Mạn đàm về những kỷ niệm tuổi thơ của người lớn

2022-05-30 20:29:00(GMT+08:00) CRI
Chia sẻ:

Từ Bắc Kinh đang dần vào mùa nắng nóng, Hải Vân xin gửi đến quý vị và các bạn đang theo dõi mục Hộp thư Thính giả trên sóng và trên mạng Đài phát thanh Quốc tế Trung Quốc lời chào thân ái, mong nội dung chương trình đêm nay như một luồng gió mát thoảng qua, đưa các bạn đã lớn tuổi trở về với tuổi thơ năm xưa.

Ca khúc “Tuổi thơ” rất quen thuộc của nhạc sĩ nổi tiếng Đài Loan Trung Quốc La Đại Hữu có đoạn:

Trên cây đa bên bờ ao

Ve sầu trên cây kêu râm ran

Có con bướm đậu trên cây đu

Tiếng phấn viết trên bảng cạch cạch

Đợi giờ ra chơi, chờ tan học

Tuổi thơ mải mê các trò chơi

Trước giờ đi ngủ bài tập vẫn chưa xong

Thi xong mới biết sót nhiều bài

Thời giờ vàng ngọc bạn ơi

Thầy cô bảo thời gian quý hơn ngàn vàng

Ngày lại hết ngày, năm lại hết năm,

Tuổi thơ sao mà mơ mơ hồ hồ...

Nhiều bạn viết thư cho mục Hộp thư tâm sự rằng, nghe Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc từ lúc tuổi thơ, thời giờ thấm thoắt, nay đã là người lớn, hằng ngày phải bươn trải cho cơm áo gạo tiền, lại thêm ngày nay internet phát triển, đã rất ít nghe đài, nhưng tuổi thơ nghe đài đã trở thành kỷ niệm trên suốt dòng đời.

Ban Việt Ngữ Đài phát thanh Quốc tế Trung Quốc thành lập vào ngày 10 tháng 4 năm1950, từ đó đến nay, bất kể thời cuộc thay đổi ra sao, tre già măng mọc, 72 năm truyền thông chưa bao giờ gián đoạn. Tuổi thơ của rất nhiều thính giả gắn bó với Đài chúng tôi. Vậy nhân dịp ngày Quốc tế mồng 1 tháng 6 đang đến bên thềm, Hải Vân xin mạn đàm với các bạn về đề tài thời tuổi thơ của người đã lớn.       

Nghe bài hát “Tuổi thơ” do ca sĩ nổi tiếng Trung Quốc Trình Phương Viên trình bày, tâm trạng của Hải Vân như bay về với những năm tháng trường xưa bạn cũ, bảng đen phấn trắng, tiếng trống tan học, đó là quãng đời thơ ngây vô ưu vô sầu đã rất xa nhưng lại rất đậm đà.

Theo đà tuổi tác lớn lên dần, trở thành người lớn, hằng ngày bận trăm công ngàn việc, thế giới nội tâm đã dần tan đi cái tính nhí nhảnh của trẻ thơ, cho nên hằng năm đến mồng 1 tháng 6, người lớn liền mượn bầu không khí vui vẻ của ngày lễ trẻ thơ để bộc bạch những kỷ niệm thời thơ ấu và như được trở về với ngày xưa, tái hiện cái tính trẻ con của mình.

Nhiều người tranh thủ tìm lại những đồ chơi, hoặc những ca khúc có thể gợi lên thứ cảm giác của tuổi thơ. Ở Trung Quốc có nhiều ca khúc thiếu nhi đi cùng năm tháng, hầu như ai cũng biết hát, ví dụ những ca khúc đã hết sức quen thuộc như các bài hát: “Bé gái hái nấm hương”, “Bài ca bán báo”, “Chúng ta cùng khua máy chèo”, “Tổ quốc là vườn hoa của chúng em",v.v..

Hải Vân nhớ hồi nhỏ rất thú với những bộ phim thiếu nhi như “Con nòng nọc đi tìm mẹ”, “Ngôi sao lấp lánh”, “Tiểu binh Trương Ca”, “Địa đạo chiến”, “Địa lôi chiến”, “Bức thư lông gà”. Được biết, trong số các thế hệ 5X,6X hoặc thế hệ lớn hơn, nhiều người từng xem những bộ phim này.

