Mẫn Linh

Các nhân sĩ giới nông nghiệp Việt Nam gửi lời chia buồn sâu sắc và tưởng nhớ Viện sĩ Trung Quốc Viên Long Bình

25-05-2021 14:44:35(GMT+08:00)
Chia sẻ:

13 giờ 07 phút ngày 22/5/2021, “cha đẻ lúa lai”, Viện sĩ Viện Công nghệ Quốc gia Trung Quốc, người được trao “Huân chương nước Cộng hòa” Viên Long Bình qua đời, hưởng thọ 91 tuổi. “Phát triển lúa lai, mang lại hạnh phúc cho nhân dân thế giới” là sự theo đuổi suốt đời của Viện sĩ Viên Long Bình. Nhằm thực hiện chí nguyện vĩ đại này, Viện sĩ Viên Long Bình lâu nay dốc sức thúc đẩy lúa lai đi ra thế giới. Nay, lúa lai được trồng trên diện rộng tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới với diện tích đạt 8 triệu héc-ta/năm, năng suất trung bình cao hơn khoảng 2 tấn/héc-ta so với giống lúa chất lượng tốt của địa phương. Sự ra đi của Viện sĩ Viên Long Bình khiến nhiều nhân sĩ giới nông nghiệp Việt Nam từng tiếp xúc với ông thấy hết sức đau lòng và thương tiếc. Các nhân sĩ đồng loạt chia sẻ kỷ niệm tiếp xúc với Viện sĩ Viên Long Bình với phóng viên Đài Phát thanh và Truyền hình Trung ương Trung Quốc, gửi lời chia buồn và bày tỏ tưởng nhớ Viện sĩ Viên Long Bình.

Nguyên Cục trưởng Cục Khuyến nông - Khuyến lâm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Tiến sĩ Lê Hưng Quốc nhớ lại rằng, năm 2004, ông dẫn đầu đoàn đại biểu tới thăm tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc, Viện sĩ Viên Long Bình đã đích thân đón đoàn Việt Nam. Lúc đó, Viện sĩ Viên Long Bình đã nói một câu khiến ông Lê Hưng Quốc đến nay vẫn nhớ như in: “Chúng ta cùng phải phấn đấu từ ăn no sang ăn đủ, ăn ngon, ăn sạch, phát triển bền vững ngành nông nghiệp thực phẩm cho nhân dân”. Ông Lê Hưng Quốc cho biết, Giáo sư, Viện sĩ Viên Long Bình đã đóng góp những kinh nghiệm quý báu qua Hội nghị quốc tế về lúa lai tổ chức ở Hà Nội năm 2001 và giao lưu hợp tác Việt Nam - Trung Quốc, đó là xây dựng dự án, chương trình về lúa lai, đào tạo cán bộ nghiên cứu và chuyển giao, hợp tác xây dựng mạng lưới nghiên cứu sản xuất (các viện, trung tâm các vùng, các doanh nghiệp) mà Công ty Cường Tân (Nam Định) với việc mua bản quyền của Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Trâm giá trị 10 tỷ đồng là một ví dụ. Hàng năm tổ chức các đoàn giao lưu Việt Nam - Trung Quốc, thử nghiệm đánh giá các tổ hợp mới, hợp tác nguồn gen... Cả cuộc đời Giáo sư phấn đấu hơn 60 năm vì một mục tiêu khoa học cao cả để góp phần xóa đói giảm nghèo cho nông dân ở một nước chiếm 1/5 dân số thế giới và đã thành công.

Các nhân sĩ giới nông nghiệp Việt Nam gửi lời chia buồn sâu sắc và tưởng nhớ Viện sĩ Trung Quốc Viên Long Bình_fororder_2

GS. VS Viên Long Bình tiếp đoàn Việt Nam tại tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc vào năm 2004

Các nhân sĩ giới nông nghiệp Việt Nam gửi lời chia buồn sâu sắc và tưởng nhớ Viện sĩ Trung Quốc Viên Long Bình_fororder_3

Gia đình GS. VS Viên Long Bình sang dự Hội nghị Quốc tế về lúa lai tại Hà Nội, thăm Vịnh Hạ Long, Việt Nam vào năm 2001

Ông Trần Mạnh Báo, Anh hùng lao động Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Giống cây trồng Thái Bình cũng từng gặp Viện sĩ Viên Long Bình khi tham dự “Hội nghị Thường niên giống cây 2005” tại Thượng Hải. Đề cập đến Viện sĩ Viên Long Bình, ông cho biết ở Việt Nam không ai không khâm phục Viện sĩ Viên Long Bình.

