Chuyên gia Việt Nam: Kinh tế Trung Quốc đạt thành tựu tích cực trong nửa đầu năm 2022

2022-08-03 14:58:39(GMT+08:00) cri
Chia sẻ:

Theo số liệu do Chính phủ Trung Quốc công bố ngày 15/7, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) Trung Quốc trong giai đoạn 6 tháng đầu năm nay tăng 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng trong Quý II, bất chấp ảnh hưởng của các nhân tố khách quan như môi trường quốc tế diễn biến phức tạp, tác động từ tình hình dịch bệnh trong nước,…kinh tế Trung Quốc vẫn tăng trưởng dương 0,4% - một thành tích không dễ gì có được.

Trao đổi với Đài chúng tôi, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, cho biết mức tăng trưởng dương trong Quý II nói riêng và chiều hướng tăng trở lại trong tháng 6 là những tín hiệu vô cùng tích cực, khẳng định sức chống chịu tốt của kinh tế Trung Quốc.

“Đó là một kết quả không dễ gì có được trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 chưa có hồi kết, tình hình nền kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn khi phải cùng lúc đối mặt với hàng loạt cuộc khủng hoảng lớn như khủng hoảng lương thực, khủng hoảng năng lượng, lạm phát, và đứt gãy chuỗi cung ứng, đồng thời là những bất ổn chính trị quy mô lớn từ cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine tác động tới mọi mặt trong đời sống xã hội quốc tế,” vị chuyên gia nhận định.

Trong tháng 4, nền kinh tế Trung Quốc phải đối mặt với nhiều áp lực giảm tốc khiến các chỉ tiêu kinh tế giảm sâu. Tuy nhiên, cùng với việc phòng, chống dịch bệnh COVID-19 có sự chuyển biến tốt, các doanh nghiệp dần khôi phục làm việc và sản xuất, một loạt biện pháp chính sách ổn định tăng trưởng phát huy hiệu quả, các chỉ tiêu kinh tế đã thu hẹp được mức giảm trong tháng 5, đến tháng 6 đã ổn định và tăng trở lại.

 Đáng chú ý, bất chấp dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp và việc áp dụng các biện pháp phong toả tương đối quyết liệt phần nào khiến nguồn cung khan hiếm hơn, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc vẫn được khống chế ở mức rất thấp, chỉ 1,7%, thấp hơn rất nhiều so với lạm phát cao trên trường quốc tế, chuyên gia Võ Trí Thành chỉ ra.

Chỉ số CPI được kiểm soát tốt tạo nhiều dư địa cho các chính sách vĩ mô khác, đặc biệt là giảm sức ép lên chính sách tiền tệ, có ý nghĩa quan trọng trong duy trì tính ổn định của nền kinh tế trong nước, đảm bảo an sinh xã hội và đời sống người dân, vị chuyên gia phân tích. Điều này cũng thống nhất với tiêu chí “đặt lợi ích của nhân dân lên hàng đầu” và mục tiêu dài hạn của Trung Quốc là thực hiện “thịnh vượng chung” cho toàn dân.

Để có được những kết quả trên, Chính phủ Trung Quốc đã kịp thời, quyết đoán đưa ra hàng loạt biện pháp tháo gỡ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tiêu biểu như gói kích thích kinh tế lớn với 33 đề mục bao gồm các chính sách tài khóa, tài chính, đầu tư và công nghiệp công bố cuối tháng 5, hay gói biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp và cá nhân do Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đưa ra trước đó 1 tháng.

Đáng chú ý, ngày 10/4, một văn bản hướng dẫn về việc đẩy nhanh xây dựng một thị trường thống nhất trên toàn quốc, nhằm phá vỡ sự bảo hộ địa phương, chống độc quyền, phân mảnh thị trường và tăng cường an ninh kinh tế cũng đã được thông qua. Đây được coi là cương lĩnh hành động trong việc xây dựng thị trường quốc gia thống nhất, đóng vai trò quyết định trong việc phân bổ nguồn lực để thúc đẩy cạnh tranh và phục hồi tăng trưởng trong tương lai.

Chuyên gia Võ Trí Thành kỳ vọng trong tương lai, cùng với việc kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, các biện pháp của chính phủ sẽ tiếp tục phát huy tác dụng, giúp khơi thông các điểm nghẽn của nền kinh tế, từ đó đẩy mạnh lưu thông hàng hóa và dịch vụ, mở rộng quy mô của thị trường nội địa Trung Quốc.

“Tăng trưởng của Trung Quốc đóng góp rất lớn cho tăng trưởng của kinh tế thế giới. Chúng ta cùng mong chờ các hiệu ứng tích cực đối vớic các nền kinh tế khác sẽ được lan toả thông qua các quan hệ giao thương, đầu tư, du lịch…với Trung Quốc,” vị chuyên gia cho hay.

 

Biên tập viên:Hạ Vi