NHỚ BẮC KINH (Phần II)

2022-07-08 11:48:02(GMT+08:00) CRI
Chia sẻ:

    Sảnh Hoa xin chào quý vị và các bạn đúng hẹn đến với tiết mục Hộp thư thính giả trên sóng và trên mạng Đài phát thanh Quốc tế Trung Quốc phát buổi đầu vào đêm thứ hai hằng tuần.

    Vào giờ này tuần trước, Sảnh Hoa chia sẻ với quý vị và các bạn nghe bài viết “Nhớ Bắc Kinh” phần -1 của bạn T-T-A-T, Cựu du học sinh Việt Nam từng học tại Đại học Khoa học và Kỹ thuật Bắc Kinh. Bài viết tuy hơi dài nhưng chúng tôi không nỡ xóa bỏ chữ nào, vì tác giả viết rất sinh động, chan chứa tình cảm.

    Cùng với giai điệu của bản nhạc “Bắc Kinh, Bắc Kinh”, Sảnh Hoa xin mời quý vị và các bạn đón nghe phần cuối của bài viết rất hay này:

NHỚ BẮC KINH  Phần-2

Tác giả: T-T-A-T, Cựu du học sinh Việt Nam từng học tại Đại học Khoa học và Kỹ thuật Bắc Kinh

     Bắc Kinh vốn được biết đến là kinh đô của nhiều triều đại phong kiến Trung Quốc với các công trình kiến trúc cổ kính, tráng lệ, in hằn dấu vết của thời gian như Cố Cung, quảng trường Thiên An Môn, Vạn Lý Trường Thành, Viên Minh Viên, Di Hoa Viên…Nơi đây ngày nay còn nổi tiếng là thành phố hiện đại, an toàn bậc nhất thế giới, với những tòa nhà cao chọc trời, những đại lộ thênh thang, và cuộc sống gần như không sử dụng tiền mặt, bước chân ra ngoài chỉ cần mang theo chiếc điện thoại được tích hợp đầy đủ thẻ ngân hàng, thẻ giao thông... Ẩm thực Bắc Kinh trong ấn tượng của sinh viên ngoại quốc chúng tôi cũng vô cùng phong phú và đa dạng, từ những món ăn cầu kỳ, tinh tế trong các nhà hàng hàng đậm chất Trung Hoa mà đầu tiên phải kể tới là món vịt quay trứ danh, kế đến còn có lẩu cừu Bắc Kinh, và cả những món ăn vỉa hè chuẩn tiêu chí “ngon, bổ, rẻ” như kẹo hồ lô, thịt xiên nướng, mì trộn sốt tương đậu…

     Tôi cứ thả cho dòng ký ức chầm chậm trôi, quyện vào ly cà phê trước mặt. Hình ảnh sân bay Thủ đô Bắc Kinh chợt hiện ra trước mắt, ấy là lần đầu tiên tôi đặt chân tới Bắc Kinh vào một chiều cuối thu năm 2013. Bầu trời phương Bắc trong xanh không một gợn mây, nắng rớt nhẹ trên vai như mật ngọt, gió khẽ lùa qua mái tóc, tôi hít một hơi thật sâu rồi tự nhủ: khí hậu ở đây thật tuyệt vời! Chiếc xe taxi đưa tôi tới tận cổng đông trường Đại học Khoa học và Kỹ thuật Bắc Kinh – ngôi trường mà tôi sẽ theo học trong suốt quãng thời gian sau này. Hiện ra trước mắt tôi khi ấy là một khuôn viên rộng lớn và sạch đẹp, với hàng bạch dương cao vút, tỏa bóng mát dịu. Khoảnh khắc ấy đã để lại trong tôi một ấn tượng thực sự sâu đậm, đến độ sau này cứ mỗi dịp khai trường, nhìn thấy các bạn tân sinh viên kéo hành lý tới nhập học, cảm xúc ấy lại bất giác ùa về, bồi hồi, thức thổn trong tim. Vậy đấy, chính những điều tưởng chừng vô cùng giản dị lại là thứ khiến ta nhớ nhất, yêu thương nhất khi phải rời xa.  

      Bắc Kinh trong tim tôi là khung cảnh hàng cây ngân hạnh đổ lá vàng hoe, là những tán phong già nhuộm màu đỏ rực, đẹp như trong truyện cổ tích. Cứ mỗi độ thu về, gió thu se sẽ lạnh, man mác buồn khiến lòng ta bỗng thấy chênh chao những nhớ nhớ, thương thương. Mùa đông nơi ấy rét như cắt, gió cuộn từng cơn ào ào ngoài cửa sổ, không gian bàng bạc chỉ còn sót lại mấy cây lá kim kiên cường, cái giá buốt cứ trải dài tưởng chừng như vô tận. Bắc Kinh trong tim tôi là giảng đường rộng rãi, là lối nhỏ dẫn vào thư viện, là đại lộ ngập đầy hoa trong ngày mùa xuân. Bắc Kinh trong tim tôi còn có những câu phàn nàn và cả lời động viên, khích lệ của thầy giáo hướng dẫn, có nụ cười hồn hậu của cô nhân viên phục vụ kí túc xá, có những người bạn quốc tế thân thiện, dẫu chưa kịp biết tên nhau thì mỗi lần gặp mặt vẫn không quên vẫy tay chào câu “Ní hảo”.    

