Sử dụng văn học để thúc đẩy giao lưu văn minh

2022-06-13 10:21:45(GMT+08:00) CRI
Chia sẻ:



Đối với các nhà văn, giao lưu là một đề tài muôn thuở.

Mới đây, thầy trò chuyên ngành tiếng Việt của các trường đại học Trung Quốc đã chào đón một người thầy đặc biệt đến từ Việt Nam – Giáo sư Nguyễn Đăng Điệp, Viện trưởng Viện Văn học, Trưởng Khoa Văn học - Học viện KHXH, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học - Hội Nhà văn Hà Nội, Việt Nam. Cùng với Trường Đại học Bắc Kinh, Viện trưởng Nguyễn Đăng Điệp đã mang đến cho các bạn sinh viên Trung Quốc một bài giảng trực tuyến tuyệt vời – “Xu hướng văn hóa lịch sử và Sự phát triển của văn học đương đại Việt Nam”, thảo luận những thay đổi về bút pháp, phương pháp tư duy cũng như những dấu ấn cá nhân của các nhà văn Việt Nam kể từ khi Việt Nam tiến hành cải cách mở cửa vào năm 1986.

Đây không phải là lần đầu tiên Viện trưởng Nguyễn Đăng Điệp giao lưu với độc giả và đồng nghiệp nước ngoài. Là một nhà văn và học giả lâu năm hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu văn học, ông đã nhiều lần đi nước ngoài thuyết trình và giao lưu. Ông cho rằng, một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển của văn học đương đại Việt Nam chính là sự giao lưu ngày càng sâu rộng và thường xuyên với văn học thế giới.

Viện trưởng Nguyễn Đăng Điệp đã viết và biên tập hơn 20 cuốn sách, tác phẩm tiêu biểu của ông có "Làn điệu trong thơ trữ tình ", " Thơ Việt Nam hiện đại, tiến trình và hiện tượng "v.v. Ông từng được trao Giải thưởng văn học 2003-2004 của Hội nhà văn Hà Nội và Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2014.  

Kể từ khi tiến hành công cuộc cải cách mở cửa vào năm 1986, Việt Nam đã tích cực hội nhập quốc tế, điều này đã thúc đẩy mạnh mẽ các nhà văn Việt Nam thay đổi tư duy và đổi mới cách sáng tạo. Viện trưởng Nguyễn Đăng Điệp cho biết “Đó chính là yếu tố rất quan trọng để tạo nên sự giao lưu, phát triển văn học nghệ thuật giữa hai quốc gia Việt Nam và Trung Quốc trong bối cảnh Việt Nam tăng cường giao lưu hội nhập thế giới ngày nay”.

Viện trưởng Nguyễn Đăng Điệp yêu thích các nhà văn Trung Quốc như Giả Bình Ao, Vương Sóc, Mạc Ngôn, ông cũng đã đọc nhiều tác phẩm văn học của các nhà văn khác của Trung Quốc. Ông nói: "Tác phẩm của các nhà văn Trung Quốc đương đại như Mạc Ngôn và Giả Bình Ao đã được dịch sang tiếng Việt và ra mắt công chúng Việt Nam. "

Chính vì vậy, trong chuyến thăm Trung Quốc vào năm 2002, Viện trưởng Nguyễn Đăng Điệp đặc biệt có cuộc giao lưu với các học giả Trường Đại học Bắc Kinh để trao đổi kinh nghiệm về xây dựng đội ngũ dịch thuật chất lượng cao, thúc đẩy trao đổi và quảng bá văn học thế giới. Ông cho biết: “Trong buổi giao lưu đó, tôi được biết Trung Quốc đã xây dựng một đội ngũ dịch giả hùng hậu để nghiên cứu và dịch các tác phẩm văn học của Trung Quốc và thế giới. Sau đó, tôi đã giới thiệu kinh nghiệm này với giới văn học Việt Nam, sau đó, các tác phẩm của Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, I-xra-en và các nước khác lần lượt được dịch sang tiếng Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tăng cường quảng bá các tác phẩm văn học xuất sắc của Việt Nam ra thế giới, từng bước hình thành sự giao lưu, tiếp nhận lẫn nhau.”

Nói đến chuyến thăm Trung Quốc 20 năm trước, Viện trưởng Nguyễn Đăng Điệp cho biết, ông cũng đã đến Tân Thiên Địa Thượng Hải, nơi nữ nhà văn Vệ Tuệ sáng tác cuốn "Baby Thượng Hải",  tự mình trải nghiệm làn sóng văn học nữ quyền mạnh mẽ. Viện trưởng Nguyễn Đăng Điệp cho biết: “phụ nữ không còn bị gò bó trong đối tượng được miêu tả mà có thể viết và trở thành chủ thể sáng tác. Đây cũng là xu hướng phát triển chung của sự giao lưu, học hỏi lẫn nhau giữa các nước châu Á, trong đó có Việt Nam”.

Sự giao lưu về lịch sử, xã hội và văn hóa toàn cầu đã mở ra con đường mới cho văn học đương đại Việt Nam, Viện trưởng Nguyễn Đăng Điệp cũng mong muốn đóng góp sức lực của mình để thúc đẩy giao lưu văn học Việt Nam với thế giới. Trong buổi thuyết trình đó, Viện trưởng Nguyễn Đăng Điệp đã chia sẻ những kiến thức sâu rộng để các thầy trò Trung Quốc có thêm hiểu biết về tình hình lịch sử và xu hướng phát triển của văn học Việt Nam đương đại. Ông hy vọng, trong quá trình giao lưu đó, các nhà văn Trung Quốc và Việt Nam sẽ tạo thêm những giá trị và thành tựu, làm phong phú nền văn hoá hai nước, đóng góp nhiều hơn cho văn hoá và văn học của  nhân loại.

Biên tập viên:Dung Dung