MẠN ĐÀM VỀ KINH KỊCH, QUỐC TÚY TRUNG QUỐC

2022-05-16 15:14:24(GMT+08:00) CRI
Chia sẻ:

Thân chào quý vị và các bạn đang theo dõi chuyên mục Hộp thư thính giả trên sóng và trên mạng Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc. Mẫn Linh rất phấn khởi điều khiển thời lượng Hộp thư kỳ này, chúc quý vị và các bạn luôn an khang, cũng mong nội dung Hộp thư đêm nay có thể giúp quý vị và các bạn tìm hiểu phần nào văn hóa nghệ thuật truyền thống của Trung Quốc. 

Thưa các bạn, kể từ khi “Hộp thư Ngọc Ánh” đài chúng tôi đặt tài khoản trên trang facebook đến nay, đã nhận được hàng triệu  lượt truy cập của cư dân mạng Việt Nam và các nước. Nhiều bạn muốn tìm hiểu nhiều hơn về đất nước và con người Trung Quốc, trong đó có nghệ thuật truyền thống của Trung Quốc.

Bạn TC viết: Em rất thích phim cổ trang Trung Quốc, được biết nghệ thuật sân khấu của Trung Quốc rất phong phú đa đang, mong chương trình giới thiệu đôi chút về các loại hình nghệ thuật sân khấu phổ biến tại các vùng miền Trung Quốc.

Bạn VD viết: Tại Việt Nam, miền Bắc có sân khấu chèo, miền Nam có cải lương, miền Trung thì phổ biến hát bội. Được biết, Trung Quốc có Kinh kịch, có tuồng Việt Kịch Quảng Đông, còn có tuồngTứ Xuyên thì phải, nhưng không rõ lắm.

Bạn NTT viết: Nghe nói Kinh kịch là Quốc Tuý Trung Quốc, điệu ngân rất giống Chèo Việt Nam, phải vậy không?

Bạn SM viết: Ước một lần được xem tuồng Kinh kịch ạ. 

Các bạn thân mến, Trung Quốc có lịch sử và văn hóa lâu đời, nghệ thuật sân khấu truyền thống cũng được kế thừa và phát huy, thậm chí phát triển,  trước đây chương trình từng giới thiệu với các bạn về nghệ thuật sân khấu truyền thống Trung Quốc như Kinh kịch, Việt kịch, Côn kịch ... nhưng không chuyên sâu. Sau đây Mẫn Linh xin giới thiệu với các bạn về Kịnh kịch, nghệ thuật sân khấu truyền thống nổi tiếng Trung Quốc.

Hễ nhắc đến Kinh kịch là hầu như người Trung Quốc đều biết, đây là Quốc Tuý Trung Quốc, hình thành tại Bắc Kinh cho nên được gọi là Kinh kịch. Kinh kịch đã có lịch sử hơn 200 năm được bắt nguồn từ mấy loại tuồng cổ sân khấu địa phương, đặc biệt là “Huy Ban” tức “đoàn tuồng An Huy” lưu hành tại miền Nam Trung Quốc hồi thế kỷ 18. Năm 1790, “Đoàn tuồng An Huy” đầu tiên đến Bắc Kinh biểu diễn chúc mừng sinh nhật nhà vua Càn Long. Sau đó lại có nhiều đoàn tuồng An Huy đến Bắc Kinh biểu diễn. Ban biểu diễn tuồng An Huy vốn có tính lưu động mạnh, do hấp thụ nhiều phương pháp biểu diễn của các chủng loại tuồng khác nhau, Bắc Kinh là nơi tập trung nhiều chủng loại tuồng địa phương, điều này khiến nghệ thuật biểu diễn của đoàn tuồng An Huy được nâng cao nhanh chóng.

Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, qua hội nhập trong suốt mấy chục năm, Kinh kịch trở thành loại tuồng sân khấu lớn nhất Trung Quốc. Bất kể về số lượng nghệ nhân biểu diễn, số đoàn Kinh kịch, hay số lượng khán giả xem Kinh kịch, cũng như sự ảnh hưởng sâu rộng của Kinh Kịch đều đứng đầu Trung Quốc so với các loại tuồng kịch truyền thống khác. Kinh kịch là một loại hình nghệ thuật tổng hợp, bằng cả quá trình thể hiện hợp nhất giữa “Ca, nói, biểu hiện, đấu võ, múa ”, để thuật lại các cốt truyện, khắc họa nhân vật. Các nhân vật trong Kinh kịch chủ yếu chia làm bốn vai lớn : Sinh <vai nam >, Đào <vai nữ>, Tịnh <vai nam >, Hài <nam nữ đều có>, ngoài ra còn có một số vai phụ. Mặt nạ là nghệ thuật đặc sắc nhất trong Kinh kịch. Qua mặt nạ khán giả có thể nhận biết các nhân vật trung thành hoặc gian trá, tốt đẹp hay xấu xa, lương thiện hay gian ác, cao thượng hay thấp hèn. 

