Oa-xinh-tơn trước tiên hãy buông bỏ “cây gậy” trừng phạt nếu thực sự muốn giúp đỡ châu Phi

2022-10-27 11:57:19(GMT+08:00) CMG
Chia sẻ:

Theo tin Đài chúng tôi: Ngày 25/10 là “Ngày chống trừng phạt” do Cộng đồng Phát triển miền Nam châu Phi xác định. Nhiều nước châu Phi một lần nữa kêu gọi Mỹ và các nước phương Tây dỡ bỏ lệnh trừng phạt Dim-ba-bu-ê.

ΔNgày 4/7/2022, trước cổng Đại sứ quán Mỹ tại Dim-ba-bu-ê, người dân Dim-bu-bu-ê giương cao biểu ngữ phản đối Mỹ và các đồng minh phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt Dim-ba-bu-ê trong thời gian dài.

Mỹ đơn phương áp đặt lệnh trừng phạt đối với Dim-ba-bu-ê trong hơn 20 năm qua. Theo thống kê, trong hơn 20 năm qua, Dim-ba-bu-ê lũy kế bị thiệt hại kinh tế hơn 40 tỷ USD vì bị trừng phạt từ bên ngoài. Trên thực tế, Mỹ trừng phạt Dim-ba-bu-ê là một hình ảnh thu nhỏ về Mỹ nhúng tay, can thiệp vào công việc nội bộ của các nước châu Phi trong thời gian dài.

Sau khi lên nắm quyền, chính quyền Mỹ khóa này không ngừng chìa “cành ô liu” cho châu Phi, quan hệ ngoại giao với châu Phi nóng lên rõ rệt. Tháng 7 năm nay, Mỹ và các nước châu Phi tổ chức Hội nghị cấp cao doanh nghiệp. Tháng 8 năm nay, Ngoại trưởng Mỹ Blin-ken thực hiện chuyến công du thứ hai tới châu Phi kể từ khi nhậm chức Ngoại trưởng, và công bố chiến lược mới của Mỹ đối với vùng châu Phi nằm phía nam sa mạc Sa-ha-ra, nói rằng Mỹ sẽ thúc đẩy châu Phi mở cửa, giúp châu Phi phục hồi sau đại dịch và tăng trưởng kinh tế trong 5 năm tới. Nhưng, dư luận phổ biến cho rằng, trong bối cảnh Mỹ tăng tốc thúc đẩy cạnh tranh giữa các nước lớn, việc Mỹ thực thi cái gọi là chiến lược mới đối với châu Phi, không phải là nhằm giúp châu Phi phát triển, mà là muốn lấy cơ hợp tác, xây dựng châu Phi thành quân cờ và công cụ phục vụ lợi ích chiến lược của Mỹ.

Hiện nay, chịu sự tác động của khủng hoảng U-crai-na leo thang, các rủi ro như khủng hoảng an ninh lương thực, khủng hoảng năng lượng, v.v. gia tăng, các nước châu Phi mưu cầu vực dậy kinh tế đang đối mặt những thách thức to lớn. Tuy nhiên, các nước phương Tây do Mỹ cầm đầu không những không quan tâm vấn đề phát triển nan giải đặt ra cho châu Phi, mà còn tiếp tục tăng cường lệnh trừng phạt nước khác, thậm chí ép buộc các nước châu Phi phải chọn bên. Điều này chẳng khác nào đổ thêm dầu vào lửa.

Mùa hè năm nay, Tổng thống Mỹ Bai-đơn đã tuyên bố sẽ tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – châu Phi tại Oa-xinh-tơn vào trung tuần tháng 12, để “thể hiện cam kết lâu dài của Mỹ đối với châu Phi”, “làm nổi bật tầm quan trọng của quan hệ Mỹ – châu Phi”, “tăng cường hợp tác trong các công việc ưu tiên toàn cầu chung”.

Mỹ thực sự muốn giúp đỡ châu Phi, hay chỉ ký séc vô giá trị lần nữa? Sự thật là bằng chứng tốt nhất. Nếu muốn hợp tác, Oa-xinh-tơn trước tiên hãy ngừng vung “cây gậy” trừng phạt đối với một số nước châu Phi.

Biên tập viên:Duy Hoa