系统管理员

Nhật ký Minh Trang du Phúc Kiến

30-12-2011 15:27:08(GMT+08:00) cri
Chia sẻ:

Nghe Online I           Nghe Online II

Nhật ký Minh Trang du Phúc Kiến

Minh Trang đang viết nhật ký

Ngày 4 tháng 12 năm 2011

Sáng nay mình dậy rất sớm, trước giờ báo thức của khách sạn bởi hồi hộp đợi chuyến đi thăm tỉnh Phúc Kiến miền Đông nam Trung Quốc, nơi đối diện với Đài Loan-Hòn đảo đẹp giàu của Trung Quốc. Mình và 9 đại diện của 10 Câu lạc bộ thính giả xuất sắc được sàng lọc từ hơn 4000 câu lạc bộ thính giả CRI trên thế giới đến từ 10 nước cũng đã tập chung đông đủ, trông ai nấy cũng rất hồi hộp như mình vậy.

Đoàn chúng tôi đi thăm tỉnh Phúc Kiến, còn Đoàn thính giả đoạt giải đặc biệt của Cuộc thi "Kỷ niệm lần thứ 70 Ngày thành lập Đài Phát Thanh Quốc tế Trung Quốc" đi Quảng Tây. Thính giả của hai đoàn bịn rịn chia tay nhau. Tôi đã có cuộc hẹn hò với Vũ Bá Nha, khách mời đến biểu diễn cho Đêm liên hoan chào mừng Ngày thành lập CRI, sau này sẽ thường xuyên liên hệ với nhau.

Ngọc Ánh và các bạn trong Ban đối ngoại CRI đã đến khách đón và cùng chúng tôi ra sân bay. Trong chuyến bay ba tiếng đồng hồ, sau khi dùng bữa nhẹ trên máy bay, tôi tranh thủ chơp mắt một lát, còn Ngọc Ánh vẫn miệt mài trước máy vi tính đặt trên chiếc bàn gấp nhỏ trước ghế ngồi. Mình biết Ngọc Ánh đêm qua đã phải thức rất khuya để làm cho xong chương trình trước khi lên đường, bây giờ lại tiếp tục biên tập cho các chương trình tiếp theo để phục vụ thính giả. Sau gần ba tiếng đồng hồ bay trên không, gần 2 giờ chiều máy bay hạ cánh xuống sân bay Hạ Môn Phúc Kiến. Gió biển và nắng vàng ấm áp đã chào đón chúng tôi. Nếu Bắc Kinh có mưa tuyết, gió lạnh, nhiệt độ dưới 0, thì ở Hạ Môn lúc này lại 21 độ C. Dọc hai bên đường cây cối xanh tốt, hoa đủ sắc màu, những dãy lầu cao tầng nối nhau dọc bờ eo biển hoặc trên sườn đồi. Phong cảnh Hạ Môn đúng là hữu tình. Thật xứng đáng với tên gọi "Thành phố Thiên thời địa lợi nhân hòa". Được đánh giá là thành phố "Thích hợp cư trú" trên thế giới.

Nhật ký Minh Trang du Phúc Kiến

Nhật ký của Minh Trang

Điểm đến thăm đầu tiên của đoàn chúng tôi là Khu Lưu niệm Trần Gia Canh. Ông là một vị Hoa Kiều yêu nước, nhà doanh nghiệp, nhà giáo dục, nhà từ thiện, nhà hoạt động xã hội nổi tiếng ở Xin-ga-po. Quê ông ở Tập Mỹ, huyện Đồng An, tỉnh Phúc Kiến. Năm 1949, sau khi nhận điện mời của Chủ tịch Mao Trạch Đông, ông đã về nước tham dự Hội nghị Chính Hiệp và Lễ Khai sinh Nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa. Sau đó, ông quyết định trở về nước định cư, quyên góp hết tài sản và 3 triệu đồng xây dựng trường học. Ông quyên góp xây dựng mười mấy tòa nhà của Trường Tập Mỹ và Trường Đại học Hạ Môn, song ông lại sống rất giản dị, chỉ ở trong ngôi nhà hai tầng rất bình thường, ông một lòng hiến dâng cho sự nghiệp giáo dục của Nước Trung Hoa mới. Ông mất vào ngày 12 tháng 8 năm 1961, nửa thế kỷ qua, người Trung Quốc vẫn luôn nhớ đến ông, khu nhà lúc sinh thời của ông đã trở thành điểm thăm quan, nhiều người đã đến trước mộ dâng hoa viếng ông.

