Trung Quốc và Việt Nam là hai quốc gia có nền nông nghiệp với nhiều nét tương đồng. Lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước, hai Chính phủ. Đây là những điều kiện cơ bản thúc đẩy các hoạt động hợp tác song phương sâu rộng. Đáng chú ý, cung ứng và sản xuất phân bón là một trong những lĩnh vực hợp tác truyền thống giữa Trung Quốc và Việt Nam, trong bối cảnh mới lại càng giàu tiềm năng, hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích cho cả hai phía.
Trả lời phỏng vấn của Đài chúng tôi, TS. Phùng Hà - Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, Việt Nam vẫn giữ sự hợp tác truyền thống với Trung Quốc trong lĩnh vực phân bón hóa học thông qua việc nhập khẩu các loại phân bón mà Việt Nam chưa sản xuất được hoặc các loại phân bón thế hệ mới, phân bón đa chức năng thích ứng với giảm khí phát thải nhà kính, chống biến đổi khí hậu.
TS. Phùng Hà, Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam
“Bên cạnh đó, nhằm thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững, nông nghiệp xanh, Việt Nam sẽ tăng cường hợp tác với Trung Quốc trong việc sản xuất và phân phối phân bón hữu cơ, nhằm giảm lượng phân bón hóa học theo chủ trương của Chính phủ Việt Nam với các mục tiêu cụ thể đã được đề ra trong Đề án phát triển sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050,” TS. Phùng Hà nói, khẳng định Trung Quốc còn được xem là đối tác chiến lược với nền nông nghiệp Việt Nam nhờ vào những thành tựu nổi bật trong việc áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp.
Vị chuyên gia đánh giá, hiện nay, hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực phân bón đang ngày càng đi vào chiều sâu. Hiệp hội Phân bón Việt Nam đã có quan hệ hợp tác với Phòng Thương mại Nông nghiệp Trung Quốc - ASEAN, Liên minh các hợp tác xã vật tư nông nghiệp Trung Quốc, Hiệp hội Phân bón chứa lân toàn Trung Quốc,…
Trung Quốc là quốc gia sản xuất và tiêu thụ phân bón hóa học số 1 trên thế giới, tính về xuất khẩu, có sự thay đổi nhất định trong từng năm nhưng Trung Quốc luôn nằm trong nhóm 3 nước xuất khẩu phân bón lớn nhất thế giới. Thí dụ năm 2022, Trung Quốc sản xuất tới gần 56 triệu tấn phân bón các loại. Hiện nay Việt Nam đã hoàn toàn tự chủ trong việc sản xuất nhiều loại phân bón như đạm urea, phân bón chứa lân, phân NPK, một tỷ lệ nhất định phân DAP nhưng do một số chủng loại phân bón chưa sản xuất được, nên hàng năm vẫn phải nhập khẩu khoảng 4 triệu tấn. Trong đó, nguồn cung từ Trung Quốc chiếm 40% - 50% tổng lượng, thí dụ năm 2023, lượng phân bón nhập khẩu của Việt Nam đạt gần 4,12 triệu tấn, trị giá trên 1,4 tỷ USD, lượng phân bón nhập khẩu đạt 2,4 triệu tấn (trên 50%), tương đương trên 660 triệu USD. Ngoài ra Việt Nam cũng nhập khẩu nhiều hóa chất, trong đó có hóa chất cho ngành phân bón, lượng hoá chất nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm khoảng 30-35% tổng kim ngạch nhập khẩu của nhóm hàng này.
Hàng năm Trung Quốc tổ chức nhiều sự kiện hội chợ, triển lãm về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, vật tư nông nghiệp,…tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, đại diện phía Trung Quốc là Ủy ban xúc tiến mậu dịch quốc tế Trung Quốc – Phân hội hóa chất CCPIT CHEM, Hiệp hội công nghiệp thuốc bảo vệ thực vật Trung Quốc CCPIA, … cùng với các công ty VIETFAIR, Minh Vi,… phối hợp với Hiệp hội Phân bón Việt Nam, Hiệp hội Sản xuất và Kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật tổ chức. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng tham gia các hội chợ, triển lãm về hóa nông tại Trung Quốc như triển lãm Phân bón quốc tế, thiết bị hóa nông quốc tế Trung Quốc tổ chức tại Thượng Hải (FSHOW, CAC Shanghai)…
Theo TS. Phùng Hà, hai nước đều có chủ trương phát triển nông nghiệp bền vững, thể hiện qua định hướng giảm lượng phân bón hóa học, tăng tỷ trọng phân bón hữu cơ sử dụng trong sản xuất. Điều này cũng tạo ra nhiều cơ hội hợp tác song phương trong thời gian tới.
