Trung Quốc ngày nay: Cô gái Việt Nam làm trang phục cổ phong cổ vũ giao lưu văn hoá Trung - Việt

2022-07-11 09:13:27(GMT+08:00) cmg
Chia sẻ:

Nguyễn Phương Linh (sinh năm 1993 tại Hà Nội) là một cô gái Việt Nam có tình yêu to lớn với văn hoá Trung Quốc. Tình yêu đâm chồi trong Linh từ những ngày thơ bé khi được tiếp xúc với văn hoá Trung Quốc thông qua phim ảnh và âm nhạc trên truyền hình. Khi đã lớn, niềm đam mê ấy thôi thúc Linh học tập và làm việc để phổ biến các giá trị văn hoá tốt đẹp cũng như tình hữu nghị hai nước. 

 

   Đối với đông đảo bạn trẻ Việt Nam sỉnh ra vào những thập niên 80, 90 của thế kỷ trước, phim và nhạc Trung Quốc là một phần tuổi thơ của họ. Tiếng Trung Quốc cũng là ngoại ngữ đầu tiên mà họ tiếp xúc, thậm chí có khi không muộn hơn tiếng mẹ đẻ là bao.

 

   “Cứ đến 9 -10 giờ tối là mẹ em lại bật phim Trung Quốc trên ti-vi lên xem. Bầu trời tuổi thơ của em là Hoàn Châu Cách Cách, Tây Du Ký, Lương Sơn Bá Chúc Anh Đài,…- những bộ phim Trung Quốc nổi tiếng một thời. Những bài nhạc phim Trung Quốc để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong em. Thậm chí cả trước khi đi học, lúc còn chưa biết mặt chữ, em đã nghêu ngao hát theo các bài hát tiếng Trung Quốc,” Linh nhớ lại.

 

   Sau rồi khi lớn hơn một chút, Linh bắt đầu đam mê đọc truyện Kim Dung, xem phim cổ trang - kiếm hiệp và từ đó tìm hiểu thêm về văn hoá Trung Quốc, nhận ra rất nhiều ý nghĩa, đạo lý sâu sắc ẩn giấu trong đó.

 

 

 

Nguyễn Phương Linh, sinh năm 1993, đam mê văn hoá Trung Quốc

 

 

   Niềm yêu thích thời thơ bé đã được nuôi dưỡng theo thời gian, thôi thúc Linh học tập và thi đỗ vào lớp chuyên tiếng Trung, Trường Trung học Phổ thông Chuyên Ngoại ngữ thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội - một trong những môi trường năng khiếu đào tạo tiếng Trung tốt nhất cả nước cho học sinh phổ thông. Linh tiếp tục học lên cao hơn ở Khoa tiếng Trung Thương mại, Đại học Ngoại thương Hà Nội – cũng là trường yêu cầu điểm thi đầu vào cao nhất nhì Việt Nam. 

 

   Những năm tháng còn đi học, với năng khiếu ngôn ngữ và ca hát tiếng Trung, Linh rất tích cực tham gia rất nhiều hoạt động giao lưu văn hoá giữa thanh niên hai nước Việt Nam và Trung Quốc. Cô gái nhỏ đã “bỏ túi” được những thành tích ấn tượng, tiêu biểu như Giải Khuyến khích Nhịp cầu Hán Ngữ cho Học sinh Trung học Phổ thông năm 2010, Giải nhì Học sinh giỏi Quốc gia môn Tiếng Trung năm 2011, Giải Ba Nhịp cầu Hán ngữ dành cho Sinh viên miền Bắc năm 2012,... Linh cũng vinh dự được chọn tham gia vào đoàn đại biểu học sinh, sinh viên Việt Nam tham dự Trại hè Hữu nghị Trung - Việt năm 2010, Trại hè Cầu Hán ngữ tại Quảng Châu năm 2012, và Liên hoan Thanh niên Việt Nam tại Nam Ninh năm 2013. Mới đây nhất vào năm 2021, Linh tham dự cuộc thi tiếng hát Hữu nghị Việt Trung và lọt vào tốp 10 thí sinh có phần trình diễn xuất sắc nhất.

 

  

Tham gia các hoạt động đó, Linh được trải nghiệm nhiều lớp học văn hoá Trung Quốc như múa, hát, thư pháp, cắt giấy…Linh say mê những câu truyện ngụ ngôn, chuyện về danh nhân, lịch sử…được lồng ghép trong các buổi học. “Càng tìm hiểu càng thấy ngưỡng mộ sự bác đại tinh thâm của văn hoá Trung Quốc, không thể không yêu,” cô gái Việt Nam nói.

 

   Rời xa ghế nhà trường, Linh nhận thấy học tiếng Trung rất có ích cho cuộc sống và công việc của mình. Sau khi tốt nghiệp đi làm, dù công việc liên quan trực tiếp đến chuyên ngành tiếng Trung hay không thì đây vẫn là công cụ giúp Linh nâng cao hiệu quả làm việc.

