系统管理员

Bức thư gửi mẹ cực tình cảm của chàng sinh viên Ngoại thương Việt Nam

11-05-2014 16:25:54(GMT+08:00) cri
Chia sẻ:

Hôm nay là Ngày của Mẹ. "Hộp thư Ngọc Ánh" trên facebook giới thiệu bài: Hoa Cẩm chướng, Hoa Cỏ tiên và Ngày của mẹ. Không bao lâu Hộp thư Ngọc Ánh nhận được những dòng lưu ký của cư dân mạng có tên là Đặng Phu Tử tên thật là Đặng Xuân Thông như sau:

Cảm ơn cô Ngọc Ánh và những chia sẻ về loài hoa báo hiếu, về một phong tục đẹp của người Á Đông - nhớ về mẹ. Nhân Ngày của Mẹ, cháu cũng đã từng viết vài dòng lưu ký về mẹ của mình, nhân tiện, hoan hỷ chia sẻ cùng cô và bạn bè Trung Quốc.

Vậy Hộp thư Ngọc Ánh CRI hôm nay xin đăng tải để chia sẻ với độc giả, bài này đã cập nhật lúc 14:12, ngày 20-10-2013 trên trang Dân trí Việt Nam, nhưng hôm nay trong Ngày của Mẹ, đọc lại vẫn cảm động và ấm ám trước tấm lòng hiếu thảo của một sinh viên đang phải sống xa mẹ. Nguyên văn bài báo như sau:

Bức thư gửi mẹ cực tình cảm của chàng sinh viên Ngoại thương

Hôm nay (20/10), dạo qua các trang mạng xã hội, không khó để bắt gặp những lời chúc, những tâm sự, những sẻ chia về mẹ, với tất cả tình yêu thương vô vàn. Trong đó, bức thư gửi mẹ ngày 20/10 của Đặng Xuân Thông - sinh viên năm cuối Đại học Ngoại thương Hà Nội khiến cộng đồng mạng vô cùng xúc động.

Bức thư là nỗi nhớ niềm thương về người mẹ lam lũ nghèo khó ở quê để nuôi hai anh em ăn học.Và đây "cũng là những bức thư đầu tiên mẹ nhận được từ chính người con trai của mình...."

Chúng tôi xin gửi tới độc giả bức thư gửi mẹ của chàng trai này.

Bức thư gửi mẹ cực tình cảm của chàng sinh viên Ngoại thương Việt Nam

Thông và mẹ (Ảnh trang facebook Đặng Phu Tử)

Mẹ yêu quý của con!

Có lẽ, trong tâm tưởng và suy nghĩ suốt gần năm mươi năm đi qua đời mẹ, đây là lần đầu tiên mẹ được nhận một bức thư, mà lại là những dòng thư từ chính con trai của mẹ. Con đang hình dung khuôn mặt, ánh mắt, bờ vai gầy và cả bàn tay rám nắng xương xương đang run lên của mẹ, vì một niềm cảm xúc khó kìm nén nổi trong lòng …

Mẹ!

Ba năm qua, kể từ ngày con bước chân ra Thủ đô làm quen với giảng đường đại học, con đã để lại tuổi thơ, để lại những khung hình thời hoa niên trong trẻo dưới mái trường phổ thông ở quê nhà, nơi có mẹ và cả mảnh vườn ký ức ngọt ngào không thể nào phai dấu. Để lại những tháng ngày vô tư, miệt mài vùi đầu vào sách vở, nấu sử sôi kinh cho những kì thi nối tiếp kì thi, những đêm dài đi qua bàn học nhỏ … Thế nhưng, mẹ ạ, có bao giờ con quên được lời mẹ nói ngày nào? Mẹ lo con trọ học xa nhà, ăn uống, học hành, nghỉ ngơi – mẹ vẫn lo bời bời muôn thuở… Con nhớ hơi thở dài mỏi mệt của mẹ ngày con leo lên xe, chuyến xe khách đưa con rời xa ngôi nhà nhỏ bé, rời xa miền quê nghèo có đàn bò tinh quái, xa con đường đất đỏ, xa những chiều hai mẹ con hì hụi làm cỏ trong vườn…

Bức thư gửi mẹ cực tình cảm của chàng sinh viên Ngoại thương Việt Nam

Thông và mẹ (Ảnh NVCC)

Mẹ!

Hôm 18 tháng 10, con cùng bạn bè tổ chức bán hoa gây quỹ tình nguyện. Có hoa hồng mẹ ạ! Thật ra, con muốn tặng ngay một bông hoa thật to và thật đẹp cho mẹ. Nhưng mà mẹ con mình cách xa nhau những gần bốn trăm cây số dọc đường chim bay như thế, con chỉ còn biết mỗi một cách là gọi điện thoại về nhà mà thôi!

