Nhiều du khách nước ngoài tới thăm Bắc Kinh hay mua tết dây Trung Quốc về làm quà lưu niệm. Vâng, quả thật, nếu có bạn hỏi Mẫn Linh mua gì để làm quà thì tết dây Trung Quốc là một trong những lựa chọn khá lý tưởng. Tết dây Trung Quốc là đồ thủ công mỹ nghệ truyền thống, sắc màu đỏ rực đã trao cho nó ngụ ý tốt lành, có thể treo trong nhà hoặc ô tô. Tết dây Trung Quốc có to có nhỏ, phối hợp với các đồ trang sức khác, chắc chắn có một kiểu khiến bạn hài lòng. Trong chương trình hôm nay, chúng ta cùng tìm hiểu tết dây Trung Quốc qua bài viết “Thắt nút dây – nét văn hoá từ những điều giản dị” của bạn Phùng Thông, lưu học sinh Việt Nam tại Đại học Dân Tộc Quảng Tây, Trung Quốc.
Nút dây Trung Hoa hay Thắt dây Trung Hoa, tết dây Trung Hoa, là một loại hình nghệ thuật thủ công dân gian truyền thống Trung Quốc cổ xưa. Nó được xác định xuất hiện từ thời văn minh tiền cổ, sau này được phổ biến rộng rãi ở thời nhà Đường, Minh. Nghệ thuật thắt nút dây trải qua bề dày lịch sử, tiếp tục phát triển tới ngày nay với những nét đặc biệt độc đáo.
Trong năm ngàn năm lịch sử Trung Hoa, thắt nút dây được cho là cùng với sự xuất hiện của lịch sử loài người. Các nhà nghiên cứu lịch sử cho rằng, nó có nguồn gốc từ thời cổ xưa, từ thời mà chưa có văn tự chữ viết.
Thuận theo sự phát triển của con người, thắt nút dây dần trở nên phổ biến và trở thành đồ trang trí thủ công dân gian ở Trung Quốc. Nó không chỉ là biểu hiện của trí tuệ con người thời cổ xưa dùng thắt nút dây với vai trò thay thế cho chữ viết, mà còn chiếm vị trí quan trọng trong lĩnh vực nghệ thuật và thẩm mĩ.
Trong tiếng Hán, cách phát âm của hai chữ “绳-Shéng: Có nghĩa là dây và “神 shén: có nghĩa là ‘Thần”; gần giống nhau, nên sợi dây được xem là biểu tượng thiêng liêng của thần thánh. Thời kỳ đầu của giai đoạn hình thành văn hóa của người Trung Quốc cổ đại, người ta rất coi trọng sợi dây. Trước tiên nó biểu tượng cho mối liên hệ mật thiết, tinh thần đoàn kết, sau đó người ta coi sợi dây như hình tượng của con rồng uốn lượn. Người Trung Quốc coi mình là con cháu của rồng. Có lẽ vì vậy mà thời kỳ tiền sử, người cổ đại rất sùng bái sợi dây, họ dùng nó như một dạng ký tự thay cho chữ viết để ghi nhớ sự việc.
Mặt khác cách phát âm của 2 từ: 结- jié có nghĩa là nút và 吉:jí nghĩa là cát (tường) gần giống nhau. Thể hiện cho sức mạnh và sự hài hòa, cho những cảm xúc thân mật và gần gũi giữa con người. Đồng thời mang theo hàm ý cho mong muốn hưng vượng, bình an, tài lộc và an khang.
Theo như ghi chép lịch sử từ Thập tam kinh chú sớ có ghi lại: “Thời thượng cổ kết nút thừng để trị an, thánh nhân đời sau thay bằng thư khế, bách quan dùng đó để trị an, nhân dân dùng đó để làm luật cứ đối chiếu, từ đó mà quyết định các việc.” Như vậy thắt nút dây của người Trung Hoa cổ đại bắt nguồn từ thời cổ xưa, ở thời mà chưa có văn tự chữ viết, để ghi nhớ sự việc, người ta thắt nút khác nhau trên sợi dây cho dễ nhớ, việc lớn thắt nút lớn, việc nhỏ thì thắt nút nhỏ.
Trong cuốn ‘‘Chu Dịch chính nghĩa” dẫn thuyết do Ngô Trịnh Cửu dịch: “Thời cổ không có văn tự, khi có việc ước thệ, việc lớn thắt nút thừng lớn, việc nhỏ thắt nút thừng nhỏ, số lượng tuỳ theo sự việc nhiều ít, nhất nhất đều dựa vào đó để làm bằng cứ, cũng đủ để trị an”.