Sinh hoạt tại Câu lạc bộ tiếng Trung, Đại học Ngoại thương Hà Nội

 

   “Khi em cần tìm kiếm thông tin nào đó em sẽ dùng cả tiếng Việt, tiếng Trung để tìm được nhiều tài liệu đa chiều hơn. Ví dụ khi nhập nguyên liệu sản xuất phục vụ công việc em cũng sẽ tham khảo trên các trang mua sắm của TQTrung Quốc để có thể có nguồn hàng phong phú hơn, v.v. Ngoài ra em còn mở lớp dạy tiếng Trung online và đi dịch thêmiangxiangmnữa,” Linh chia sẻ.

 

   Với lợi thế tiếng Trung, Linh tìm tòi nghiên cứu thêm về nghệ thuật cổ phong, đặc biệt là về trang phục của ông cha xưa. Cô càng thấy rõ sự tác động, giao thoa tinh tế giữa 2 nền văn hoá Trung Quốc và Việt Nam trong những bộ trang phục tuyệt đẹp. Vào năm 2020, Linh đã chính thức cho ra mắt thương hiệu quần áo tên “Sơ” với tinh thần lấy những nét đẹp xưa làm chủ đạo để thiết kế nên những bộ trang phục may đo tỉ mỉ.

 

   “Từ khi còn bé mỗi lần xem phim Trung Quốc em hay quấn chăn mềm lại để mô phỏng các bộ trang phục trong phim, vui thích sắm vai từ nàng công chúa tới kiếm khách giang hồ. Với “Sơ”, cảm hứng thiết kế của em đến từ những đề tài văn hoá như tứ quý, 24 tiết khí…,” Linh cho hay.

 

   Giới thiệu về “Sơ”, Linh nói: "Sơ" trong "nhân chi sơ, tính bản thiện" tức là khởi nguồn. Chữ Hán cổ của Sơ vốn được viết là "Tòng y tòng đao" tức là dùng dao/kéo cắt vải mà thành nên bộ y phục, đến nay chữ Hán Nôm của ta viết là "初" vẫn bao gồm bộ Y 衤 và bộ Đao 刀, cũng chính là hai chữ tượng hình trên logo của “Sơ”. Dùng dao cắt vải là khởi nguồn của việc làm áo, cũng như vậy, “Sơ” là khởi nguồn của vạn vật. Dù cho thời gian có trôi qua, vạn vật biến đổi nhưng những nét đẹp xưa sẽ vẫn giữ được những giá trị nhân văn mà ta luôn muốn tìm về.

 

 

Nguyễn Phương Linh trong bộ trang phục “Lập Hạ” tự thiết kế

 

   Hiện nay Linh đang nỗ lực để các sản phẩm của “Sơ” đều mang nét hiện đại hóa hơn, kết hợp hài hoà các giá trị văn hoá xưa – nay, có thể dễ áp dụng trong đời sống hàng ngày. Thổi hồn xưa vào những bộ trang phục ngày nay, đồng thời hiện đại hoá những trang phục xưa, cô gái Việt Nam hi vọng có thể phổ biến nét đẹp cổ phong trong đời sống của mọi người hơn.

 

   Tới đây, thương hiệu “Sơ” sẽ tài trợ trang phục cho thí sinh Phạm Hoàng Dương - một trong hai đại diện của Việt Nam góp mặt chung kết cuộc thi Nhịp cầu Hán ngữ Thế giới 2022 sắp diễn ra. 

 

   “Em muốn thiết kế một bộ trang phục ấn tượng cho Dương theo phong cách cổ phong, lấy cảm hứng từ những giá trị văn hoá giao thoa giữa Việt Nam và Trung Quốc. Dương tham gia sự kiện quốc tế về tiếng Trung, khoác trên mình bộ trang phục như vậy sẽ cổ vũ các bạn trẻ học tập và tìm hiểu thêm trong lĩnh vực này,” Linh nói.

 

   Tiếp xúc với phim ảnh, âm nhạc khi thơ bé đơn thuần là tình cờ, thụ động, nhưng đã thổi bùng niềm đam mê với nền văn hoá Trung Quốc trong Linh. Cô gái Việt Nam Nguyễn Phương Linh đã chủ động nuôi dưỡng tình yêu đó theo thời gian, đào sâu học tập và tìm hiểu. Dù không phải là một người nổi tiếng, nhưng những việc Linh làm đang đóng góp rất thiết thực cho giao lưu văn hoá cũng như tình hữu nghị giữa thanh niên hai nước Việt Nam – Trung Quốc.


Nguyễn Phương Linh tham gia văn nghệ tại trại hè Nhịp cầu Hán ngữ 2011

Biên tập viên:Nam Dương