Trung Quốc tích cực tham gia thương mại thế giới mang lại lợi ích cho toàn cầu

2022-06-17 09:25:05(GMT+08:00) CRI
Chia sẻ:

Phó giám đốc công ty Vinapro Trịnh Thuỷ

Đầu năm 2022, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) chính thức có hiệu lực. Được ký kết bởi 15 quốc gia thành viên ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Niu Di-lân và Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), RCEP là hiệp định thương mại lớn nhất thế giới khi đóng góp tới 30% GDP toàn cầu.

Là FTA mới nhất được Trung Quốc ký kết, RCEP đã nâng tổng số FTA giữa Trung Quốc với các đối tác lên con số 19, tăng gần gấp đôi trong vòng 10 năm qua. Các quốc gia đối tác FTA nay cũng chiếm tới 35% tổng kim ngạch ngoại thương của Trung Quốc, so với chỉ 17% vào năm 2012, số liệu của Bộ Thương mại Trung Quốc cho hay.

Là một quốc gia láng giềng và là đối tác FTA của Trung Quốc trong khuôn khổ các hiệp định FTA Trung Quốc – ASEAN và RCEP, Việt Nam có cơ hội phát triển quan hệ thương mại thuận lợi và nhanh chóng nhờ vào các cam kết về mở cửa thị trường hàng hoá, đầu tư, các quy tắc xuất xứ, các biện pháp tạo thuận lợi thương mại…

 Chia sẻ với chúng tôi về tác động tích cực của các hiệp định FTA, bà Trịnh Thuỷ, phó giám đốc công ty Vinapro - một doanh nghiệp xuất nhập khẩu nông sản của Việt Nam, cho biết từ sau khi RCEP đi vào thực thi, thủ tục giữa các thị trường thành viên đã được đơn giản hoá rất nhiều, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí.

“Hiện nay các nhà xuất khẩu chỉ cần làm Giấy chứng nhận xuất xứ (CO) điện tử thay vì bản cứng như trước đây. Một mẫu CO mới cũng đã được đưa vào áp dụng chung cho các nước RCEP từ sau 4/4/2022. Việc này rất thuận tiện,” bà Trịnh Thuỷ cho ví dụ.

Những năm gần đây, trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ gia tăng đe doạ tăng trưởng kinh tế thế giới, Trung Quốc vẫn luôn kiên định ủng hộ tự do hoá thương mại, tích cực tham gia đàm phán và ký kết hàng loạt Hiệp định thương mại tự do (FTA) mới. Những nỗ lực của Trung Quốc trong mở cửa thị trường nội địa rộng lớn, hội nhập thương mại quốc tế và chia sẻ cơ hội phát triển với thế giới đã mang lại nhiều tác động to lớn và được cộng đồng quốc tế ghi nhận. 

Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trong năm 2021 lần đầu tiên vượt mốc 6.000 tỷ USD, tăng 1.400 tỷ USD so với năm 2020, trong đó xuất khẩu tăng 21,2% và nhập khẩu tăng 21,5%.

Riêng trong 5 tháng đầu năm 2022, tổng giá trị xuất nhập khẩu ngoại thương Trung Quốc đạt 16,04 nghìn tỷ Nhân dân tệ, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất nhập khẩu ngoại thương Trung Quốc tăng trưởng bền vững, kết cấu ngoại thương tiếp tục được ưu hóa.

Với vai trò là nền kinh tế đứng thứ hai thế giới, việc Trung Quốc tích cực tham gia vào các thể chế thương mại đa phương chắc chắn có ảnh hưởng tích cực tới toàn bộ hệ thống thương mại toàn cầu. Một ví dụ dễ thấy đó là  RCEP – khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới với sự tham gia của Trung Quốc, có tính bao trùm lớn, sự linh hoạt và độ mở cao. Hiệp định này được kỳ vọng sẽ là động lực tăng trưởng và phục hồi kinh tế mạnh mẽ cho các quốc gia thành viên sau đại dịch, thúc đẩy tự do hoá thương mại khu vực và đẩy nhanh quá trình hội nhập kinh tế Đông Á, tăng cường liên kết nội khối ASEAN cũng như giữa khối ASEAN với Trung Quốc. 

Trung Quốc tham gia và dẫn dắt các thể chế thương mại quốc tế cũng sẽ thúc đẩy hợp tác thương mại giữa các quốc gia với ý nghĩa là quá trình hợp tác này ngày càng mang tính thể chế hoá và quy phạm hoá. Nhờ đó, những chuỗi sản xuất và cung ứng hoàn chỉnh, ổn định và lâu dài trong khu vực và trên thế giới được hình thành, sự cộng sinh ngành nghề giữa các quốc gia cũng được củng cố.

Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, năm 2021, lần đầu tiên trao đổi thương mại giữa Trung Quốc và Việt Nam vượt ngưỡng 200 tỷ USD, tăng trưởng kim ngạch thương mại đạt kỷ lục hơn 20%.

Cùng với các ưu đãi về thuế quan cho người bán, giờ đây người mua hay bên nhập khẩu cũng nhận được rất nhiều ưu đãi theo quy định của hiệp định. Điều này giúp cho giá thành cuối cùng của sản phẩm được giảm xuống, đồng nghĩa với việc hàng hoá từ các quốc gia như Việt Nam trở nên rẻ hơn tại thị trường Trung Quốc.

“Với việc người dân có thêm nhận thức về RCEP, họ cũng cởi mở hơn với việc trải nghiệm các hàng hoá từ các thị trường thành viên, thậm chí còn ưu tiên sử dụng hàng hoá từ các nước này. Nhờ đó mà các công ty nước ngoài như chúng tôi có thể tiếp cận khách hàng tại Trung Quốc một cách dễ dàng hơn,” đại diện Vinapro chia sẻ.

Biên tập viên:La La