Mẫn Linh

Văn hoá trong bữa cơm của người Việt

08-07-2020 10:21:00(GMT+08:00)
Chia sẻ:

Trung Quốc và Việt Nam đều là nước coi trọng tình cảm gia đình. Chúng ta có rất nhiều ngày tết cổ truyền để tôn vinh quan niệm gia đình. Dù bao lâu không gặp, một bữa cơm gia đình đầm ấm có thể khiến các thành viên dễ dàng xích lại gần nhau. “Bữa cơm chính là linh hồn của hạnh phúc, của sự yêu thương và cũng chính là nơi nuôi dưỡng tình cảm giữa các thế hệ trong gia đình”, bạn Mỹ Trinh đã nhận định văn hóa trong bữa cơm của người Việt như vậy. Trong chương trình hôm nay, mời bạn cùng cảm nhận “Văn hoá trong bữa cơm của người Việt” qua bài viết của bạn Mỹ Trinh, lưu học sinh Việt Nam tại Đại học An Huy, Trung Quốc.

Cầu vồng Hữu nghị: Văn hoá trong bữa cơm của người Việt

“Bữa cơm chính là linh hồn của hạnh phúc, của sự yêu thương và cũng chính là nơi nuôi dưỡng tình cảm giữa các thế hệ trong gia đình. Hình ảnh những người mẹ, người chị tất bật trong khói bếp nghi ngút chuẩn bị những món ăn thơm ngon luôn khắc sâu vào ký ức của mỗi thành viên trong gia đình. Dù đó chỉ là những món ăn dân dã hàng ngày, người ta vẫn không thể nào quên hình ảnh ấy, vì nó chứa đựng tấm lòng của người nấu, của người phụ nữ mà chúng ta yêu thương.

Người Việt khi nói đến bữa ăn thì vẫn quen gọi là “bữa cơm”, vì cơm là thành phần chính trong các bữa ăn Việt. Sau đó là đến các loại rau quả dùng chung với cơm, và cuối cùng là thịt. Người Việt xưa không có xu hướng sử dụng nhiều thịt cho bữa ăn hàng ngày, chỉ những dịp giỗ tết, hội hè, đình đám mới có mâm cỗ nhiều thịt.

Từ xưa, người Việt đã có thói quen khi dọn cơm vào mâm thì tất cả các món ăn đều dọn lên cùng một lúc. Điều này cũng khác với cách dùng cơm của phương Tây, dọn từng món, sau khi hết một món mới dọn món tiếp theo.

Tại sao mâm cơm của người Việt lại mang hình tròn? Cũng có nhiều cách giải thích như đó là hình tượng của mặt trời, mặt trăng… nhưng có lẽ trước hết là vì tròn thì mới hợp lý, tròn nên mới gắn kết được tất cả mọi người ngồi quanh mâm.

Bữa cơm của người Việt có hạt cơm dẻo, có sợi rau dài, có thịt thái lát nên người Việt dùng đũa để linh hoạt trong lúc ăn. Đôi đũa có vai trò quan trọng trong bữa ăn, cách cầm đũa cho khéo để gắp thức ăn không rơi cũng cần phải học. Thời xưa nhìn một người cầm đũa là có thể đoán được người ấy sinh trưởng trong một gia đình như thế nào, được giáo dục ra sao… Đôi đũa cũng có tiếng nói riêng của nó trong đời sống gia đình Việt.

Một bữa cơm không phải chỉ ở số lượng bao nhiêu món ăn được bày ra, mỗi món nhiều hay ít; mà cái quan trọng là ở sự hội ngộ đầm ấm của các thành viên trong gia đình: trò chuyện về những gì diễn ra trong ngày, ôn lại chuyện ngày xưa, kể lại những kỷ niệm đáng nhớ… Điều đó gắn kết các thành viên trong gia đình với nhau, chia sẽ niềm vui nỗi buồn cho nhau. Cái ngon của bữa cơm chính là nằm ở đó.

Bữa ăn gia đình và đặc biệt là bữa ăn gia đình nhiều thế hệ là một không gian văn hóa thể hiện quá trình tiếp nối và bảo lưu văn hóa khá độc đáo của người Việt. Ở đây, yếu tố văn hóa không chỉ được truyền tải qua sự đầm ấm của bữa ăn, mà còn được gìn giữ trong những khuôn phép cổ truyền.

Chỉ riêng tìm hiểu về bữa cơm gia đình của người Việt Nam chúng ta cũng có thể thấy được nhiều điều lý thú, nó phản ánh nhiều mặt về đời sống vật chất cũng như đời sống tinh thần. Có những nhân tố tích cực nhưng cũng không ít các nhân tố tiêu cực cần loại bỏ. Trong bữa cơm gia đình, người Việt thường thể hiện những đạo lý quan trọng thông qua hoạt động ăn uống là tình cảm nồng thắm, thủy chung, giản dị thanh bạch nhưng có tình có nghĩa.