Hải Vân rất thú vị khi xem bộ phim “Con nòng nọc đi tìm mẹ”, hồi bé, Hải Vân cứ tưởng thân hình của mẹ nòng nọc cũng có chiếc đuôi nhỏ như nòng dòng vậy, thế rồi thì ra, mẹ nòng nọc lại là con ếch, nòng nọc lớn lên cũng trở thành con ếch không đuôi nhảy ton tót, kêu ồm ộp.

Nhiều người lớn thường kể cho con cái nghe những câu chuyện tuổi thơ của mình  

Ngoài thích nghe những ca khúc thiếu nhi và xem những bộ phim thiếu nhi ra, họ còn mua những thứ đồ chơi mà hồi nhỏ từng hay chơi, ăn những thứ quà mà hồi nhỏ thòm thèm để nhớ lại hương vị tuổi thơ của mình.

Tuổi thơ của thế hệ trưởng thành trong thời kỳ bao cấp, vật chất khan hiếm, đâu mà có đồ chơi? Các bé gái dùng những viên sỏi làm đồ chơi rải ranh, dùng những chiếc que tre chơi trò rải ranh, hoặc chơi nhảy dây, nhảy lò cò. Đồ chơi tuy đơn sơ, nhưng không kém niềm vui, và không bao giờ quên.

Đám con trai hồi nhỏ nghịch ngợm thông minh, những đồ chơi của chúng thường là những mảnh sắt mỏng, những mảnh giấy gấp máy bay, ô tô, tàu thủy, tàu hỏa đơn giản, không cao cấp như đồ chơi của các bé trai ngày nay.

Mỗi thế hệ tuổi thơ đều có những thú vui của thế hệ đó, đồ chơi không cần cao cấp, không cần đắt tiền. Chỉ cần có bạn bè cùng lứa chơi với nhau, cùng chơi những trò rất đơn giản như nhảy dây chun, chơi bắt dây, hay là đi vớt nòng nọc, bắt chuồn chuồn, bắt ve sầu, đều có thể vui cười như nắc nẻ với nhau. Ấy vậy mà ngày nay, các trò chơi của trẻ em đã được thay bằng các đồ chơi điện tử, hoặc đồ chơi điều khiển từ xa, hoặc nhiều cháu mê chơi game, cảm nhận niềm vui của các cháu chỉ thể hiện trong môi trường cô độc một mình.

Vào thời bao cấp vật chất khan hiếm, quà vặt của trẻ em chỉ là những chiếc kẹo kéo, kẹo bông, ô mai, kem que, rất rẻ, nhưng vẫn không kém vị ngọt ngào. Tin rằng nhiều bạn đứng tuổi Việt Nam từng trải qua thời kỳ bao cấp cũng có cảm nhận như các bạn cùng lứa Trung Quốc.

Bầu không khí Ngày thiếu nhi quốc tế mồng 1 tháng 6 hằng năm, như nhắc nhở các thế hệ người thành niên, người lớn tuổi hay người đứng tuổi đừng quên rằng “Thế giới người thành niên cũng cần cất giữ tâm hồn trong trắng thơ ngây của cái thời con trẻ”.

Là thế hệ 8X, cũng như các bạn đồng lứa, Hải Vân thường phải đương đầu với nhiều áp lực, gánh nặng trách nhiệm gia đình, xã hội ngày một nặng, do vậy mà Hải Vân đã trở thành thế hệ hoài niệm năm tháng tuổi thơ đã đi xa không bao giờ trở lại. Cũng như các bạn thế hệ 8X Trung Quốc, Hải Vân cũng mượn ngày lễ thiếu nhi quốc tế để bày tỏ ký ức tuổi thơ trong trắng thơ ngây không có áp lực đã trôi qua của mình.

Có nhà Xã hội học cho rằng: Khi một người thành niên nào đó muốn ăn lễ Thiếu nhi, thì đó chỉ là cá tính hoặc thị hiếu của người đó, nhưng khi mà cả một cộng đồng người thành niên muốn ăn lễ Thiếu nhi, thì đó là hiện tượng xã hội. Vậy trong ngày Quốc tế Thiếu nhi mồng 1/6, ngoài vui với con em của mình ra, bạn còn có nội dung gì để chúc mừng tuổi thơ đã xa đi rồi của mình không?

Biên tập viên:Sảnh Hoa