Sảnh Hoa

Nhà tư tưởng chủ nghĩa Duy vật cổ đại Trung Quốc—Tuân Tử

18-10-2021 10:50:20(GMT+08:00)
Chia sẻ:

Sảnh Hoa thân chào quý vị và các bạn đang theo dõi mục Hộp thư Thính giả trên sóng và trên mạng Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc, mong Hộp thư thính giả là cẩm nang kiến thức tổng hợp để quý vị và các bạn tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, kinh tế, khoa học, xã hội Trung Quốc xưa và nay. Sảnh Hoa càng mong, Hộp thư thính giả là sợi giây kết nối tình cảm giữa quý vị và bản Đài, góp phần cho tình hữu hảo giữa hai nước trở nên lâu bền hơn.

Như quý vị đều biết, Trung Quốc có nền lịch sử văn hóa lâu đời, các nhân vật lịch sử như những viên ngọc sáng lấp lánh thành xiên nối dài suốt mấy ngàn năm. Vai trò về tư tưởng, quan điểm, nhận thức, triết lý v.v.. của họ kể từ khi hình thành từ thời xa xưa, luôn luôn đi cùng thời gian, không ngừng trở nên hoàn thiện, đã có sự ảnh hưởng quan trọng đến tư duy và nền nếp xã hội Trung Quốc trong các thời đại khác nhau, cho đến cả ngày nay. Thậm chí còn ảnh hưởng đến một số nước phương Đông và Đông Nam Á.

Thời gian qua, Sảnh Hoa đã lần lượt giới thiệu khái quát với quý vị và các bạn về cuộc đời và sự nghiệp của một số nhà Hiền triết, nhà Tư tưởng v.v.. cổ đại Trung Quốc như: Khổng Tử, Lão Tử, Trang Tử, Mặc Tử, Hàn Phi Tử. Tên tuổi của họ được nhiều thính giả và cư dân mạng biết đến, có bạn yêu cầu chuyên mục Hộp thư Thính giả giới thiệu tiếp các nhà Hiền triết thời cổ Trung Quốc, có bạn đã có sự đánh giá trung thực và khẳng định đối với nội dung giới thiệu này. Ở đây, Sảnh Hoa xin thay mặt chuyên mục Hộp thư thính giả cám ơn sự quan tâm của các bạn. Sau khi phát trên sóng, chúng tôi cho đăng ngay lên tài khoản mục Hộp thư Ngọc Ánh trên facebook, nếu bạn lỡ mất thời gian nghe trên sóng, mời bạn đón nghe và đón đọc trực tuyến vào bất cứ lúc nào qua giao diện sản phẩm điện tử, như điện thoại di động, máy vi tính ...

Có bạn hỏi: Tại sao sau tên người đàn ông cổ đại Trung Quốc lại gắn chữ “Tử” ở sau? Vậy Sảnh Hoa xin giải đáp câu hỏi thú vị này nhé.

Thưa quý vị và các bạn, trong tiếng Hán cổ Trung Quốc, chữ Tử (子)là chỉ những người đàn ông có học thức, đồng thời là cách xưng hô tôn trọng với người đàn ông có học vấn.

Mời quý vị và các bạn theo dõi tiếp mục Hộp thư Thính giả do Sảnh Hoa thực hiện, buổi phát đầu tiên lên sóng Đài phát thanh Quốc tế Trung Quốc đều đặn vào thứ hai đầu tuần.

Sau đây Sảnh Hoa xin giới thiệu với quý vị và các bạn về cuộc đời và sự nghiệp của Tuân Tử--Nhà Tư Tưởng Duy vật cổ đại Trung Quốc

Nhà tư tưởng chủ nghĩa Duy vật cổ đại Trung Quốc—Tuân Tử_fororder_荀子

Khi tìm hiểu về học thuyết Nho Gia Trung Quốc, thì phải kể đến ba vị danh nhân tiêu biểu nhất, đó là Khổng Tử, Mạnh Tử và Tuân Tử. Nếu như Khổng Tử là người khai sáng ra triết học Nho Gia thì Mạnh Tử và Tuân Tử là hai người cùng thừa kế và phát triển học thuyết này. Vậy Tuân Tử là nhân vật như thế nào?

