系统管理员

Hoài bão của sinh viên chuyên ngành tiếng Việt Nam Đường Gia Kỳ

09-08-2011 19:21:10(GMT+08:00) cri
Chia sẻ:

Nghe Online - I         Nghe Online - II

Hoài bão của sinh viên chuyên ngành tiếng Việt Nam Đường Gia Kỳ

Đường Gia Kỳ đang thực tập tại Ban tiếng Việt Nam -CRI

Rất nhiều bạn thính giả viết thư cho Hộp thư Ngọc Ánh bày tỏ muốn tìm hiểu về tình hình học tập, cũng như tâm tư tình cảm của các bạn trẻ Trung Quốc, đặc biệt là các bạn sinh viên Trung Quốc. Vừa qua bạn Phạm Văn Quân, sinh viên Đại học Hàng Hải và bạn Trần Văn Thắng viết thư điện tử bày tỏ muốn làm quen với các bạn sinh viên Trung Quốc.

Thời gian gần đây, có một số bạn sinh viên năm thứ ba, chuyên ngành tiếng Việt Nam trường Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh đến thực tập tại Ban tiếng Việt Nam Đài phát thanh Quốc tế Trung Quốc. Các bạn đó đã có dịp đọc thư của các bạn thính giả Việt Nam.

Có bạn từng sang Việt Nam du học một năm, và có thể giao tiếp tốt. Bạn Đường Gia Kỳ là một trong số đó, bạn Gia Kỳ mong sao mình tốt nghiệp cho nhanh, rồi tìm được công ăn việc làm ngay.

Đời sinh viên rất lãng mạn và thú vị, nhiều bạn trẻ lẽ ra không muốn rời khỏi ghế nhà trường để đời sinh viên của mình có thể kéo dài hơn mới phải, tại sao Gia Kỳ lại nôn nóng ra trường ngay?

Ngọc Ánh đã trò chuyện với Gia Kỳ, và qua đối thoại sau đây, các bạn đang có mặt bên máy thu thanh sẽ vỡ lẽ ra ngay.

Ngọc Ánh: Gia Kỳ, thời trung học, em học ở trường nào? Em cảm thấy mình là một người con và một học sinh như thế nào?

Gia Kỳ: Nhờ sự dạy bảo ân cần của cha mẹ, hồi tiểu học em đã là một học sinh ngoan. Em phải cảm ơn mẹ, chính nhờ có sự quản giáo nghiêm ngặt của mẹ, nên em không bị nhiễm những thói hư tật xấu. Trước đây, em học ở một truờng Trung học cơ sở bình thuờng, nhưng em học giỏi, ngoan ngoãn, có quan hệ gắn bó với các thầy cô giáo và bạn bè, nên em đuợc tiến cử vào học tại trường Trung học phổ thông trọng điểm duy nhất ở quận Tuyên Võ, Bắc Kinh. Để được vào học tại trường này, em phải cảm ơn cha mẹ đã có sự lựa chọn sáng suốt cho em. Hồi học trường Trung học cơ sở Tuyên Võ, thầy cô giáo thường xuyên giao rất nhiều bài tập cho học sinh, mỗi ngày ít nhất phải mất 3 tiếng đồng hồ mới làm hết đuợc. Chính vì vậy, đã rèn luyện kỹ năng cơ bản cho em, có điều là em chỉ có thể giải quyết những vấn đề đơn giản, chỉ biết vùi đầu vào sách vở bài tập và hết cuộc thi này cuộc thi khác, không biết phân tích vấn đề, nên đầu óc em rất đơn giản, không sành về nhận thức thực tế.

Ngọc Ánh: Có thể nói, đây là hiện tượng rất phổ biến đối với các học sinh Trung học ở Trung Quốc, phải chăng ở Việt Nam cũng có hiện tượng như vậy nhỉ? Được biết, sau khi tốt nghiệp trường trung học cơ sở, em được nhà trường tiến cử vào một trường Trung học phổ thông nổi tiếng của thành phố Bắc Kinh?

Khi bước chân vào truờng Trung học trực thuộc trường Đại học Sư phạm Bắc Kinh, em mới phát hiện ra một việc là các thầy cô không giao cho chúng em nhiều bài tập như hồi trung học cơ sở. Hơn nữa, mỗi ngày cứ đến 3 giờ chiều thì tan học, chúng em về nhà tự học, chứ không phải là học đến 5 giờ chiều hoặc muộn hơn nữa như trước. Có thể nói là trường Trung học phổ thông này làm thay đổi giá trị quan và thế giới quan của em! Trường này đã có sự ảnh hưởng sâu sắc đối với em. Em không những học tập nhiều kiến thức mà còn hiểu được phuơng pháp suy nghĩ và phân tích vấn đề. Em rất cảm ơn trường Trung học trực thuộc Đại học Sư phạm Bắc Kinh!

Ngọc Ánh: Gia Kỳ rất cảm ơn trường trung học phổ thông trực thuộc Đại học Sư Phạm Bắc Kinh. Trong giai đoạn này, em có gặp khó khăn gì không?

Trong giai đoạn học Trung học phổ thông em gặp nhiều khó khăn như điểm thi các môn học, quan hệ với các bạn, sự mâu thuẫn giữa các giá trị quan ..., và quan trọng là em bắt đầu bước vào giai đoạn tâm lý ngang ngạnh và "gàn dở" của lứa tuổi thanh niên. Em đã nhận ra rằng, nếu muốn tiếp tục học giỏi tại truờng này, em nhất định phải thay đổi quan niệm học tập, phải chủ động, tích cực, phải tạo ra hứng thú học tập, phải biết phát hiện vấn đề tồn tại trong quá trình học tập, có điều gì chưa rõ thì phải hỏi thầy cô giáo, cho đến khi giải quyết được mới thôi.

Ngọc Ánh: Ngày thường Ngọc Ánh nhận được rất nhiều thư của các bạn trẻ, các bạn đó cũng có những mối băn khoăn trong học tập và trong sinh hoạt, về quan hệ bạn bè và thầy trò, Gia Kỳ đã nhận thức ra những vấn đề của mình rồi, vậy thì thể nào mẹ Gia Kỳ cũng rất yên tâm chứ nhỉ?

Gia Kỳ: Không đâu, mẹ em vẫn quản giáo em rất chặt như trước, mẹ bắt em làm rất nhiều bài tập. Mỗi khi em đang suy nghĩ một vấn đề gì đó, thì mẹ em nói: "Sao lại không làm bài tập?" Thực ra, em đã lớn, đã có ý thức chủ động học tập, em có nhu cầu được độc lập trong suy nghĩ, khát vọng tự do. Trong giai đoạn này, em luôn luôn chống lại "ách thống trị" của mẹ.

Biên tập viên:系统管理员
Lựa chọn phương thức đăng nhập