Các bạn thân mến, quân đội Trung Quốc đang thịnh hành một câu nói “Ba kỷ luật, Tám chú ý”, vậy ý nghĩa của nó là gì, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu nhé
Năm 2014, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chỉ rõ: “Quân đội chúng ta từ lúc đầu thành lập đã có kỷ luật nghiêm minh, quân đội bất cứ đi đâu đều phải tuân theo những kỷ luật này. Ba kỷ luật và tám chú ý đã ảnh hưởng và giáo dục đến nhiều thế hệ sĩ quan và binh lính”. Câu nói này từ lúc ra đời đến đến nay, không chỉ là điều mà “tất cả mọi người luôn phải nhớ” của những người lính Quân đội nhân dân Trung Quốc, kể cả người dân bình thường cũng biết, đây là chuẩn tắc kỷ luật thép của Chủ tịch Mao Trạch Đông ấn định cho Quân đội Nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo và được áp dụng cho đến hiện nay.
Tăng cường kỷ luật là để làm gì? Xét đến cùng là vì nhân dân, mang lại hạnh phúc cho nhân dân. Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh: “Lòng dân là chính trị lớn nhất”.
Kể từ buổi thành lập đến nay, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc hết sức coi trọng tăng cường kỷ luật cách mạng, đây là tiêu chí rõ nét phân biệt giữa quân đội nhân dân với quân đội trong lịch sử. Dữ liệu cho thấy: “Ngày 23/10/1927, dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Mao Trạch Đông, quân Cách mạng Công Nông đã đến núi Kinh Trúc. Do các chiến sĩ đi bộ quá lâu và xa, rất đói bụng, nên đã xin khoai tây của người dân để ăn đã vi phạm kỷ luật. Sau khi biết tin, Chủ tịch Mao Trạch Đông đã tổ chức cuộc họp ngày hôm sau, yêu cầu tất cả binh lính phải tuân theo nghiêm ngặt kỷ luật, đồng thời nêu ra ba kỷ luật sớm nhất của quân đội nhân dân”.
“Ba kỷ luật” kể trên lần lượt là: Thứ nhất, hành động phải nghe chỉ huy; Thứ hai, không được lấy bất cứ đồ gì từ công nhân và nông dân; Thứ ba, tịch thu tài sản của địa chủ phải trả lại cho tập thể.
Mùa hè năm 1928, Chủ tịch Mao Trạch Đông lại nêu ra “Sáu chú ý”, lần lượt là: Một, lắp lại tấm gỗ làm giường cho nhà cửa của người dân; Hai là buộc chặt lại những cỏ rơm của quần chúng nhân dân mà đã mượn làm đệm giường; Ba là nói chuyện hài hòa; Bốn là mua bán công bằng; Năm là có mượn thì có trả; Sáu là bồi thường những gì đã làm hỏng. Sau đó lại thêm 2 nội dung như: “Tắm rửa phải tránh xa phụ nữ” và “không tịch thu tài sản của những tù binh”.
Trong thời kỳ chiến tranh giải phóng, tháng 10 năm 1947, Chủ tịch Mao Trạch Đông đã khởi thảo huấn lệnh, quy định thống nhất những nội dung cụ thể. Ba kỷ luật mới sửa đổi là: Một là tất cả hành động nghe chỉ huy; Hai là không lấy một cái kim sợi chỉ của quần chúng; Ba là tất cả tài sản tịch thu phải trả lại tập thể. Tám chú ý là: Một là nói chuyện hài hoà; Hai là mua bán công bằng; Ba là có mượn thì có trả; Bốn là bồi thường những gì đã làm hỏng; Năm là không đánh người hoặc chửi người; Sáu là không phá hoại ruộng vườn; Bảy là không được quấy rối phụ nữ; Tám là không ngược đãi tù nhân.
Quân đội nhân dân dưới sự giáo dục lâu dài của “Ba kỷ luật và tám chú ý” đã có nhiều nhân vật và câu chuyện cảm động lòng người trong thời kỳ lịch sử khác nhau. Nhân dân quần chúng đã đãnh giá cao “Chưa bao giờ thấy quân đội tốt như vậy”.
Tháng 2 năm 1935, khi Hồng quân đi qua huyện Cổ Lận, tỉnh Tứ Xuyên, Tổng Tư lệnh Chu Đức đã kể với Chủ tịch Mao Trạch Đông hai câu chuyện về Hồng quân tuân theo kỷ luật, một là Hồng quân đi qua rừng quýt nơi đây không xảy ra bất cứ sai sót gì cả, hai là một chiến sĩ Hồng quân đã trả tiền cho quần chúng sau khi xin cà-rốt. Sau khi nghe vậy, Chủ tịch Mao Trạch Đông rất vui mừng và nói: “Lịch sử thời Tống có viết, đội quân của Nhạc Phi 'đói đến chết không cướp đoạt, rét cóng đến chết không phá nhà’”. Chủ tịch Mao Trạch Đông đã nhìn thấy rất rõ: Chỉ có quân đội như vậy mới xứng đáng là quân đội có hy vọng.
Những câu chuyện như vậy còn có rất nhiều trong cuộc Trường Chinh.
Còn một câu chuyện cảm động lòng người diễn ra tại Thượng Hải khi vừa mới giải phóng. Lúc đó, sau khi đến Thượng Hải, Quân Giải phóng đã tuân theo nghiêm ngặt “Ba kỷ luật và tám chú ý”. Để không quấy nhiễu người dân thành phố, trong thời tiết mưa phùn, bộ đội đã lặng lẽ ngủ bên đường ướt. Sáng sớm, người dân tỉnh dậy mới phát hiện cảnh tượng cảm động lòng người như vậy, bỗng thán phục Đảng và Quân đội Nhân dân.
“Ba kỷ luật và tám chú ý” đến nay đã đi qua chặng đường huy hoàng hơn 90 năm, nhấn mạnh và giải quyết thiết thực những vấn đề vì nhân dân của quân đội nhân dân.
Chương trình hôm nay xin khép lại tại đây, cảm ơn sự quan tâm theo dõi của quý vị và các bạn.