40 năm trước, cuộc sống của người Trung Quốc khó khăn và đơn giản, đâu đâu cũng là kiểu cách ăn mặc đơn giản với “màu tro, màu xanh và màu xanh lam”, đầu tóc cũng là một kiểu duy nhất, trang điểm mộc mạc, cuộc sống người dân có mua có bán, nhưng không có quảng cáo. Năm 1979, một nhóm người mẫu mang tên “Pierre Cardin” đã tổ chức Hội triển lãm thời trang tại Bắc Kinh, mang đến màu sắc mới cho Trung Quốc khi đó đang tràn ngập bởi “màu tro, màu xanh và màu xanh lam”, cũng đúng vào năm đó, Trung Quốc đã xuất hiện đoạn phim quảng cáo đầu tiên sau khi ban hành chính sách cải cách mở cửa. 40 năm qua, trong xã hội đương đại thị trường hoá, thông tin hoá cao độ hiện nay, quảng cáo đã xuất hiện khắp nơi như ô-xy và nước, thấm nhuần vào các lĩnh vực trong đời sống người dân Trung Quốc, trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại. Trong chương trình Trung Quốc ngày nay kỳ này, chúng ta cùng nhìn lại chặng đường lịch sử 40 năm của ngành quảng cáo Trung Quốc, cùng chứng kiến sự thay đổi long trời lở đất trong 40 năm qua của đất nước Trung Quốc.
Người dân Trung Quốc trong đầu thập niên 80
Tháng 1 năm 1979, trên truyền hình đã xuất hiện hình ảnh một vài bạn trẻ mang chai rượu thuốc đến thăm bố mẹ, ngập tràn tiếng cười vui, rất nhiều khán giả tưởng đó là một bản tin. Sau đó, loại rượu thuốc này đã bán chạy trong tất cả các cửa hàng tại Thượng Hải. Đây là đoạn phim quảng cáo trên truyền hình đầu tiên của Trung Quốc. Chính vào năm đó, quảng cáo trên truyền hình Trung Quốc chính thức đi vào cuộc sống của người dân. Nhà thiết kế đoạn quảng cáo trên Lệ Thế Lương, nguyên nhân viên của Công ty quảng cáo Thượng Hải giới thiệu đoạn quảng cáo này cho biết:
“Đoạn quảng cáo này dài khoảng một phút rưỡi, trong ký ức của mấy người chúng tôi, theo nội dung của quảng cáo, chúng tôi đã viết bốn đoạn. Một là cảnh mua rượu Sâm Quế Dưỡng Dung, hai là cảnh họ đi đến nhà bố mẹ, ba là cảnh trong nhà bố mẹ, cuối cùng là cụ ông cầm chai rượu rất vui mừng”.
Tranh ảnh về đoạn phim quảng cáo trên truyền hình đầu tiên của Trung Quốc---Rượu Sâm Quế Dưỡng Dung
Sau khi phát sóng trên truyền hình, đã gâytiếng vang rộng khắp trong xã hội, Viện trưởng Học viện Quảng cáo Trường Đại học Truyền thông Trung Quốc Đinh Tuấn Kiệt đã kể lại tình hình hồi đó cho biết:
Viện trưởng Học viện Quảng cáo Trường Đại học Truyền thông Trung Quốc Đinh Tuấn Kiệt
“Khi phát quảng cáo, khán giả tập trung tinh thần như chúng ta xem một trận đấu bóng đá Cúp châu Âu, hay là trận chung kết giải bóng đá thế giới hiện nay, chờ đợi sự xuất hiện của vài chục giây quảng cáo một cách hết sức tập trung. Kể từ khi bắt đầu khôi phục từ năm 1979 đến nay, quá trình phát triển của quảng cáo Trung Quốc cũng đi cùng với công cuộc cải cách mở cửa của Trung Quốc. Trung Quốc có sự mở cửa thế nào thì có loại quảng cáo thế đó”.
Các tem phiếu trong thời kỳ bao cấp Trung Quốc
Trong thời kỳ đầu cải cách mở cửa, do tình hình khan hiếm hàng hoá, phân phối vật tư theo kế hoạch từng tồn tại lâu dài trong đời sống của người dân. Nhà nào cũng đều chạy theo mua đủ “bốn món hàng lớn”. Cái gọi là “bốn món hàng lớn”, cũng gọi là “ba quay một kêu”, là một danh từ trong cuối thập niên 50 của thế kỷ 20 ở Trung Quốc, chỉ 4 sản phẩm mà nhà nước hồi đó có năng lực sản xuất mà mỗi gia đình đều mong muốn có được, đó là: ra-đi-ô, xe đạp, máy khâu và đồng hồ đeo tay. Trong đầu thập niên 80, giá của một chiếc đồng hồ đeo tay tương đương vài tháng lương, nhưng vẫn có nhiều người khát khao ước mơ có được một chiếc. Đoạn phim quảng cáo đồng hồ đeo tay thương hiệu Kim cương có hình ảnh Tôn Ngộ Không đánh đồng hồ kim cương đã để lại ấn tượng sâu sắc cho mọi người khi đó.
