系统管理员

Duyên phận giữa SV Nguyễn Tư Khiết với tiếng Việt

17-07-2013 19:01:29(GMT+08:00) cri
Chia sẻ:

 

Duyên phận giữa SV Nguyễn Tư Khiết với tiếng Việt

Trường Đại học Kinh tế mậu dịch đối ngoại Trung Quốc

Tháng 7 một trong những tháng nóng nhất trong năm, đồng thời cũng là tháng bức xúc của các sĩ tử Việt Nam khi bước vào phòng thi trong mùa tuyển sinh, là tháng vừa vui vừa buồn của các sĩ tử Trung Quốc vừa nhận được kết quả điểm thi đại học, là tháng thực tập của các sinh viên đang học ở trường.

Ban tiếng Việt Nam CRI là nơi rất nhiều các bạn trẻ Trung Quốc theo học chuyên ngành tiếng Việt Nam đến thực tập, đồng thời cũng là nơi lựa chọn lý tưởng của các bạn lưu học sinh Việt Nam đến tập sự. Năm 2011, các bạn sinh viên chuyên ngành tiếng Việt Nam trường Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh đến thực tập tại Ban tiếng Việt, lúc đó Ngọc Ánh đã mời các bạn đó đến làm chương trình với Hộp thư Ngọc Ánh, chia sẻ và giới thiệu tình hình sinh hoạt và học tập của mình với các bạn trẻ cùng lứa Việt Nam. Ngọc Ánh nhớ đó là các bạn Đường Gia Kỳ, Triệu Kỳ, Trần Văn Tiếp, Trần Dương, Lữ Tân Vận, Đỗ Vũ Tình ... ngoài ra còn có các bạn học sinh Việt Nam như Vũ Bích Ngọc và Nguyễn Thành Trung cũng lần lượt đến Ban Tiếng Việt Nam thực tập.

Trong khi tiếp xúc với các bạn sinh viên hai nước Trung -Việt đến Ban tiếng Việt thực tập, chúng tôi cảm thấy trong quá trình học tập ngôn ngữ của nước đối phương các bạn cũng từ ban đầu không hiểu biết mấy cho đến ngày càng có cảm tình với đất nước, văn hóa và con người của nước đối phương.

Sau khi phát sóng chương trình Hộp thư Ngọc Ánh, các bạn thực tập sinh đã nhận được e-mail của một số bạn trẻ Việt Nam, có bạn đã trở thành bạn bè thân quen, họ trao đổi thư từ với nhau bằng chữ Trung Quốc và chữ Việt Nam. Xin chúc tình bạn giữa các bạn trẻ hai nước Trung-Việt ngày một mở rộng và gắn bó.

Gần đây, có ba nữ sinh năm thứ 3 chuyên ngành tiếng Việt trường Đại học Kinh tế mậu dịch đối ngoại Trung Quốc gọi tắt là Trường Đại học kinh tế đối ngoại Trung Quốc đã đến thực tập tại Ban tiếng Việt Nam CRI. Sau đây là bài viết của bạn Nguyễn Tư Khiết  một trong ba sinh viên đó:

Duyên phận giữa em và tiếng Việt

 Duyên phận giữa SV Nguyễn Tư Khiết với tiếng Việt

Nguyễn Tư Khiết SV  trường ĐH Kinh tế mậu dịch đối ngoại TQ đang thực tập tại CRI

Tháng 9 tới là em đã là sinh viên năm thứ 4 chuyên ngành tiếng Việt rồi, em đã học được nhiều điều bổ ích trong quá trình học tiếng Việt.

Năm thứ 2 đại học, em mới bắt đầu có dịp làm quen và giao lưu với các bạn Việt Nam du học tại trường chúng em, đây là dịp học tiếng rất tốt, em nhờ các bạn chỉnh phát âm cho em. Qua nhiều lần trao đổi và học hỏi, em cảm thấy các bạn Việt Nam rất cởi mở nhiệt tình. Trong những bạn Việt Nam em quen, thì em hay tiếp xúc với anh Minh, một lưu học sinh Việt Nam xuất sắc nhất của trường chúng em, mỗi lần em gặp phải khó khăn gì là anh ấy đều giúp đỡ em một cách vô tư. Em cảm thấy muốn phát âm chuẩn tiếng Việt tương đối khó, anh Minh đã nhẫn nại chỉnh âm cho em, giới thiệu cho em rất nhiều câu chuyện về Việt Nam. Tuy em học tiếng Anh đã nhiều năm nhưng trước đó chưa hề có dịp giao lưu với người nước ngoài. Anh Minh và các bạn Việt Nam khác là những người bạn nước ngoài đầu tiên mà em quen biết, giả như em không học tiếng Việt, thì không có dịp quen thân những người bạn Việt Nam nhiệt tình như vậy, và tất nhiên sẽ không hiểu biết mấy về Việt Nam rồi.