     Tôi nhớ đã có lần tôi từng hỏi người ấy, sau này tốt nghiệp về nước, anh sẽ nhớ nhất điều gì về thành phố này. Câu hỏi bất ngờ khiến anh ấy trầm ngâm không dứt, và rồi ngay chính bản thân tôi cũng chợt ngẩn ngơ, giây phút ấy tôi bỗng nghĩ về mấy câu thơ nổi tiếng của nhà thơ Chế Lan Viên, “Nơi nào qua lòng lại chẳng yêu thương? Khi ta ở chỉ là nơi đất ở. Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn”. Ngày đầu tới Bắc Kinh, đâu ai biết trước rồi mình sẽ yêu nơi này đến thế, đó là thanh xuân, là kỷ niệm, là những tháng năm rực rỡ! Có lẽ bởi vậy mà mỗi du học sinh chúng tôi nếu bất giác nghĩ về ngày phải rời xa Bắc Kinh, dường như ai cũng sẽ thấy có gì như hụt hẫng, như tiếc nuối, như luyến lưu, ai cũng mong ước thời gian có thể quay trở lại để được thêm một lần nữa sống ở nơi đây. Với riêng tôi, dẫu không phải là quê hương, nhưng tôi yêu Bắc Kinh bằng một thứ tình cảm rất đặc biệt, gắn bó đậm sâu và không dễ gì cắt nghĩa.

      Dịch Covid-19 bùng phát như một cơn ác mộng với toàn nhân loại trong thế kỷ 21, nó cướp đi sinh mạng của hàng triệu người, ảnh hưởng nghiêm trọng tới kinh tế toàn cầu và nó cũng kéo dài hơn mọi khoảng cách, khiến nhiều kế hoạch buộc phải thay đổi và có cả những cuộc hẹn bị bỏ lỡ, trong đó có cuộc hẹn trở về trường sau dịp nghỉ lễ của du học sinh chúng tôi. Hơn hai năm qua đi, chúng tôi có những người đã tốt nghiệp, có người vẫn hoàn thành chương trình học trực tuyến, vẫn kết nối với giảng viên và bạn bè hàng tuần, hàng ngày, có người lại phải bảo lưu kết quả học tập, nhưng ai cũng có chung một mong muốn là dịch bệnh nhanh chóng kết thúc để được sớm ngày trở lại.  

     Trở về Việt Nam sau nhiều năm học tập ở Bắc Kinh, tôi sẽ đem những kiến thức và hiểu biết mà mình đã được lĩnh hội để truyền thụ lại cho thêm nhiều bạn sinh viên. Không ai ngăn được nhịp chảy của thời gian, mọi thứ rồi sẽ đổi thay, chỉ có tình yêu vẫn còn đọng lại mãi. Mai này, tôi sẽ cùng người ấy lật giở những tấm hình của ngày xưa rồi nhắc nhau về quãng thời gian chúng tôi đã từng trải qua ở nơi này, đây là tấm hình tôi reo lên như đứa trẻ khi lần đầu tiên được nhìn thấy tuyết rơi, đây là tấm chúng tôi tham gia lễ diễu hành kỷ niệm 70 năm Quốc khánh nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại quảng trường Thiên An Môn lịch sử, còn có cả hình ngày chúng tôi tự hào được khoác lên mình chiếc áo học vị…

     Tôi sẽ kể cho cô công chúa nhỏ của mình nghe về một thời thanh xuân đầy hoài bão, ba mẹ đã cùng nhau học tập, sinh sống và cùng yêu Bắc Kinh biết bao nhiêu. Mai này, có thể con sẽ không chọn con đường trở thành nhà khoa học như ba mẹ, cũng có thể con sẽ không lựa chọn Bắc Kinh là điểm đến trên hành trình học vấn của mình, nhưng mẹ tin rồi có một ngày con sẽ đến, sẽ yêu và sẽ thấy thành phố này thân thuộc như Hà Nội, như ngôi nhà nhỏ của chúng ta!

     Các bạn thân mến, trên đây là phần cuối bài viết “Nhớ Bắc Kinh” của bạn T-T-A-T, cựu du học sinh Việt Nam từng học tại Đại học Khoa học và Kỹ thuật Bắc Kinh. Cảm ơn các bạn đón xem.

 

 

 

Biên tập viên:Sảnh Hoa