Ngày nay, Trường Đại học Hạ Môn do ông Trần Gia Canh đầu tư đã trở thành trường Đại học nổi tiếng Trung Quốc.

Nhật ký Minh Trang du Phúc Kiến

Ngày 5 tháng 12 năm 2011

Theo lịch trình thăm quan, hôm nay ngày 5 tháng 12, chúng tôi đến Thôn văn hoá Thổ Lầu, huyện Vĩnh Định, tỉnh Phúc kiến, nơi đây đã được ghi nhận là Di sản Văn hóa thế giới. Trên đường đi đèo dốc, phong cảnh hai bên đường thật lãng mạn, gió thổi mây bay, mây vờn đỉnh núi. Mười chủ nhiệm CLB của mười nước thi nhau bấm máy ảnh, thích thú trước phong cảnh sơn cước này. Sau hơn ba tiếng chúng tôi đến thôn Khách gia Thổ Lầu. Toàn khu nằm trong mặt bằng thung lũng, bốn bên đều là núi cao. Con đường xuyên thôn được xếp bằng những viên đá tảng, dọc theo con suối. Vào đến đầu thôn, đã thấy thoảng hương thơm ngọt ngào của mật hồng, bà con trong thôn đang cặm cụi làm việc trong mùa thu hái quả hồng. Các bạn nước ngoài dồn về phía phơi hồng thay phiên nhau chụp ảnh.

Nhật ký Minh Trang du Phúc Kiến

Từ trên dốc cầu nhìn xuống, thôn Thổ Lầu là một quần thể kiến trúc lầu đất có thể nói là độc nhất vô nhị trên thế giới, đây là kiệt tác nghệ thuật kiến trúc bằng đất nện. Thổ lầu dựa thế núi, bố cục theo nguyên lý phong thủy truyền thống Trung Quốc. Có rất nhiều tòa lầu đất lớn nhỏ khác nhau, cấu trúc đa dạng, chủ yếu là hình tròn, hình bán nguyệt và hình vuông. Bên trong Thổ lầu, đường kính khoảng năm mươi mét, có ba mươi đến bốn mươi gia đình sống trong đó. Chúng tôi đã vào thăm tòa lầu lớn nhất, đó là Trấn Thành Lầu. Lầu này có đường kính khoảng 70 mét, trong lầu có khoảng 72 bậc thang, bố trí hợp lý. Các bạn sẽ rất ngạc nhiên trước sức chứa và sự bền vững của nó. Trấn Thành Lầu từng được đón Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đến thăm. Đoàn chúng tôi đã bá vai nhau chụp ảnh trước cửa Thổ lầu.

Nhật ký Minh Trang du Phúc Kiến

Minh Trang trên núi Võ Di Sơn

Rời thôn Khách Gia Thổ lầu trở về khách sạn, các bạn nước ngoài ngồi trên xe, những vẫn hứng thú bình phẩm những món ăn đặc sản bản địa lạ miệng của thôn Khách Gia, như món măng trúc, vị hơi đắng nhưng hậu ngọt và thơm, món Khâu nhục tức thịt kho Khách gia nổi tiếng, ... mà có lẽ các bạn lần đầu tiên được thưởng thức.

Chuyến thăm Thôn văn hóa Khách Gia Thổ lầu đã để lại cho tôi nhiều ấn tượng sâu sắc về ý thức bảo vệ truyền thống văn hóa dân tộc của người dân địa phương cũng như sự coi trọng và quan tâm của Chính phủ Trung Quốc đối với việc bảo vệ và bảo tồn Di sản văn hóa Thế giới.

