Dung Dung

Bí thư xóa đói giảm nghèo tại nông thôn Trung Quốc trong mắt nhà báo Việt Nam

30-12-2021 10:53:19(GMT+08:00)
Chia sẻ:

Bí thư xóa đói giảm nghèo tại nông thôn Trung Quốc trong mắt nhà báo Việt Nam_fororder_11

Công cuộc xóa đói giảm nghèo chính xác của Trung Quốc luôn thu hút sự quan tâm của các giới Việt Nam, một số bạn Việt Nam thậm chí còn lặn lội hàng nghìn cây số đến tận nông thôn của Trung Quốc để tìm hiểu thực tế về công tác thoát nghèo ở đó, trong đó có TS. Nguyễn Tri Thức, Ủy viên Ban Biên tập, Trưởng ban Chuyên đề và Chuyên san, Tạp chí Cộng sản Việt Nam. Tháng 6 năm 2018, TS. Nguyễn Tri Thức và các thành viên của đoàn đại biểu Việt Nam đã đến thôn Củng Thị, huyện Bằng Khê,  thành phố Toại Ninh, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, gặp ông Tưởng Ất Gia, Bí thư chi bộ của thôn này. Năm 2007, sau khi lập nghiệp nhiều năm và đã trở thành đại gia tại Bắc Kinh, ông Tưởng Ất Gia quyết định mang hàng chục triệu Nhân dân tệ về quê, dẫn dắt bà con vươn lên làm giàu.

Bí thư xóa đói giảm nghèo tại nông thôn Trung Quốc trong mắt nhà báo Việt Nam_fororder_9

Sau 13 năm cần cù lao động, vùng quê nghèo trước đây đã trở thành một thôn giàu có nổi tiếng, thu nhập bình quân đầu người tăng gần chục lần. Tại Hội nghị tổng kết tuyên dương công tác thoát nghèo toàn quốc Trung Quốc diễn ra tháng 2 năm 2021, ông Tưởng Ất Gia được tôn vinh là cá nhân tiên tiến trong cuộc chiến chống đói nghèo. Tại cánh đồng thôn Củng Thị, Đoàn đại biểu Việt Nam đã chuyện trò thân mật và sâu sắc với Bí thư Tưởng Ất Gia, từ câu chuyện về công việc đến gia đình, tìm hiểu tỉ mỉ về những kinh nghiệm và những vất vả  của ông khi dẫn dắt bà con xây dựng đường xá và thủy lợi, phát triển ngành nghề đặc trưng, từng bước hoàn thành xây dựng nông thôn mới, giàu đẹp. Vì hai nước Trung-Việt có nhiều nét tương đồng nên những chia sẻ của Bí thư Tưởng Ất Gia đã thu hút và để lại nhiều cảm xúc cho đoàn cán bộ Việt Nam. Sau khi trở về Việt Nam, TS. Nguyễn Tri Thức đã viết một bài dài, ghi lại câu chuyện xóa đói giảm nghèo của một Bí thư chi bộ  ở nông thôn Trung Quốc qua góc nhìn của một nhà báo kỳ cựu Việt Nam.

Bí thư xóa đói giảm nghèo tại nông thôn Trung Quốc trong mắt nhà báo Việt Nam_fororder_1

Người mở đường để liên thôn thoát nghèo

Nguyễn Tri Thức

Trải qua đủ nghề sau khi xuất ngũ, giàu có rồi ông bỏ phố về quê - nơi cái đói nghèo ám ảnh ông suốt thời thơ ấu. Bây giờ, bí thư chi bộ Củng Thị liên thôn đã nổi tiếng toàn quốc, vinh dự là đại biểu Đại hội 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc. Hơn 10 năm về quê lập nghiệp, mở đường trong phong trào “đại phú dẫn dắt tiểu phú” ở nơi sinh ra và lớn lên, ông Tưởng Ất Gia trải qua nhiều trăn trở, đắng cay nhưng cũng đón nhận không ít thành quả thảo thơm cùng sự ngưỡng mộ của người dân cả nước...

Hai bên đường cao tốc 4 làn phẳng phiu từ thành phố Thành Đô đi thành phố Toại Ninh, tỉnh Tứ Xuyên là cây cối tươi xanh, bản làng nhỏ nhắn với nhà cấp 4 thấp bé nép mình bên sườn đồi, thung lũng nhấp nhô ruộng bậc thang trồng ngô, lúa, lạc... Dấu hiệu phát triển thể hiện rõ nhất ở khu vực miền núi này là đường cao tốc, là những ngôi nhà cao tầng mới xây ở các thung lũng, trung tâm bản làng. Dấu hiệu bền vững là ở những con đường sạch sẽ, núi rừng biếc xanh... Rời cao tốc, chiếc xe du lịch kềnh càng cẩn thận ngoằn ngoèo trên con đường xẻ núi, bên vực sâu, bên núi cao... Ông Tô Đại Xuyên - Chủ nhiệm Trung tâm đào tạo Phân viện Tây Nam, Học viện Hành chính Quốc gia Trung Quốc - giới thiệu rằng, ông Tưởng Ất Gia là bí thư chi bộ rất xuất sắc. Sau khi về quê khởi nghiệp, ông dẫn dắt bà con thôn Củng Thị bao đời đói khổ thoát nghèo vào năm 2016, giành giải thưởng vươn lên thoát nghèo toàn quốc năm 2017. Ông Tưởng Ất Gia được bầu là đại biểu Đại hội 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc, được gặp Chủ tịch Tập Cận Bình...

