Các bạn thân mến, “Cha đẻ lúa lai” Viên Long Bình đã từ trần vào ngày 22/5/2021, hưởng thọ 91 tuổi. Viện sĩ Viên Long Bình là người sáng tạo nghiên cứu và phát triển lúa lai của Trung Quốc, cũng là nhà khoa học đầu tiên sử dụng thành công ưu thế lúa lai trên thế giới. Cho đến đầu năm nay, ông vẫn kiên trì triển khai công tác nghiên cứu khoa học tại cơ sở Nam Phồn, thành phố Tam Á, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc.
Chủ tịch Tập Cận Bình đã đánh giá cao những đóng góp to lớn của Viện sĩ Viên Long Bình cho an ninh lương thực, sáng tạo khoa học công nghệ nông nghiệp Trung Quốc, phát triển lương thực thế giới, đồng thời yêu cầu đông đảo đảng viên, cán bộ và các nhà khoa học học tập theo Viện sĩ Viên Long Bình. Chủ tịch Tập Cận Bình từng nhiều lần gặp gỡ với Viện sĩ Viên Long Bình và cho biết ông có “sự nghiệp vĩ đại”. Trong chương trình hôm nay, Sảnh Hoa xin giới thiệu với quý vị và các bạn về bốn lần trò chuyện giữa Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc và Viện sĩ Viên Long Bình, xin chia sẻ với các bạn về Chủ tịch Tập Cận Bình vì sao yêu cầu mọi người học tập theo Viện sĩ Viên Long Bình.
Tháng 4 năm 2013, Chủ tịch Tập Cận Bình đến thăm các đại biểu Anh hùng lao động cả nước, Viện sĩ Viên Long Bình đã trình lên Chủ tịch Tập Cận Bình hai tấm ảnh siêu lúa lai.
Chủ tịch Tập Cận Bình hỏi: “Đây là?”
Viện sĩ Viên Long Bình trả lời: “Đây là siêu lúa như thác nước”.
Chủ tịch Tập Cận Bình nói: “Siêu lúa, quả thật là hạt rất đầy đặn. Đây là sự nghiệp vĩ đại của ông. Cả thế giới còn có rất nhiều người vẫn bị đói bụng, khi tôi hội đàm với nhiều nước đều đề cập đến sự hợp tác trong lĩnh vực an ninh lương thực, rất nhiều người đều đề cập đến sự hợp tác về khoa học công nghệ nông nghiệp tiên tiến, đặc biệt trên phương diện lúa lai. Do vậy, sự nghiệp này của chúng ta là một sự nghiệp mang lại hạnh phúc cho nhân dân Trung Quốc, mang lại hạnh phúc cho thế giới”.
Tháng 4 năm 2018, khi Chủ tịch Tập Cận Bình đến thăm Cơ sở tạo giống quốc gia tại tỉnh Hải Nam. Tổng Bí thư đã đi dọc ruộng đất trồng siêu lúa, tìm hiểu tình hình sinh trưởng của cây lúa, và giao lưu thân thiết với Viện sĩ Viên Long Bình. Khi được biết sản lượng siêu lúa lai của Trung Quốc lập kỷ lục cao nhất thế giới, Chủ tịch Tập Cận Bình hết sức vui mừng.
Tháng 9 năm 2019, Chủ tịch Tập Cận Bình đã trao “Huân chương Nước Cộng hòa” và có cuộc trao đổi ngắn với Viện sĩ Viên Long Bình. Viện sĩ Viên Long Bình nói với phóng viên: “Tổng Bí thư hỏi tôi, có những tiến triển gì không? Tôi trả lời, chúng tôi đang phấn đấu khiến sản lượng vượt mức 1200 kg/mẫu”.
Năm 2020, các nhà khoa học như Viên Long Bình đã viết thư tới Chủ tịch Tập Cận Bình, bày tỏ lòng quyết tâm tạo dựng sự nghiệp trong thời đại mới và thực tiễn mới. Tháng 5 năm 2020, các nhà khoa học đã nhận được thư trả lời của Chủ tịch Tập Cận Bình. Trong bức thư này, tên của Viện sĩ Viên Long Bình đứng hàng đầu. Sau khi nhận được thư, Viện sĩ Viên Long Bình cảm thấy rất phấn khởi và nói: “Tôi rất vui mừng nhận được sự cổ vũ của Chủ tịch Tập Cận Bình, tôi nhất định sẽ dẫn dắt nhóm nghiên cứu tiếp tục phấn đấu theo mục tiêu mới”.
Ngày 15/1/2021, nhóm nghiên cứu lúa nước mặn của Viện sĩ Viên Long Bình ra tuyên bố, hiện nay, cả nước Trung Quốc đã có 6 triệu mẫu (400 nghìn héc-ta) đất nhiễm mặn được ký dự án cải tạo, năm nay sẽ chính thức khởi động quảng bá và vận hành thương mại lúa nước mặn, dự định sẽ dùng 8-10 năm để thực hiện mục tiêu cải tạo 100 triệu mẫu (hơn 6,66 triệu héc-ta) đất nhiễm mặn, thực hiện “100 triệu mẫu đất hoang thành đồng ruộng phì nhiêu”.
Ngày 9/5/2021, tại nơi thí điểm ở Tam Á, kết quả đo cuối cùng sản lượng siêu lúa lai do nhóm nghiên cứu của Viện sĩ Viên Long Bình nghiên cứu và phát triển là 1004,83 ki-lô-gam/mẫu.
“Sự nghiệp vĩ đại” phấn đấu cả đời của Viện sĩ Viên Long Bình chính là “để tất cả mọi người tránh xa cái đói”.