từ bé đã theo học sáo trúc và cùng bố mẹ đi biểu diễn ở nhiều nước trên thế giới.

       Khi nhắc đến việc hợp tác lúc đó, chị Mạc Song Song, vợ anh Vinh nói: “Lúc đó, để thể hiện tốt hơn bản nhạc do tôi sáng tác, anh Vinh đã sử dụng nhiều nhạc cụ khác nhau, lúc đó tôi phát hiện ra rằng nhạc cụ Việt Nam rất phong phú, nhất là âm sắc của của chúng̣ rất đặc biệt, và hết sức phù hợp với sáng tác của tôi”.

      Sự hợp tác này đã thu hẹp khoảng cách giữa Mạc Song Song và Đồng Quang Vinh, đồng thời gieo mầm trong lòng Song Song một khát vọng tìm hiểu về nhạc cụ dân tộc Việt Nam. Nửa năm tiếp theo, hai người không những đã hoàn thành tác phẩm sáng tác mới ấy, mà còn mở lòng với nhau hơn và tình yêu đã nảy nở.


     “Sau đó, tôi được biết anh Vinh được cấp học bổng của Chính phủ sang Thượng Hải du học, sau khi tốt nghiệp sẽ về nước phục vụ cho sự phát triển của âm nhạc Việt Nam. Vì tình yêu, tôi đã kiên định đi theo anh ấy về sống và làm việc ở Việt Nam. Bây giờ nhìn lại, tôi thấy sự lựa chọn của mình là đúng”.

       Mạc Song Song nói như vậy. Sau khi về Việt Nam, chị bắt đầu nỗ lực vượt qua rào cản ngôn ngữ tiếng Việt, bắt đầu học chơi nhạc cụ dân tộc Việt Nam - Đàn T’rưng, học quản lý nghệ thuật âm nhạc, đồng thời dốc sức hỗ trợ chồng thực hiện giấc mơ của mình: thành lập Đoàn nhạc dân tộc học sinh tại Việt Nam. Năm 2013, sau khi về nước, Đồng Quang Vinh đã đảm nhiệm vai trò Chỉ huy dàn nhạc tại Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, bên cạnh đó đã cùng vợ sáng lập ra “Dàn Nhạc tre nứa Sức Sống Mới”. Dàn nhạc chủ yếu biểu diễn các tác phẩm âm nhạc dân tộc bằng các loại nhạc cụ truyền thống dân tộc Việt Nam, hai vợ chồng còn hợp lực biên soạn nhiều bản nhạc dân tộc dùng ngôn ngữ nghệ thuật âm nhạc đa dạng và đương đại, được công chúng nhiệt liệt đón nhận, Dàn nhạc Tre nứa Sức Sống Mới cũng ngày càng nổi tiếng tại Việt Nam.

   “Chúng tôi mong rằng, việc quảng bá âm nhạc dân tộc và giao lưu âm nhạc xuyên quốc gia luôn được diễn ra. Trong tương lai gần, chúng tôi dự định mở những lớp học hoặc buổi nói chuyện về̉ âm nhạc dân tộc, đồng thời tổ chức các buổi giảng dạy và hoà nhạc công ích. Hiện nay, chúng tôi cũng đang trù bị một Buổi hoà nhạc giao lưu nghệ thuật hai nước Trung-Việt, mong tình hữu nghị giữa hai nước Trung-Việt chúng ta mãi mãi trường tồn và phát triển.”

        Hiện nay, con trai 7 tuổi Đồng Tuấn Hy và con gái 5 tuổi Đồng Miên Miên của hai vợ chồng Vinh - Song đã bắt đầu học chơi các nhạc cụ dân tộc Việt Nam. Chỉ qua vài tháng học tập ngắn ngủi, hai bạn nhỏ đã nắm bắt kỹ năng biểu diễn cơ bản. Dịp Tết đầu năm nay, cả gia đình và Dàn Nhạc tre nứa Sức Sống Mới đã tham gia biểu diễn cho Hòa nhạc “Xuân Quê Hương 2022”, chương trình truyền hình trực tiếp của Đài truyền hình Việt Nam dành cho bà con kiều bào Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới, diễn ra tại sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội. Tiết mục biểu diễn nhận được sự đánh giá cao của Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân.

       Âm nhạc mang bản sắc dân tộc, thể hiện sức hấp dẫn độc đáo của văn hoá dân tộc mỗi nước; nhưng âm nhạc lại không có biên giới, nó có thể kết nối cả thế giới, và cũng có thể trở thành người mai mối, đưa những người vốn cách nhau ngàn dặm về địa lý đến bên nhau.

Biên tập viên:Sảnh Hoa