Trung Quốc đang thúc đẩy một cách có trật tự học sinh, sinh viên đi học trở lại. Mặc dù không được đến trường, nhưng các bạn lưu học sinh Việt Nam đang theo học trực tuyến một cách bài bản. Trong chương trình hôm nay, Mẫn Linh sẽ chia sẻ với các bạn bài viết của bạn Lê Thị Thu Hoài, lưu học sinh Việt Nam tại Học viện Ngoại ngữ số 2 Bắc Kinh về cảm nhận du học mang tên “Bắc Kinh – một phần thanh xuân” viết cách đây hai năm. Sau đó, Mẫn Linh sẽ kết nối với bạn Thu Hoài qua điện thoại, nghe những đổi thay tâm trạng sau hai năm của bạn Hoài.
Ngày 25 tháng 5 năm 2018
Vậy mà cũng tám tháng trôi qua, tám tháng kể từ khi tôi đặt chân đến Bắc Kinh, tám tháng tôi bước trên con đường mang tên du học, tám tháng xa nhà.
Với một cô gái tự lập từ nhỏ, đi học xa nhà từ cấp ba, lên đại học một năm cũng chỉ về nhà hai lần vào dịp Tết và dịp nghỉ hè, tôi đã từng nghĩ khi sang một đất nước mới, không quá xa Việt Nam, văn hóa cũng không quá khác biệt như Trung Quốc đối với tôi không phải là việc quá khó khăn, hơn nữa tôi cũng có thể về nhà vào dịp nghỉ Tết hoặc kỳ nghỉ hè. Nhưng lúc đến sân bay, khi mẹ dặn dò tôi những điều mẹ đã dặn nhiều lần trước đó, tôi mới chợt nhận ra mình sắp bước vào một thế giới mới, hoàn toàn xa lạ, đó cũng là lúc tôi cảm thấy mình thật bé nhỏ, trong lòng có gì đó cay cay, khoé mắt chỉ chờ chực khóc nấc lên...
Ngày hôm đấy tầm 4 giờ chiều, tôi đến Bắc Kinh. Với vốn tiếng Trung bập bẹ, chật vật mãi tôi cũng nói được với chú tài xế taxi nơi tôi muốn đến - Học viện Ngoại ngữ số 2 Bắc Kinh. Cô gái nhỏ với hai vali hành lý lòng vòng quanh trường tìm ký túc xá lưu học sinh. Lúc không để ý kỹ tôi đã đi qua luôn ký túc xá, chợt nghe tiếng một bạn nam – cậu bạn cũng vừa mới tới mà sau này được mệnh danh là “cậu bạn quốc dân” (bởi trong trường chắc không ai không biết về cậu ấy cùng sự nhiệt tình, thân thiện của mình) đến từ đất nước Panama lên tiếng hỏi giúp đỡ và hướng dẫn đăng ký ký túc xá. Đến ký túc xá rồi, tôi chẳng biết làm sao để liên lạc cho gia đình, cho bố mẹ yên tâm, may sao lúc đi mua đồ ăn tối tôi đã nhờ được điện thoại của cô bán hàng và gọi về nhà.
Dần dần, được anh chị và các bạn lưu học sinh Việt Nam nơi đây giúp đỡ, lên lớp giao lưu với thầy cô, bạn bè, bắt đầu tham gia các hoạt động ngoại khóa do trường tổ chức cũng như các hoạt động của Hội lưu học sinh Việt Nam tại Bắc Kinh, tôi cũng dần quen với cuộc sống ở nơi đây, những khó khăn cũng vì thế mà dần vơi đi.