Từ việc thắt nút dây để ghi nhớ sự việc khi chưa có chữ viết, sau đó con người tiếp tục trải qua hành trình phát triển cùng lịch sử, sáng tạo ra chữ viết. Có văn tự để sử dụng thay vì thắt nút dây. Lúc này người tiền sử đã dùng việc thắt nút dây làm khuy cài áo trên trang phục. Họ lấy xương thú làm kim. Dần dần sự sáng tạo từ đồ dùng thực dụng thuần túy như: kiệu, rèm, móc màn…trở thành đồ trang trí rồi sau người ta dùng nó làm biểu tượng cho điềm lành vào những ngày tết, hay những việc hỉ sự trọng đại.
Trải qua quá trình lịch sử lâu dài, dần dần việc thắt nút dây không đơn thuần như mục đích ban đầu. Nó được hoàn thiện và mang theo vẻ đẹp độc đáo. Đến nhà Thanh, nút dây đã phát triển đến một mức độ rất cao, kiểu loại và chức năng phong phú đa dạng, làm cho nút dây từ đồ trang trí nâng cấp thành đồ mĩ nghệ.
Nguyên liệu chính dùng trong thắt nút dây của người Trung Quốc là các loại dây gồm lụa, bông, gai, ni lông, sợi pha trộn, v.v.. Đặc điểm lớn nhất của thắt nút dây là từ đầu đến cuối đều được thực hiện trên một sợi dây, cách thắt nút dây phải tuân theo quy luật riêng tùy theo hình dạng và ngụ ý sử dụng nó.
Người Trung Hoa cổ xưa chuộng ngọc, những đồ vật thanh nhã như ngọc bích thường đi kèm với một chuỗi dây được bện tết rất đẹp, sự phối hợp màu sắc hài hoà giúp tôn lên vẻ đẹp của miếng ngọc, khiến miếng ngọc trở nên tươi sáng lộng lẫy hơn. Họ thường sử dụng những sợi dây cùng với sự kết hợp màu sắc hài hòa để làm nổi bật lên đồ vật cần trang trí và toát lên được ngụ ý thâm sâu của mỗi món đồ.
Trong khi chọn dây phải chú ý sự kết hợp của màu sắc, tết dây cho những đồ vật cổ xưa và thanh nhã như ngọc bích phải chọn dây với màu sắc khá hàm súc như màu cà phê hoặc màu xanh đậm, trong khi tết dây cho những đồ vật với màu sắc đậm và đơn điệu, nếu thêm một số ít sợi dây nhỏ với màu sắc tươi sáng như màu vàng, bạc hoặc màu đỏ tươi sẽ ngay lập tức làm cho cả đồ vật sống động như thật, tươi sáng lộng lẫy.
Ngoài việc sử dụng dây ra, trên tết dây luôn gắn một số ngọc hình tròn và ống cũng như một số đồ trang trí để làm hạt như các loại đá ngọc, vàng bạc, gồm sứ, pháp lam, v.v... Sợi dây muôn màu các loại có thể dùng để làm nhiều tết dây Trung Quốc với hình dạng và ngụ ý khác nhau.
Thắt nút dây của người Trung Hoa không chỉ là thể hiện trí tuệ của người tiền cổ, mà nó còn là một loại hình nghệ thuật mang tính biểu cảm rất lớn. Do vậy mà mỗi dịp Xuân về, hay những sự kiện hoan hỉ trọng đại, người Trung Quốc luôn treo trong nhà những mảnh dây được bện tết rất đẹp và trang nhã dùng để trang trí hay làm quà tặng cho người thân và bạn bè. Những hình dạng tinh xảo thể hiện sự khéo léo của đôi bàn tay và ý tứ thâm sâu của người làm ra nó là thước đo cho hàm ý cầu mong bình an và tốt lành ẩn chứa bên trong.
Trải qua nhiều lần thay đổi của lịch sử, sản phẩm tết dây nho nhỏ đã không còn là kỹ xảo lúc may vá trang phục. Trong những thăng trầm của lịch sử, kết Trung Quốc đã thẩm thấu tinh túy văn hóa đặc thù của dân tộc Trung Hoa. Ngày nay, theo người Trung Quốc, kết Trung Quốc tượng trưng cho sự đoàn kết, thuận lợi, bình an. Nó đã truyền tải và kế thừa nét hài hòa, sôi nổi và thịnh vượng của dân tộc Trung Hoa.