Ví dụ như, nặt nạ tô đỏ thể hiện nhân vật trung thành nhất mực, nếu là màu trắng thì nhân vật đó có tính cách gian trá, độc ác, màu xanh lam thể hiện nhân vật đó kiên cường dũng cảm, màu vàng nói nên nhân vật đó tàn bạo, màu vàng hoặc màu bạc tượng trưng cho thần phật hoặc quỷ quái, khiến khán giả có một cảm giác huyền ảo. Thông thường cho rằng, cuối thế kỷ thứ 18 là thời kỳ phát triển rầm rộ nhất của Kinh kịch. Hồi đó, không những tuồng sân khấu dân gian rất phồn thịnh, mà trong Hoàng cung cũng thường xuyên tổ chức biểu diễn tuồng sân khấu. Bởi vì các Hoàng gia quý tộc thích xem Kinh Kịch, điều kiện vật chất ưu việt trong cung đình đã cung cấp sự giúp đỡ về các mặt biểu diễn, quy chế về trang phục, hóa trang mặt nạ, phông cảnh sân khấu v v ... sân khấu tuồng dân gian trong hoàng gia quý tộc và dân gian ảnh hưởng lẫn nhau, khiến Kinh kịch có sự phát triển mạnh. Những năm 40 của thế kỷ 20, là giai đoạn thứ hai cao trào của Kinh kịch, tiêu chí phát triển Kinh kịch trong giai đọan này là xuất hiện nhiều trường phái khác nhau, nổi tiếng nhất là bốn trường phái lớn đó là Mai Lan Phương (1894--1961), Thượng Tiểu Vân (1900--1976), Trình Nghiên Thu (1904--1958), Tuần Tuệ Sinh (1900--1968). Mỗi trường phái lớn trên đây lại có hàng loạt diễn viên nổi tiếng, họ có mặt sôi nổi trên sân khấu của các thành phố lớn như Thượng Hải, Bắc Kinh, nghệ thuật sân khấu Kinh kịch vào một thời điểm phát triển mạnh mẽ. 

Mai Lan Phương là một trong những nhà nghệ thuật Kinh kịch nổi tiếng nhất thế giới, ông tập biểu diễn Kinh kịch từ năm lên 8, năm 11 tuổi đã ra mắt công chúng trên sân khấu. Trong cuộc đời nghệ thuật sân khấu suốt hơn 50 năm, ông đã có nhiều sáng tạo và phát triển về các mặt giọng ca Đào, bạch thoại, động tác múa, âm nhạc, trang phục, hóa trang v v ... hình thành phong cách nghệ thuật độc đáo. Năm 1919, ông Mai Lan Phương dẫn đoàn Kinh kịch sang Nhật biểu diễn, Kinh kịch lần đầu tiên được truyền bá ra hải ngoại; năm 1930, ông lại dẫn đoàn Kinh kịch sang Mỹ biểu diễn, thu được thành công lớn; năm 1934, ông nhận lời mời dẫn đoàn sang châu Âu biểu diễn, được giới sân khấu châu Âu coi trọng. Sau đó, các nơi trên thế giới đã coi Kinh kịch là trường phái sân khấu truyền thống Trung Quốc .

Kể từ khi Trung Quốc tiến hành công cuộc cải cách mở cửa, Kinh kịch lại có sự phát triển mới. Là tinh hoa nghệ thuật truyền thống dân tộc, Kinh kịch đã được chính phủ Trung Quốc ra sức nâng đỡ. Ngày nay, Nhà hát lớn Trường An Bắc Kinh bốn mùa quanh năm đều diễn nhiều vở Kinh kịch, các cuộc thi biểu diễn Kinh kịch Quốc tế đã thu hút nhiều người hâm mộ Kinh kịch trên thế giới tham gia, Kinh kịch là chương trình bảo lưu trong giao lưu văn hóa giữa Trung Quốc với nước ngoài.

Nhà hát này mang phong cách kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, có 1028 chỗ ngồi, phần lớn biểu diễn các vở tuồng kịch hý kịch truyền thống, cũng có diễn kịch nói và Opera.

Rất mong sau khi hết dịch, đời sống xã hội trở lại bình thường, các tuyến hàng không, đường sắt, đường bộ của Trung Quốc mở cửa thông quan thông vận hoàn toàn rồi hoan nghênh bạn lên kế hoạch một chuyến du lịch Trung Quốc, trong đó có nội dung xem sân khấu tuồng kịch Trung Quốc để cảm nhận nội hàm sâu xa và phong phú của nghệ thuật sân khấu truyền thống Trung Quốc.

Hộp thư thính giả Đài Phát thanh quốc tế Trung Quốc kỳ này do Mẫn Linh dẫn xin tại khép lại tại đây. Thân ái chào các bạn.

 

Biên tập viên:Mẫn Linh