Năm 2012, cả lớp có dịp được sang VN học tập giao lưu một tháng. Lúc này, quang cảnh đường phố Hà Nội hiện lên trước mắt em. Các quán xá dọc hai bên đường treo biển tiếng Việt, trông rất thú vị, còn kèm theo mùi vị của nắng nóng và khói xe. Em còn nhớ có vài ba hiệu cắt tóc đều treo hiển "Hiệu cắt tóc nam", em cảm thấy lạ, chẳng lẽ những hiệu cắt tóc này chỉ cắt tóc cho đàn ông thôi à? Em nhớ tối đến, là bọn chúng em rất thích ra ngồi quán cà phê, thưởng thức một cốc sinh tố tươi ngọt.

Em cảm thấy học ngoại ngữ nếu có dịp đến với môi trường ngoại ngữ nước đó thì tiến bộ rất nhanh. Trong những ngày học tập tại Việt Nam, em đã hội nhập ngôn ngữ cũng như chữ viết Việt Nam, cho nên em cảm thấy Việt Nam trở nên càng gần gũi và quen thuộc, và tiếng Việt của em tiến bộ nhiều hơn hẳn so với tốc độ học trong nước.

Những gì em nhớ về Việt Nam không chỉ có thế, trong dịp giao lưu tại Việt Nam em còn đi một chuyến "xuyên Việt", em và ba bạn cùng lớp xuất phát từ thành phố Hồ Chí Minh, lần lượt thăm Đà Lạt, Nha Trang, Hội An và Huế, đến đâu cũng cảm thấy mới lạ và rất vui, thời gian trôi qua nhanh quá, càng đến ngày phải về nước em lại cảm thấy mến đất nước và con người Việt Nam hơn.

Em vẫn nhớ, cách đây ba năm, trong thời gian đắn đo chọn trường và chọn chuyên ngành em rất bỡ ngỡ, không biết nên lựa chọn như thế nào cho phù hợp, sau khi thi đỗ Trường Đại học Kinh tế đối ngoại, không ngờ trường này lại có tiếng Việt, đây là một trong những chuyên ngành tuyển trước, bố em bảo học tiếng Việt cũng tốt, nên em quyết định chọn học tiếng Việt. Không ngờ, quyết định này đã đưa em đến với tiếng Việt, em có điều kiện tìm hiểu về ngôn ngữ, văn hóa, xã hội và con người Việt Nam trong quá trình học tiếng Việt.

Còn một năm nữa em sẽ tốt nghiệp, em rất mong sau đó có thể tìm được một công việc liên quan đến tiếng Việt để phát huy được kiến thức mình học được. Em rất muốn quen biết thêm nhiều bạn bè Việt Nam, mong thông qua Hộp thư Ngọc Ánh làm quen với các bạn Việt Nam cùng lứa. Mong các bạn viết thư điện tử cho mình theo địa chỉ:   250793154@qq.com

Duyên phận giữa SV Nguyễn Tư Khiết với tiếng Việt

 Nguyễn Tư Khiết và Ngọc Ánh

Ngọc Ánh: Trường Đại học Kinh tế mậu dịch đối ngoại Trung Quốc là một trong những trường điểm nổi tiếng trong lĩnh vực kinh tế thương mại của Trung Quốc, phải thi điểm cao mới có thể đỗ vào trường này. Riêng trong mùa tuyển sinh năm nay, thang điểm tối đa để đỗ vào trường Đại học Kinh tế mậu dịch Trung Quốc khối khoa học xã hội phải là 616 điểm, khối khoa học tự nhiên là 654 điểm, cao hơn hẳn so với năm ngoái .Năm ngoái thang điểm tuyển vào trường này của khối khoa học xã hội 558 điểm, khối khoa học tự nhiên là 605 điểm.

Tin rằng nhiều bạn rất muốn tìm hiểu tình hình của trường Đại học Kinh tế mậu dịch đối ngoại Trung Quốc, vào giờ này tuần sau chúng tôi xin giới thiệu tiếp với các bạn một thực tập sinh khác tên là Tống Nghiên Nghiên đến thực tập tại Ban tiếng Việt Nam CRI, đồng thời xin giới thiệu với các bạn đôi nét về trường Đại học Kinh tế đối ngoại Trung Quốc.

Hoan nghênh các bạn viết thư điện tử cho chương trình theo địa chỉ 

vie@cri.com.cn

 

Biên tập viên:系统管理员
Lựa chọn phương thức đăng nhập