Tại Việt Nam, những năm 90 của thế kỷ trước và những năm đầu của thế kỷ này, lúa lai đã góp phần nâng cao năng suất lúa và phần nào giải quyết được vấn đề lương thực, Viện sĩ Viên Long Bình đã đến Việt Nam dự hội thảo và chuyển giao công nghệ sản xuất lúa. Những năm gần đây ngành giống cây trồng đặc biệt là giống lúa đã phát triển mạnh mẽ, diện tích gieo trồng lúa lai không còn như trước và Việt Nam cũng đã nghiên cứu được lúa lai. Nhưng những công nghệ sản xuất lúa lai của Giáo sư Viên Long Bình vẫn là một trong những công nghệ nền tảng, cơ sở khoa học cho việc lai tạo giống lúa của thế giới. Xin vĩnh biệt Giáo sư, một nhà khoa học lớn của nền sản xuất lúa thế giới.

Ông Trần Mạnh Báo với Giáo sư Viên Long Bình

Ông Nguyễn Bá Thắng, nguyên cán bộ Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, người phụ trách mảng phát triển hạt giống lúa lai cho Việt Nam và một số nước khác khu vực châu Á Thái Bình Dương, Tập đoàn Syngenta, may mắn hơn người khác, từng gặp Viện sĩ Viên Long Bình vài lần. Ông chia sẻ, các cuộc gặp với Viện sĩ Viên Long Bình khiến ông được hưởng lợi cả đời.

Ông nói với phóng viên rằng, “Tôi đã được đón tiếp giáo sư lần đầu tiên tại Việt Nam nhân dịp ông sang dự Hội nghị lúa Quốc tế tại Hà Nội (2001). Đứng trước một người nổi tiếng nói chuyện về công tác nghiên cứu chọn tạo giống lúa lai mà tôi thấy Giáo sư thật dung dị và gần gũi. Lần thứ hai, tôi được gặp Giáo sư đó là chuyến tham dự khóa đào tạo 5 tháng về lúa lai quốc tế năm 2002 tại thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Dù bận rất nhiều việc nhưng trong buổi khai giảng và bế giảng, Giáo sư đều có mặt. Tôi được Giáo sư trực tiếp giảng bài, hướng dẫn tỉ mỉ cũng như trả lời tất cả các câu hỏi của các học viên nước ngoài vì nhiều người lần đầu tiên biết về lúa lai. Vào các buổi chiều, chúng tôi vẫn thấy ông ra cánh đồng thí nghiệm làm việc đến khi ánh hoàng hôn tắt hẳn mới về mà khi đó Giáo sư đã 72 tuổi”.

Nghe tin Viện sĩ Viên Long Bình qua đời, ông Nguyễn Bá Thắng nói với phóng viên rằng, ông thấy hết sức đau lòng. “Tôi rất thương tiếc ông bởi sự giản dị, tấm lòng say mê khoa học và những cống hiến của ông cho những thành tựu nghiên cứu lúa nói chung và lúa lai nói riêng. Xin được một lần nữa bày tỏ lòng thương tiếc tới gia đình Giáo sư và nhân dân Trung Quốc, chúc Giáo sư an nghỉ nơi cực lạc”.

Ông Nguyễn Bá Thắng (người mặc áo vàng đứng trước Giáo sư Viên Long Bình) lần đầu gặp Giáo sư Viên Long Bình và các chuyên gia lúa Quốc tế tại Hà Nội, Việt Nam vào năm 2001

 (Đứng sau Viện sĩ Viên Long Bình là ông Lê Hưng Quốc khi đó là Cục trưởng Cục Nông Nghiệp của bộ Nông Nghiệp Phát triển Nông thôn Việt Nam, người mặc áo xanh là ông SS Virmani, chuyên gia cao cấp của Viện lúa Quốc tế IRRI)

(Hình chụp cùng ngày Viện sĩ Viên Long Bình thăm Viện khoa học Nông nghiệp Việt Nam, 2001)

Biên tập viên:Mẫn Linh
Lựa chọn phương thức đăng nhập