Ngồi vào mâm rồi thì điều đầu tiên không gì khác hơn là hai tiếng “mời cơm”. Khi ngồi vào trong mâm cơm, trước khi bưng bát, cầm đũa, việc mời mọc trong gia đình là điều không thể thiếu, người ít tuổi mời những người nhiều tuổi hơn. Tuỳ theo tuổi tác của người ngồi cùng mâm mà thứ tự mời trước sau, lần lượt từ người nhỏ nhất (đôi khi được bố mẹ nhắc nhở) phải mời ông bà, cha mẹ, chú bác… ăn cơm. Sau khi mời xong rồi, người lớn tuổi nhất cầm chén lên thì những người khác mới cầm chén đũa của mình lên ăn.

Người Việt quả là có một văn hóa ăn uống đặc thù, một mặt mang tính tổng hợp rất cao trong chế biến, thụ hưởng, mặt khác, mang tính cộng đồng rất mạnh trong ứng xử văn hóa quanh mâm cơm. Ăn là văn hóa, là thú vui, là sự sung sướng trong giao tiếp quanh mâm cơm, quanh bàn tiệc, nên ăn uống phải có ý tứ lắm: “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, phải biết trông trước trông sau mà “liệu cơm gắp mắm”.

Do mọi người trong bữa cơm đều có mối liên quan chặt chẽ với nhau, đồng thời có người lớn, người nhỏ, nên trong mâm cơm mọi người luôn giữ ý tứ. Chuyện thân mật, chuyện nhà chuyện cửa, chuyện làng xóm… thì có thể nói, nhưng tối kỵ nhất là nói những chuyện căng thẳng hoặc đang bữa ăn lại bất ngờ giao việc cho người khác phải bỏ mâm.

Gia đình Việt Nam chuyển từ truyền thống sang hiện đại đã chịu ảnh hưởng từ rất nhiều yếu tố, cả khách quan lẫn chủ quan. Gia đình một thế hệ, hai thế hệ dần xuất hiện và thay thế cho gia đình nhiều thế hệ có từ trước tới nay. Điều này làm cho các bữa cơm gia đình đang ngày càng trở nên tẻ nhạt, thiếu đi sự quan tâm chăm sóc cho nhau, không những về mặt vật chất mà cả về tinh thần.

Chúng ta ngày càng gắn liền với những công việc bề bộn, kèm theo đó là những bữa cơm công sở, làm cho bữa cơm gia đình không thể đông đủ. Các thành viên trong gia đình ít có thời giờ gặp gỡ nhau. Có khi cha mẹ ở nhà thì con cái đi học, đi làm; còn lúc con cái ở nhà thì ba mẹ đi làm, đi buôn bán chưa về. Do đó, bữa cơm gia đình đang dần bị phá vỡ và mai một dần dần.

Mặc dù, cũng còn khá nhiều gia đình vẫn duy trì được truyền thống ăn cơm chung, nhưng tiếc rằng, bữa cơm gia đình ngày nay không còn đầm ấm, không còn “no đủ tình người” như ngày xưa nữa. Bởi vì mặc dù ăn cơm chung, nhưng nhiều người phải ăn vội ăn vàng, ăn tranh thủ. Mỗi người đều có những bận rộn riêng làm cho sinh hoạt gia đình bị thụ động, không còn thoải mái và đánh mất bầu khí trò chuyện thân tình với nhau. Bữa cơm trở thành một cái gì đó mơ hồ, như là sự cố gắng duy trì một tập tục lâu đời của… gia đình…

Cùng với sự phát triển của thời đại, bữa cơm gia đình đơn giản hoá là xu thế lớn. Nhưng, theo Mẫn Linh, miễn là chúng ta vẫn giữ truyền thống có những bữa cơm gia đình với sự góp mặt của nhiều thế hệ vào những ngày lễ tết quan trọng thì cũng có thể coi là một sự kế thừa, bởi vì ta không thể yêu cầu mỗi bữa cơm đều “đầm ấm”, đông đủ, phải không?

Nói đến văn hóa bữa cơm, nếu được người Trung Quốc mời đến nhà hoặc nhà hàng ăn cơm, bạn sẽ thấy “lễ nghi” bữa ăn của người Trung Quốc rất thú vị và đầy ý nghĩa. Trong phần cuối chương trình, Mẫn Linh xin giới thiệu sơ qua với các bạn lễ nghi bữa cơm của người Trung Quốc.

Tại bữa ăn, người Trung Quốc hết sức coi trọng cụm từ “tôn trọng”. Tôn trọng trưởng lão, thầy cô hoặc khách quý. Người Trung Quốc hết sức chú trọng hiếu đạo, thường xuyên đưa món ngon nhất cho bậc cha ông thưởng thức trước. Trước khi bắt đầu bữa cơm, chủ nhà sẽ hàn huyên vài câu với khách mời, khách mời chỉ khi nào nghe thấy “xin mời”, “cứ tự nhiên” mới có thể bắt đầu dùng cơm. Chủ nhà thường đặt món chính ở giữa bàn, các món khác được bày xung quanh món chính. Thông thường món chính sẽ hướng về khách mời hoặc bậc cha ông. Về thứ tự chỗ ngồi, nói chung xếp theo nguyên tắc “hướng về cửa là chỗ ngồi bậc cao nhất”. Nếu là bàn tròn thì khách chính ngồi đối diện cửa. Nói chung, người Trung Quốc cũng giống người Việt Nam, phải “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”.

 

 

 

 

Biên tập viên:Mẫn Linh
Lựa chọn phương thức đăng nhập