Thưa quý vị và các bạn,

Tuân Tử (313—238 trước Công Nguyên), là người nước Triệu, nay thuộc huyện An Trạch tỉnh Sơn Tây. Ông là nhà tư tưởng chủ nghĩa Duy vật, là nhà văn và nhà giáo dục nổi tiếng thời Chiến Quốc Trung Quốc, ngoài ra ông còn là đại sư học phái Nho Gia cuối thời Chiến Quốc. Tuân Tử tên Huống, mọi người thời đó rất kính trọng ông cho nên còn gọi ông là Tuân Khanh. Các học giả nổi tiếng hồi bấy giờ như Lý Tư, Hàn Phi đều là học trò của ông. Suốt cả cuộc đời, Tuân Tử đã để lại dấu chân của mình tại rất nhiều nơi. Ông từng sang du học tại nước Tề, từng tiến hành trao đổi học thuật và hội thảo với các học phái khác nhau tại học cung Tắc Hạ, thuộc phía Bắc Lâm Truy tỉnh Sơn Đông ngày nay, đồng thời từng hai lần làm người đứng đầu làm lễ tế rượu tại học cung. Về sau ông lại đi nước Tần và nước Triệu. Những năm cuối đời, ông làm huyện lệnh huyện Lan Lăng nước Sở, thuộc trấn Lan Lăng huyện Thương Sơn tỉnh Sơn Đông ngày nay, sau rồi để tâm vào việc viết sách cho đến tận cuối đời.

Nhà tư tưởng chủ nghĩa Duy vật cổ đại Trung Quốc—Tuân Tử_fororder_src=http___www.wendangwang.com_pic_2b39cf7ea3e587197245a748_1-810-jpg_6-1080-0-0-1080&refer=http___www.wendangwang

Tuân Tử là nhà Tư tưởng giai cấp địa chủ mới trỗi dậy hồi bấy giờ. Học vấn của ông rất uyên bác, trên cơ sở kế thừa học thuyết Nho gia về trước, ông lại hấp thu sở trường của các trường phái khác rồi tiến hành sửa đổi tập hợp lại, hình thành hệ thống tư tưởng của mình, phát triển truyền thống chủ nghĩa Duy Vật thời cổ.  Hiện nay còn lưu giữ lại 32 bài “Tuân Tử”, trong đó phần lớn đều là những bài do chính Tuân Tử viết, đề cập đến các nội dung về nhiều mặt như Triết học, Lô gich, Chính trị, Đạo đức v v ... Về Tự nhiên quan, Tuân Tử phản đối hiện tượng tín ngưỡng mệnh trời và quỷ thần, khẳng định quy luật của tự nhiên là không chuyển dịch theo ý chí con người, và nêu ra tư tưởng con người ắt chiến thắng thiên nhiên; về Nhân tính, ông đưa ra “Thuyết Ác tính”, phủ nhận quan niệm đạo đức trời phú. Ông nhấn mạnh, môi trường hậu sinh và giáo dục có sự ảnh hưởng đối với con người; Về mặt tư tưởng Chính trị, Tuân Tử kiên trì nguyên tắc quản lý theo lễ giáo của Nho gia, đồng thời coi trọng nhu cầu về vật chất của con người, chủ chương kết hợp giữa phát triển kinh tế với quản lý bằng lễ giáo và pháp luật. Về thuyết Nhận thức, Tuân Tử công nhận tư duy của con người có thể phản ánh hiện thực. Song ông lại coi thường xu hướng vai trò của giác quan. Trong “Bài Khuyến học” nổi tiếng, Tuân Tử tập trung trình bày nhận xét của mình về học tập. Trong bài viết này, ông nhấn mạnh tính quan trọng của việc “Học”, cho rằng chỉ có học vấn uyên bác mới có thể “giúp đỡ cho sự hiểu biết và sẽ tránh sai lầm”, đồng thời nêu rõ, học tập cần phải liên hệ với thực tế, học để mà hành, thái độ học tập phải thành khẩn và tập trung, phải kiên trì bền bỉ. Ông hết sức coi trọng địa vị và vai trò của giáo viên trong quá trình giảng dạy, cho rằng muốn cho nước nhà hưng thịnh thì phải coi trọng giáo dục và giáo viên, đồng thời đưa ra yêu cầu nghiêm khắc đối với giáo viên, ông cho rằng, nếu giáo viên không nêu gương cho học sinh noi theo, thì học sinh sẽ không thể có hành động ngay thẳng trong thực tiễn.

  Luận đề bài viết trong tập “Tuân Tử” rất rõ ràng, kết cấu chặt chẽ, lý luận thấu đáo, tính Lô gich rất mạnh, ngôn ngữ rất phong phú, giỏi về lấy ví dụ, có rất nhiều câu đối xứng, đó chính là phong cách hành văn của Tuân Tử, có sự ảnh hưởng nhất định đối với thể văn lý luận về sau. Tuân Tử xứng danh là nhà tư tưởng vĩ đại và là nhà văn, nhà giáo dục lỗi lạc thời cổ Trung Quốc.    

Biên tập viên:Sảnh Hoa
Lựa chọn phương thức đăng nhập