Nhằm xây dựng nền nông nghiệp bền vững, nông nghiệp xanh có trách nhiệm, theo hướng tuần hoàn và tăng trưởng xanh, giảm phát thải khí nhà kính, góp phần chống biến đổi khí hậu, thực hiện Net Zero vào năm 2050, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đã phê duyệt Đề án phát triển sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050. Mục tiêu của Đề án như sau: nâng tỉ lệ sử dụng phân bón hữu cơ lên ít nhất 30% vào năm 2030; diện tích trồng trọt có sử dụng phân bón hữu cơ chiếm 50%; 80% số tỉnh, thành phố xây dựng được mô hình sử dụng phân bón hữu cơ gắn với chuỗi giá trị đối với các sản phẩm chủ lực, đặc sản có lợi thế của địa phương; 100% nguồn nguyên liệu sẵn có từ trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, rác thải sinh hoạt… được sử dụng làm phân bón hữu cơ trong cả quy mô nông hộ và sản xuất công nghiệp. Gần đây nhất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam vừa triển khai Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh”, Dự án dự kiến giảm lượng lúa giống gieo sạ xuống dưới 70kg/ha, giảm 30% lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, giảm 20% lượng nước tưới so với canh tác truyền thống”.
Được biết thời gian gần đây, Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra một loạt các quy định và chính sách để xây dựng nền văn minh sinh thái, chiến lược phục hồi nông thôn, v.v. Những quy định này rất phù hợp với những ý tưởng và khái niệm cơ bản về canh tác hữu cơ. Việc phát triển nông nghiệp hữu cơ cũng được chính quyền địa phương quan tâm thông qua các ưu đãi để khuyến khích các nhà sản xuất chuyển sang canh tác hữu cơ. Những yếu tố này đã góp phần thúc đẩy thị trường phân bón hữu cơ của Trung Quốc. Tổng diện tích trồng trọt hữu cơ của Trung Quốc đã tăng từ 1,9 triệu ha năm 2017 lên 2,5 triệu ha năm 2022. Quy mô thị trường phân bón hữu cơ của Trung Quốc ước tính đạt 3,22 tỷ USD vào năm 2024 và dự kiến sẽ đạt 5,19 tỷ USD vào năm 2029, tăng trưởng với tốc độ CAGR là 10,05% trong giai đoạn dự báo (2024-2029).
“Việc phát triển mạnh phân bón hữu cơ tại Trung Quốc sẽ đẩy mạnh xu thế hợp tác giữa ngành phân bón hai nước nói chung và phân bón hữu cơ nói riêng,” vị chuyên gia nhận định.
Gần đây nhất, ngày 21 tháng 8 năm 2024, Hiệp hội Công nghệ Nông nghiệp Trung Quốc mở rộng (ChinaAgro-Technological Extension Association, viết tắt là CATEA), Tạp chí Thị trường và Vật tư nông nghiệp (Việt Nam), cùng hàng chục doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong đó có rất nhiều doanh nghiệp phân bón hữu cơ đến từ các tỉnh, thành của Trung Quốc đã phối hợp với Hiệp hội Phân bón Việt Nam tổ chức hội thảo nhằm giới thiệu tiềm năng và khả năng hợp tác với Việt Nam trong việc, trước mắt cung ứng phân bón hữu cơ, sau đấy là hợp tác xây dựng nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ tại Việt Nam.
Thời gian vừa qua, Trung Quốc đã tiến hành một số đổi mới nhằm hiện đại hóa nông nghiệp, nâng cao hiệu quả và đảm bảo an ninh lương thực cho dân số lớn của quốc gia. TS. Phùng Hà đánh giá, Trung Quốc đã có những bước tiến đáng kể trong việc tích hợp công nghệ cao vào nông nghiệp để tăng năng suất và tính bền vững. Một số tiến bộ chính có thể kể đến như: Máy bay không người lái và phương tiện không người lái được sử dụng cho các nhiệm vụ như phun thuốc trừ sâu, gieo hạt và theo dõi sức khỏe cây trồng; Trí tuệ nhân tạo (AI) được sử dụng để tối ưu hóa các hoạt động canh tác; Internet vạn vật (IoT) giúp nông dân theo dõi điều kiện đất đai và tăng trưởng cây trồng trong thời gian thực; Chuỗi khối - Blockchain được áp dụng để đảm bảo an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc; Dữ liệu lớn (big data) và điện toán đám mây được sử dụng để phân tích dữ liệu nông nghiệp, dự đoán xu hướng để cải thiện năng suất cây trồng và quản lý tài nguyên; Khu nông nghiệp thông minh: Trung Quốc đã thành lập các khu nông nghiệp thí điểm không người lái trên một số tỉnh, tập trung vào các loại cây trồng khác nhau và bao phủ hàng ngàn ha đất nông nghiệp…
"Những công nghệ cao trong nông nghiệp bước đầu được sử dụng tại Trung Quốc có thể giúp ích cho nông nghiệp Việt Nam - quốc gia cũng đang tiếp cận với công nghệ cao trong nông nghiệp,” TS. Phùng Hà cho hay./
PV: Thanh Xuân
Biên tập viên:Kiều Quân