Nhật ký Minh Trang du Phúc Kiến

Minh Trang du ngoạn trên dòng suối chín khúc

Ngày 6 tháng 12 năm 2011

Chúng tôi đón bình minh trên góc biển phía Tây Nam của Hạ Môn và chuẩn bị xuống phà thăm đảo Cổ Lãng Dữ, thời gian qua phà khoảng năm phút, đặt chân lên đảo tôi cảm thấy không khí mát rượi, cây cối tốt tươi, các giàn hoa đủ sắc trước mỗi căn biệt thự, hòn đảo nhỏ này như một hoa viên trên biển. Người dân ở đây rất tự hào về quê hương bốn mùa như xuân của họ. Đường đi trên đảo là những bậc thang đá, hoặc những con dốc thoai thoải, nhà cửa được xây theo các bậc đá vòng quanh đảo. Với diện tích chưa đầy 2 km nhưng trên đảo có tới hàng trăm ngôi biệt kiến trúc theo các dạng khác nhau: Kiến trúc châu Âu, Hy lạp cổ, hình tròn nhà La Mã. Người ta gọi Cổ Lãng Dữ là "khu bảo tàng kiến trúc" quả là không sai. Chúng tôi đi xuyên đảo ngắm những toà nhà vươn cao đan xen với nhiều kiểu dáng kiến trúc. Đây là khu tổng lãnh sự của các nước phương Tây trong thời kỳ chiến tranh Nha Phiến thế kỷ 19. Bên kia là khu biệt thự của các Hoa kiều và thương vua giàu có, trong có hai tòa biệt thự của Việt kiều trước kia, ngoài ra còn có Thánh đường, viện âm nhạc...Được biết Cổ Lãng Dư còn được mệnh danh là quê hương của đàn Pi-a-nô và xứ sở của âm nhạc.

Nhật ký Minh Trang du Phúc Kiến

Minh Trang và các bạn quốc tế trên Thủy Liêm Động

Trên điểm cao nhất của đảo là một Viện bảo tàng Pi-a-nô. Chúng tôi đi ngang qua trường tiểu học âm nhạc trên đảo, thấy các em học sinh đang tập thể dục, cảnh này đã thu hút sự chú ý, hứng thú và ống kính của các bạn nước ngoài trong đoàn chúng tôi. Một số bạn còn bị thu hút bởi tiếng đàn pi-a-nô vọng ra từ các căn hộ gia đình trên đảo, họ lần theo tiếng đàn, đứng nghe và không muốn rời đi.

Trời Hạ Môn hôm nay rất đẹp. Buổi chiều, đoàn chúng tôi đến thăm quan chùa Nam Phổ Đà. Ngôi chùa này được xây dựng vào cuối đời nhà Đường, là một trong những ngôi chùa cổ nhất ở tỉnh Phúc kiến. Chùa được trùng tu nhiều lần qua các thời đại. Đặc biệt là từ những năm 80 thế kỷ 20, Chính phủ Trung Quốc đã cấp ngân sách cộng thêm với tiền quyên góp của giới Phật giáo trên thế giới để tiến hành trùng tu nhiều lần. Trong chùa khói hương nghi ngút, có rất nhiều đoàn khách thập phương đến lễ chùa. Chúng tôi lên Điện Đại Bi ở vị trí cao nhất của chùa, có lẽ không khí linh thiêng của tòa điện khiến nhiều bạn nước ngoài cũng kính cẩn thắp hương bái Phật. Nhìn các bạn phương Tây bái Phật, tôi mới hiểu: Tôn giáo cũng là nét văn hóa tâm linh không chỉ có ở người phương Đông, mà còn truyền sang các dân tộc trên thế giới, bởi vì bản chất của nó là lương thiện.

Biên tập viên:系统管理员
Lựa chọn phương thức đăng nhập