"Múa chính là cuộc sống, là niềm đam mê của cả cuộc đời tôi. Tôi rất tự hào được bắt đầu cuộc đời 'nhảy múa' của mình tại Trung Quốc.".
Chị là một cô gái Việt Nam từng nhiều lần lên sân khấu múa. Từng ra mắt trong hoạt động trình diễn thành quả giáo dục và giảng dạy múa “Đào Lý Bôi” lần thứ 12 tại Trung Quốc, Cuộc thi múa truyền hình trong và ngoài nước mang tên “Thế giới muá” của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc, từng nhận được sự đánh giá cao của khán giả và ban giám khảo. Chị cũng là nhân vật trên bìa Tạp chí thời trang Pháp, từng tham gia quay quảng cáo cho chiến dịch quảng cáo sản phẩm điện thoại di động Xiaomi của Trung Quốc tại Việt Nam. Chị tên là Vũ Minh Anh, năm nay 26 tuổi, mối duyên phận với Trung Quốc của chị Vũ Minh Anh phải kể đến từ hơn 10 năm trước.
Năm 2007, Vũ Minh Anh, lúc đó 11 tuổi đến học múa tại trường Trung học cơ sở trực thuộc Học viện Nghệ thuật Quảng Tây. 6 năm sau, chị Vũ Minh Anh đã trở về Việt Nam trở thành diễn viên hàng đầu tại Nhà hát ca múa nhạc dân tộc Bông sen, thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam. Nhờ các dự án hợp tác giáo dục giữa Trung Quốc và các nước ASEAN, năm 2018, chị Vũ Minh Anh được cấp học bổng 100% của Chính phủ Trung Quốc, một lần nữa quay lại Trung Quốc, để theo học chuyên ngành biên đạo múa tại Học viện Nghệ thuật Quảng Tây.
Chị Vũ Minh Anh nói: “Từ trường Trung học đến đại học của Học viện Nghệ thuật Quảng Tây, múa đã trở thành một phần quan trọng nhất trong cuộc đời mình, mà đến Trung Quốc học tập chính là khởi điểm quan trọng trong cuộc đời múa của mình.”.
Trong những năm đầu mới đến Trung Quốc, vì còn nhỏ, không biết tiếng, và tập luyện vất vả, chị Vũ Minh Anh luôn nhớ nhà và người thân, các thầy cô giáo và các bạn học Trung Quốc đã khiến chị ấy cảm thấy ấm áp như ở nhà. “Trong suốt 6 năm học trung cấp tại Trung Quốc, tôi đã nhận rất nhiều tình cảm từ bạn bè và thầy cô Trung Quốc. Trong khoảng thời gian đó đặc biệt có 1 cô giáo mà sau này tôi luôn gọi là ‘Mẹ Trung Quốc’ của mình . Cô giáo dạy múa dân gian Vi Huệ Mai, cô luôn chăm sóc chúng tôi những lưu học sinh Việt Nam như con ruột, vì biết xa nhà nên cô rất hay mời tôi cùng các bạn qua nhà ăn cơm cùng cô và gia đình . Cô dạy chúng tôi cách làm bánh sủi cảo, những bữa cơm gia đình là một phần làm tôi luôn nhớ và hạnh phúc khi có cảm giác ở Trung Quốc mà vẫn cảm nhận được tình thương yêu và ấm áp như ở nhà với bố mẹ mình. Điều đó khiến tôi sẽ không bao giờ quên ”.
Các thầy cô Trung Quốc không những khiến chị Vũ Minh Anh cảm thấy ấm áp như ở nhà, mà còn mở rộng tầm nhìn trong sự nghiệp của chị. Chị Vũ Minh Anh học múa dân tộc dân gian Trung Quốc tại Trung Quốc. Trung Quốc là một đất nước rộng lớn có sự khác biệt lớn giữa văn hoá giữa các dân tộc, học múa dân tộc không phải là một việc dễ dàng. Nhưng dưới sự dạy dỗ tỉ mỉ của “mẹ Trung Quốc” cô Vi Huệ Mai, Vũ Minh Anh từ không hiểu đến hiểu biết, từ hiểu biết đến yêu thích, hiện nay chị Minh Anh đã thạo múa các loại múa dân tộc dân gian như múa dân tộc Choang, dân tộc Mông Cổ, dân tộc Duy Ngô Nhĩ, dân tộc Thái và dân tộc Hán. Năm 2019, dựa trên các điệu múa của các dân tộc Trung Quốc, chị cùng các bạn sinh viên quốc tế của Học viện Nghệ thuật Quảng Tây sáng tác ra tác phẩm múa nhóm nữ dân tộc Kinh mang tên “Mẹ và biển”. Qua nhiều lần tuyển chọn, tiết mục này được trình diễn trong Liên hoan biểu diễn tổng hợp trong hoạt động trình diễn thành quả giáo dục giảng dạy múa “Đào Lý Bôi” lần thứ 12, trở thành một tiết mục múa dân tộc Kinh đầu tiên trên sân khấu quan trọng này.
Hiện nay, chị Vũ Minh Anh đã là diễn viên khá nổi tiếng trong làng múa Việt Nam. Kinh nghiệm học tập tại Trung Quốc giúp chị Vũ Minh Anh mở ra cánh cửa múa này, khiến chị ngày càng xuất sắc, có tầm nhìn và tự tin. Ngoài múa ra, chị Vũ Minh Anh còn không ngừng lấn sân sang các lĩnh vực khác như thời trang và quảng cáo. Phong cách hiện đại, thời thượng, năng động và tràn đầy sức sống, tự tin và kiên định, thanh lịch và gần gũi của chị đều gắn liền với múa. Tất nhiên, câu chuyện múa tại Trung Quốc của chị Vũ Minh Anh vẫn chưa hết, chị Vũ Minh Anh nói: “Mong sau khi tốt nghiệp đại học, mình vẫn tiếp tục học nghiên cứu sinh tại Trung Quốc. Sau này tôi muốn sử dụng những kiến thức đã học của mình để có thể bồi dưỡng nhiều tài năng múa xuất sắc cho Việt Nam, đóng góp một phần sức mình cho sự nghiệp giao lưu văn hoá giữa hai nước Việt-Trung.”.