Đoạn phim quảng cáo đồng hồ đeo tay thương hiệu Kim cương
Quảng cáo và tình hình bán chạy của các sản phẩm do quảng cáo tạo nên đã khiến người Trung Quốc có một bài học kinh tế thị trường sinh động. Không những phải làm tốt, mà còn phải quảng cáo rầm rộ. Trên báo giấy, phát thanh, đầu đường cuối phố, v.v., quảng cáo đã xuất hiện khắp nơi tại Trung Quốc, mục đích chỉ có một, đó là thú hút sự chú ý của mọi người, những hình thức quảng cáo này, hiện nay nhìn lại cảm thấy rất đơn giản thô sơ, nhưng đây là tín hiệu mở cửa của Trung Quốc. Các trang phục lòe loẹt nhiều màu sắc, sản phẩm tinh xảo, đồ điện đa dạng, v.v., chính là mô hình “cuộc sống hiện đại” trong lòng người dân Trung Quốc năm đó. Lúc đó, quảng cáo đã đóng vai trò hết sức quan trọng cho cải thiện đời sống của người dân Trung Quốc. Giám đốc Nhà Bảo tàng Quảng cáo Trung Quốc Hoàng Thăng Dân cho biết:
Giám đốc Nhà Bảo tàng Quảng cáo Trung Quốc Hoàng Thăng Dân
Nhà Bảo tàng Quảng cáo Trung Quốc
“Trung Quốc đã từ thời đại cực kỳ khan hiếm vật chất đến thời đại sử dụng tem phiếu lương thực và đến hiện nay, quảng cáo đã mở ra một cửa sổ cho người dân hồi đó, từ đó đã kích thích nhu cầu và mong muốn của người dân, người dân đã bước vào thời đại tiêu dùng, tiêu dùng đã hỗ trợ sự chuyển đổi và phát triển của kinh tế, hình thành sự tuần hoàn tốt đẹp, lúc này, quảng cáo đã lập công. Tôi luôn tin tưởng rằng, có thể nhìn thấy lý tưởng của đất nước thông qua quảng cáo, đây là niềm tin to lớn. Quảng cáo là người truyền tải thông tin, là người hướng dẫn tiêu dùng, quảng cáo đã đóng vai trò tích cực trong sáng tạo tiêu dùng”.
Quầy bán đồng hồ đeo tay trên phố Vương Phủ Tỉnh Bắc Kinh trong cuối thập niên 80 thế kỷ trước
Cùng với sự trôi qua của thời gian và biến đổi của thời đại, “4 món hàng lớn” mà người dân Trung Quốc theo đuổi cũng dần dần thay đổi. Phố thương mại Vương Phủ Tỉnh vốn được mệnh danh làcon phố vàng tại Bắc Kinh được gọi là “cửa sổ” của thủ đô, các sản phẩm mới nhất được tung ra thị trường tại Bắc Kinh sẽ được bày bán trên con phố thương mại này sớm nhất. Cụ Hàn Thanh Niên vốn là nhân viên bán hàng trên phố Vương Phủ Tỉnh nhiều năm từ cuối thập niên 70, cụ đã chứng kiến sự biến đổi tiêu dùng của vài thế hệ người Trung Quốc. Cụ nói:
Ảnh chụp chung với các bạn đồng nghiệp của ông Hàn Thanh Niên ̣(người đứng bên phải) vào đầu thập niên 90 của thế kỷ trước
“Hồi thập niên 70, người dân đến Vương Phủ Tỉnh đều thích mua ‘4 món hàng lớn’, tức ra-đi-ô, xe đạp, máy khâu và đồng hồ đeo tay; đến thập niên 80, lại có ‘4 món hàng lớn mới’ như ti-vi, tủ lạnh, máy giặt và ra-đi-ô, nhưng lúc này muốn mua những món hàng đó thì vẫn phải cần đến tem phiếu, sau thập niên 90, đời sống vật chất của người dân phong phú hẳn lên. Tôi còn nhớ hồi tôi còn đi làm, mỗi khi tung ra một sản phẩm mới, quầy kính hai bên phố Vương Phủ Tỉnh sẽ thu hút rất nhiều người đến xem, người đông như kiến. Người dân hiện nay không cần như vậy, chẳng cần ra khỏi nhà, chỉ cần bấm tay trên màn hình điện thoại di động hay máy tính, tất cả các sản phẩm phong phú đa dạng khắp thế giới sẽ được chuyển phát nhanh đến tận nhà. Thời đại hiện nay thật là phát triển”.
Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển ổn định của kinh tế vĩ mô của Trung Quốc, cũng như sự phát triển nhanh chóng của thông tin di động, mạng In-tơ-nét, mạng xã hội, v.v, ngành quảng cáo đã bước vào thời kỳ phát triển bừng bừng, tổng kim ngạch kinh doanh của ngành quảng cáo Trung Quốc năm 2018 đã lên tới 689 tỷ 641 triệu Nhân dân tệ. Tại Trung Quốc hiện nay, ngành quảng cáo đã tập trung cả nhân viên bán hàng, giáo viên, bác sỹ, cố vấn đầu tư, nhà tâm lý học, v.v, có thể cung cấp dịch vụ hướng dẫn toàn diện về cuộc sống cho người dân. Tổng kim ngạch tiêu dùng của người Trung Quốc tăng theo từng năm, đằng sau sự tăng lên của con số này đã phản ánh ý muốn tiêu dùng của người dân Trung Quốc đã tăng mạnh, chất lượng tiêu dùng được nâng cao, quảng cáo đã đóng vai trò thúc đẩy quan trọng trong đó.
Thành phố hiện đại của Trung Quốc hiện nay
Quảng cáo như một tấm gương, phản ánh bộ mặt của thời đại, thăng trầm ngành nghề và triển vọng cuộc sống mới. Quảng cáo xuất hiện khắp nơi, có buôn bán cũng có sự dịu dàng, có cơ hội cũng có cạm bẫy, chúng ta yêu quảng cáo, ghét quảng cáo, trốn tránh quảng cáo, ỷ lại quảng cáo. Trong 40 năm qua, ngành quảng cáo đã thay đổi cuộc sống của người dân Trung Quốc, đồng thời cũng chứng kiến sự biến đổi của thời đại cho cuộc sống người dân Trung Quốc do cải cách mở cửa mang lại.