Bình luận: Không gian mạng không phải là vùng đất riêng của ai

2022-09-08 08:22:18(GMT+08:00) CRI
Chia sẻ:

Những năm gần đây, Mỹ ra sức bôi nhọ các thiết bị viễn thông của Trung Quốc có rủi ro an ninh, nhưng lại không đưa ra bất kỳ chứng cứ mang tính xác thực  nào, trái lại còn tiến hành các cuộc tấn công mạng nhằm vào Trung Quốc. Trên thực tế chính  bản thân Mỹ, lâu nay luôn lợi dụng ưu thế trong lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông giám sát toàn cầu, coi không gian mạng là vùng đất riêng của mình để làm mưa làm gió.

Mới đây, Trung tâm ứng phó khẩn cấp vi-rút máy tính Quốc gia và Công ty 360 Trung Quốc lần lượt công bố báo cáo điều tra về vụ Đại học Công nghiệp Tây Bắc Trung Quốc bị Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) tấn công mạng, Văn phòng hành động xâm nhập đặc biệt (TAO) thuộc Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ sử dụng hơn 40 vũ khí tấn công mạng liên tục tấn công Đại học Tây Bắc Trung Quốc, đánh cắp dữ liệu quan trọng của trường này như các thiết bị mạng, dữ liệu quản lý mạng, dữ liệu vận hành, v,v,. 

Cảnh ngộ của Đại học Tây Bắc chỉ là một hình ảnh thu nhỏ việc Mỹ ra sức tấn công mạng và đánh cắp bí mật của Trung Quốc. Điều tra cho thấy, nhiều năm qua, Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ đã sử dụng nhiều vũ khí tấn công mạng, tiến hành hàng chục nghìn vụ tấn công mạng một cách ác ý, kiểm soát hàng chục nghìn thiết bị mạng, đánh cắp nhiều dữ liệu có giá trị cao. Ngoài ra, một số chính khách Mỹ còn ra sức cổ xuý, ép buộc các nước khác tham gia cái gọi là chương trình làm sạch mạng (Clean Network) của Mỹ, mưu toan loại bỏ các doanh nghiệp Trung Quốc khỏi thị trường internet. Về việc này, Tạp chí “Nội tình kinh doanh” (Business Insider)của Mỹ nêu rõ, Mỹ bôi nhọ các doanh nghiệp Trung Quốc với những tội danh vô căn cứ là lo ngại mất kiểm soát đối với cơ sở hạ tầng viễn thông. Hoá ra Mỹ vừa ăn cướp vừa la làng chẳng qua là muốn giữ vị trí bá chủ mạng của mình. 

Không chỉ nhằm vào Trung Quốc, lâu nay, nhằm đạt được mục đích thu thập thông tin tình báo cho Chính phủ và quân đội Mỹ, các cơ quan tình báo Mỹ đã phát động tấn công mạng quy mô lớn đối với các nước trên toàn cầu, thậm chí không bỏ qua cả các đồng minh và người dân nước mình. Năm 2013, vụ “PRISM” do ông Snowden phanh phui đã khiến cộng đồng quốc tế chứng kiến hành động ngang ngược làm mưa làm gió của Mỹ trong không gian mạng. Theo thống kê, từ năm 2016 đến năm 2019, có 40% đến 75% các vụ tấn công mạng trên toàn cầu được phát động từ lãnh thổ Mỹ. Năm 2021, truyền thông Đan Mạch đã phanh phui Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ lợi dụng quan hệ hợp tác với cơ quan an ninh Đan Mạch, nghe lén các nhà lãnh đạo và quan chức cấp cao của các nước châu Âu, trong đó có cựu Thủ tướng Đức Méc-ken. Số liệu do Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ công bố cho thấy, trong vòng 30 ngày, cơ quan này từng đánh cắp từ xa 97 tỷ dữ liệu in-tơ-nét và nghe lén 124 tỷ cuộc gọi trên toàn cầu.

Mới đây, Trung tâm Pháp luật riêng tư và công nghệ thuộc Đại học Georgetown của Mỹ công bố một bản báo cáo cho thấy, mạng lưới giám sát của Cơ quan di trú và hải quan Mỹ (ICE) có thể giám sát đa số người đang sinh sống tại Mỹ, hơn nữa không cần xin phép. Điều đáng chú ý là, sau khi xảy ra cuộc xung đột Nga – U-crai-na, cựu Ngoại trưởng  Mỹ Hi-la-ri khi trả lời phỏng vấn báo chí đã công khai kích động Mỹ phát động tấn công mạng nhằm vào Nga, cho biết “Mỹ từng làm như vậy trong thời gian diễn ra Mùa xuân A-rập, Mỹ cần nỗ lực làm lại như vậy trên mạng” ... Thảo nào Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Zakharova chỉ trích hành động nghe lén và đánh cắp của Mỹ trên toàn cầu có lẽ “chỉ là phần nổi của tảng băng chìm”, “sự thật khủng khiếp hơn nhiều so với mọi người nhìn thấy”. 

Ngạn ngữ phương Tây có câu, một lần bất tín vạn lần bất tin. Vô số sự thật khiến mọi người nhìn rất rõ, Mỹ tự xưng là “người bảo vệ an ninh mạng” lại là “tin tặc” lớn nhất toàn cầu. Nhưng Mỹ cần hiểu rõ, không gian mạng là ngôi nhà chung của các nước trên thế giới, chứ không phải là vùng đất riêng của ai, quyết không thể muốn làm gì thì làm. 

Biên tập viên:Kiều Quân