Chuyên gia Việt Nam: Kinh tế Trung Quốc phát triển lành mạnh giúp phục hồi kinh tế thế giới

2022-06-27 09:16:11(GMT+08:00) CMG
Chia sẻ:

Chuyên gia kinh tế Việt Nam Võ Đại Lược, Chủ tịch Trung tâm Kinh tế châu Á Thái Bình Dương, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Chính trị Thế giới thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam


Trong 4 tháng đầu năm nay, nền kinh tế Trung Quốc đã phải đối mặt với nhiều sức ép giảm đà tăng trưởng xuất phát từ nhu cầu hàng hoá thế giới sụt giảm, dịch bệnh, chiến tranh,…Tuy nhiên đến tháng 5, khi tình hình dịch bệnh COVID-19 trong nước có xu hướng cải thiện, nhiều chỉ số như xuất nhập khẩu, tài chính, đầu tư…đã ghi nhận kết quả tích cực, vượt kỳ vọng của thị trường.

 

Số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho thấy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ngoại thương 5 tháng đầu năm 2022 tăng trưởng bền vững, đạt 16,04 nghìn tỷ Nhân dân tệ, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

 

Riêng trong tháng 5, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 5 đạt 3.450 tỷ Nhân dân tệ, tăng 9,6%; trong đó, xuất khẩu tăng 15,3% và nhập khẩu tăng 2,8%; xuất siêu đạt 502,89 tỷ Nhân dân tệ, tăng đến 79,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

 

Cũng trong 5 tháng đâu năm, đầu tư nước ngoài vào đại lục sử dụng trên thực tế đạt 564,2 tỷ Nhân dân tệ, tăng trưởng 17,3% so cùng kỳ năm ngoái, số liệu của Bộ Thương mại Trung Quốc cho hay.

 

Chuyên gia kinh tế Việt Nam Võ Đại Lược, Chủ tịch Trung tâm Kinh tế châu Á Thái Bình Dương, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Chính trị Thế giới thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam, cho rằng những thành tích kinh tế Trung Quốc đạt được trong 5 tháng đầu năm nay là đặc biệt ấn tượng, thể hiện sự dẻo dai mạnh mẽ nội tại và hứa hẹn triển vọng tích cực trong tương lai.

 

“Điều đáng nói là Trung Quốc đã đạt được những thành tích đó trong tình hình trong và ngoài nước rất nhiều khó khăn, có thể kể đến như tình hình dịch bệnh COVID-19 lây lan phức tạp, kinh tế thế giới ảm đạm, chính trị bất ổn vì vấn đề Ukraina…,” vị học giả nhận xét.

 

Số liệu ngoại thương và thu hút đầu tư nước ngoài cho thấy Trung Quốc tiếp tục đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong chuỗi cung ứng toàn cầu, là một trong những trung tâm sản xuất quan trọng nhất và nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới.

 

Theo chuyên gia Võ Đại Lược, trong những tháng tới đây, triển vọng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có thể còn tích cực hơn khi dịch bệnh được kiểm soát hiệu quả tại nhiều thành phố, giúp các trung tâm kinh tế - chính trị như Thượng Hải, Bắc Kinh mở cửa trở lại an toàn.

 

Đánh giá về chính sách chống COVID-19 của Trung Quốc, vị học giả cho rằng Trung Quốc đã đạt được thành công to lớn “bậc nhất thế giới” trong bảo vệ tính mạng và sức khoẻ của hơn 1,4 tỉ dân, đồng thời vẫn tranh thủ cơ hội để ổn định kinh tế và phát triển an toàn.

 

“Trong hoàn cảnh nguy khốn, thể chế đặc biệt đã giúp Trung Quốc có khả năng triển khai nhanh chóng và hiệu quả các biện pháp khống chế và đối phó với dịch bệnh, cũng như điều tiết, kích thích kinh tế,” chuyên gia Võ Đại Lược chỉ ra.

 

Mới đây, hồi cuối tháng 5, chính phủ Trung Quốc đã ban hành một gói chính sách với 33 biện pháp cụ thể giúp ổn định kinh tế, đầu tư và tiêu dùng, tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng vì dịch bệnh COVID-19, đảm bảo an sinh xã hội. Cùng với việc các biện pháp này tiếp tục phát huy hiệu quả, sẽ khơi dậy sức sống của các chủ thể thị trường.

 

Chuyên gia Võ Đại Lược cũng cho rằng, sự phát triển lành mạnh, dẻo dai của kinh tế Trung Quốc đang giúp hỗ trợ phục hồi nền kinh tế toàn cầu. Đặc biệt, nhập khẩu của Trung Quốc đang tăng trưởng ổn định, cho thấy sự kiên định của Trung Quốc trong chính sách tăng cường mở cửa hội nhập, ủng hộ tự do hoá thương mại và chia sẻ cơ hội phát triển với thế giới.

 

Vị học giả đánh giá cao định hướng của Trung Quốc trong việc đẩy mạnh nhập khẩu và theo đuổi thương mại cân bằng, hài hoà với các đối tác. Chính sách này sẽ có lợi cho rất nhiều nước trong đó có Việt Nam - một nước láng giềng gần gũi Trung Quốc về mặt địa lý và có tiềm năng lớn với các sản phẩm nông sản từ lâu đã được yêu thích tại thị trường tỉ dân.

 

Cùng với việc triển khai nhiều hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là Hiệp định Thương mại tự do Trung Q uốc – ASEAN, Hiệp định Đối tác toàn diện Khu vực (RCEP) mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên, và tới đây nữa là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà Trung Quốc đã chính thức nộp đơn xin gia nhập, cơ hội cho hàng hoá các nước tiếp cận thị trường Trung Quốc đang ngày càng rộng mở, hứa hẹn bầu không khí ngoại thương sôi động giữa Trung Quốc với phần còn lại của thế giới.

 

“Hợp tác và hội nhập vẫn là xu hướng không thể đảo ngược của thời đại chúng ta. Thế giới mong Trung Q uốc phát triển lành mạnh và ổn định để đóng góp vào tăng trưởng toàn cầu, tạo ra nhiều cơ hội thương mại hơn cho phần còn lại của thế giới,” chuyên gia Võ Đại Lược nói.

 

Biên tập viên:Nam Dương