Mẹ biết con nghĩ gì lúc đó không nhỉ? Con nghĩ thế này, mà nói cho đúng phải là con mường tượng ra khuôn mặt mẹ với nụ cười vui vẻ, và câu nói mẹ thốt ra chắc hẳn là "Hoa với hòe!". Và con cười, suốt một đời, mẹ của con chẳng bao giờ nghĩ rằng trên đời, ngoài mớ rau, bó chè xuất hiện đều đặn trên giỏ chiếc xe đạp cà tàng của mẹ mỗi phiên chợ sáng tinh mơ, còn có những bông hoa và hoa là để tặng nhau mỗi dịp này, dịp nọ… Con nhớ, có lần, con từng hỏi mẹ về món quà mẹ thích nhất vào ngày 20 tháng 10. Mẹ trả lời: "Cái niêu thức ăn nhà ta hôm đó phải được làm đầy như mọi ngày con ạ. Mà hai đứa (con và em gái con) đã ăn no chưa? Ăn rồi thì học bài đi. Rồi ngủ sớm. Cứ hỏi chuyện linh tinh!". Điều quan tâm lớn nhất của mẹ là như vậy.

Con thấy mình kiểu cách, và cái "kiểu cách" đó chẳng ăn nhập gì với cuộc sống hiện tại của gia đình ta. Bố mẹ làm nông vất vả cả đời, con thấy mình lớn hơn lên từ những điều giản dị mẹ nói, mẹ làm hằng ngày. Không ép buộc, không quá khắt khe, chỉ là mỗi lần nhìn sâu vào mắt mẹ, con lại được thấy bóng dáng mình, thấy lại chính mình. Để vượt qua suy sụp, gục ngã. Và vững tâm. Mà bước tiếp …

Bức thư gửi mẹ cực tình cảm của chàng sinh viên Ngoại thương Việt Nam

Thông và mẹ (Ảnh trang facebook Đặng Phu Tử)

Mẹ!

Sáng nay con học hai ca. Chiều nay tiếp tục một ca dạy thêm. Và bữa cơm trưa vội vàng của sinh viên thời bão giá. Muốn giúp mẹ "làm đầy" "cái niêu thức ăn" nhà mình lắm, nhưng chắc là để sau vậy! Năm thứ tư đại học rồi, con có dự định này, dự định nọ, mẹ à! Chắc phải Tết cơ, thì con mới thủ thỉ cùng mẹ được. Mẹ ăn uống cẩn trọng nhé, giữ gìn sức khỏe! Tết, con về …

Chiều nay, sau ca dạy, con lang thang dọc bờ sông, nước lờ đờ như cái đầm bên cạnh nhà mình ấy! Hà Nội cuối thu đầu đông đẹp lắm, gió làm gì mà xoa tóc con dịu dàng như mẹ vậy? Nhớ mẹ đến se thắt trái tim … Mẹ yêu quý của con, của con …

Hà Nội, ngày 19 tháng 10 năm 2012

Kính thư,

Con trai của mẹ!

Khi liên lạc với chàng trai này và được Thông chia sẻ, chúng tôi càng thấu hiểu hơn nỗi niềm mà Thông gửi trong thư cho người mẹ kính yêu.

Thông sinh ra và lớn lên ở quê hương Cẩm Xuyên Hà Tĩnh, mảnh đất lam lũ, nghèo khó. Cuộc sống gia đình không khá giả, bố làm thợ xây, nhưng tuổi đã cao, hay đau yếu, kinh tế phụ thuộc vào những gánh chè, ngọn rau của mẹ. Nhưng chính nhờ những gánh chè ngọn rau ấy, mà hai anh em Thông được lớn lên, được ăn học như bao bạn bè cùng trang lứa. Mẹ chưa bao giờ cảm nhận được một bộ đồ mới là gì, được một lần ăn thật ngon, được có một bó hoa thật to, thật đẹp trong những ngày lễ. Từ khi Thông là chàng sinh viên của Đại học Ngoại Thương thì mẹ càng phải làm lũ, tóc càng bạc đi nhiều hơn.

Bức thư gửi mẹ nghẹn ngào của chàng sinh viên Ngoại thương.

Bức thư gửi mẹ cực tình cảm của chàng sinh viên Ngoại thương Việt Nam

Thông đang là sinh viên năm cuối ĐH Ngoại thương (Ảnh NVCC)

"Giờ đây, Thông chỉ mong mình học tập thật tốt, sớm khẳng định năng lực, để giúp đỡ bố mẹ bớt khó khăn hơn", anh chàng tâm sự.

Thông cũng là một chàng trai có thành tích học tập rất xuất sắc. 12 năm cấp 3 đều đạt danh hiệu học sinh xuất sắc. Thủ khoa, Á khoa môn Văn huyện Cẩm Xuyên từ năm lớp 6 - 9. Giải nhì môn Văn của tỉnh năm lớp 9, lớp 10. Giải 3 tiếng Anh bốn năm liền, lớp 9, 10, 11, 12. Danh hiệu học sinh nghèo vượt khó, và là một sinh viên học tập tốt của trường Đại học Ngoại Thương Hà Nội.

Hộp thư Ngọc Ánh CRI Theo Tuấn Nguyễn/Baodatviet.vn

Biên tập viên:系统管理员
Lựa chọn phương thức đăng nhập