Tôi tới Bắc Kinh đúng lúc trời vào thu - mùa ngắn nhất trong năm. Thiên nhiên được khoác lên mình tấm áo mới, yên bình mà không kém phần lộng lẫy, sang trọng. Sang thu, không khí Bắc Kinh thật mát mẻ và dễ chịu, khung cảnh đẹp đến ngỡ ngàng, lá cây trên đường phố Bắc Kinh bắt đầu ngả sắc, từ xanh sang vàng. Trên cây là những tán lá vàng rợp, dưới đất là những thảm lá vàng, trải ngập cả lối đi (lúc vừa sang tôi có một chút thất vọng khi cứ tưởng mùa thu Bắc Kinh không có lá vàng như tôi từng tưởng tượng, nhưng thiên nhiên khung cảnh nơi đây đã không phụ lòng tôi). Gió lùa qua hàng cây bên đường, lá thu xào xạc, hơi thu lẩn khuất trên từng con phố, khiến lòng người lâng lâng khó tả. Nếu nhắc đến mùa thu Việt Nam, người ta hay nhắc đến hương hoa sữa nồng nàn trên những dãy phố Hà Nội, thì với Bắc Kinh chính là những hàng ngân hạnh với những tán lá vàng rực trở nên lấp lánh dưới ánh mặt trời. Công viên Triều Dương là một trong những điểm đến đáng cân nhắc khi bạn muốn đắm mình trong sắc thu của Bắc Kinh. Phong cảnh đẹp khiến tâm trạng con người cũng phấn chấn hẳn lên, nỗi nhớ nhà trong tôi vì thế cũng dần vơi đi ít nhiều…
Khi những chiếc lá vàng cuối cùng lìa cành là lúc gió mùa Đông Bắc ùa về, báo hiệu mùa đông đã đến. Đến từ một quốc gia nhiệt đới, khi đến với Bắc Kinh chắc hẳn ai cũng sẽ thấy “sốc” khi nhiệt độ chỉ còn âm dưới 10 độ, gió rít đến tê dại, đau buốt chân tay. Và với tôi, tôi phải mất vài tuần mới bắt đầu dần thích nghi được. Nhắc đến mùa đông nơi đây không thể không nhắc đến sự khô hanh, cái khô hanh khiến con người phải sợ hãi.
Đi ra đường, tôi chỉ dám chừa hai con mắt ra để… nhìn đường. Nhưng mùa đông Bắc Kinh cũng có vẻ đẹp riêng của nó. Đối với những người lãng mạn hay những du học sinh đến từ những đất nước chưa từng thấy tuyết rơi sẽ háo hức chờ đợi để tận mắt ngắm nhìn trận tuyết đầu mùa. Những thân cây già trơ trụi giữa nền tuyết trắng xóa khiến tôi liên tưởng đến những cánh rừng của mụ phù thủy trong các câu chuyện cổ tích. Kỷ niệm đáng nhớ nhất mùa đông đầu tiên của tôi ở Bắc Kinh có lẽ là lần trượt băng cùng các bạn ở Hậu Hải rồi sau đó lần lượt thay nhau ốm, sốt… vì nhiễm lạnh.
Trong tiết trời đông giá rét thì lẩu và đồ nướng chính là sự lựa chọn hoàn hảo. Ngồi trong những của hàng ăn khuya trong khi ngoài đường phố lất phất mưa bay, vừa hít hà vị cay tê nơi đầu lưỡi, vừa quây quần hàn huyên với bạn bè – một sự ấm áp hiếm có cho những người xa quê như chúng tôi. Hoặc bình dân hơn, có thể tấp vào những xe đẩy bán khoai nướng, hạt dẻ, bắp luộc… đang bốc khói nghi ngút, chọn mua cái gì đó để tạm xua tan đi cái giá lạnh…Mùa đông cứ thế trôi đi một cách êm đềm.
Rồi mùa xuân ấm áp, thi thoảng còn vương chút lạnh của mùa đông với những cánh hoa đào cũng vội vã trôi đi để đón một mùa hè rộn rã, với những con đường đầy hoa, với những kế hoạch thi cử.
Chỉ còn hơn một tháng nữa thôi là kỳ nghỉ hè bắt đầu, nghĩ đến đấy thôi chắc hẳn không chỉ tôi mà tất cả các bạn lưu học sinh chắc ai cũng rạo rực, mong muốn được nhanh trở về nhà, với những bữa cơm gia đình đầm ấm, với những kế hoạch của kỳ nghỉ hè có bạn thân, có gia đình trong đó.
Các bạn vừa nghe là cảm nhận khi mới đến Bắc Kinh du học của bạn Lê Thị Thu Hoài, lưu học sinh tại Học viện Ngoại ngữ số 2. Vậy, hiện 2 năm đã trôi qua, bạn Hoài đã là lưu học sinh “lão luyện”, tâm trạng hiện nay có khác gì so với hai năm trước? Theo bạn Hoài, Điều đáng trải nghiệm nhất khi du học tại Bắc Kinh là gì? Mang theo những câu hỏi này, Mẫn Linh sẽ kết nối với bạn Hoài qua điện thoại.
...