Bí thư xóa đói giảm nghèo tại nông thôn Trung Quốc trong mắt nhà báo Việt Nam_fororder_3

Ông Tưởng Ất Gia đi xe audi ra tận đầu làng Củng Thị đón chúng tôi, nhưng rồi chỉ kịp hồ hởi chào, bí thư Củng Thị liên thôn đã lên xe khách cùng đoàn nói rằng về trụ sở thôn tham quan, trao đổi rồi khi tắt nắng sẽ đi vòng quanh thôn làng ngắm cảnh. Trụ sở liên thôn hóa ra là nhà ông, bởi sau khi rời quân ngũ, ông “làm đủ thứ nghề, nhiều hơn là khoáng sản, kho vận” nên cũng giàu. Năm 2007, ông về quê khởi nghiệp, tất cả vốn tích lũy và 2 ngôi nhà bán được khoảng 20 triệu nhân dân tệ, ông đều “đổ” vào tái thiết, xây dựng quê hương. Đang ở phố mà về quê, tiền bạc bao năm lăn lộn kiếm được bỗng vung tay “đổ” cả cho quê hương, ông kể thật rằng “gia đình hoàn toàn không thông cảm được, thậm chí nổi giận. Vợ tôi rất buồn, muốn ly dị. Mỗi người sống ở một thành phố, con gái sống với mẹ”. Suốt 6 năm trời đằng đẵng như vậy, nhưng ông vẫn quyết tâm theo đuổi mục đích khởi nghiệp, giúp dân của mình, bởi “dưới sự dẫn dắt của tôi, bà con đều tham gia tích cực. Họ cũng đầu tư hơn 60 triệu nhân dân tệ để xây dựng nhà ở...”. Và điều quan trọng, quyết định hơn, bởi ông “sinh ra ở thôn, nhà nhiều con, 12 tuổi không có quần áo mặc, từ nhỏ đã có lý tưởng muốn làm giàu, dẫn dắt bà con làm giàu” và khi đã giàu rồi thì quyết định về quê khởi nghiệp…

Củng Thị có tổng diện tích đất canh tác 1.217 mẫu (tổng diện tích đất tự nhiên gần 2.000 mẫu, 15 mẫu = 1ha), nhưng nhiều diện tích bỏ hoang, vì thanh niên bỏ đi làm ở các đô thị, làng chỉ còn người già và phụ nữ cùng trẻ em. Bắt đầu từ làm đường giao thông, cải tạo hệ thống thủy lợi rồi xây dựng trung tâm phục vụ công cộng, chỉnh lý đất hoang, phát triển ngành nghề,... và bộ mặt Củng Thị ngày một khởi sắc, tươi tắn. Năm 2012, ông làm bí thư thứ nhất, năm 2013 làm bí thư thôn Củng Thị, và đến năm 2015 đảm nhiệm bí thư liên thôn, bởi “sau khi xây dựng, phát triển, diện mạo thay đổi nhiều, các thôn khác muốn tham gia”. Và giờ, Củng Thị liên thôn gồm 6 thôn, với diện tích canh tác 11.670 mẫu, dân số 10.230 người. Đời sống bà con các thôn đều được nâng cao trông thấy… Riêng thôn Củng Thị có 503 gia đình với 1.719 người. Ông Tưởng Ất Gia cho biết, năm 2007, thu nhập bình quân của người dân là 2.030 nhân dân tệ/năm, đến năm 2017 đã tăng lên 15.000 nhân dân tệ, giờ gia đình nào cũng có nước sạch, khí thiên nhiên, mạng Internet, đường bê-tông đến từng gia đình. 10 năm trước cả thôn chỉ có 2-3 xe máy, giờ bà con có hơn 150 ô tô… Nguồn thu chính đến từ nông nghiệp (chăn nuôi, trồng trọt), cây đặc sản (hoa thiên diệp phật liên, tam thất), văn hóa (Củng Thị là cái nôi của thư pháp, lễ hội), du lịch…

Bí thư xóa đói giảm nghèo tại nông thôn Trung Quốc trong mắt nhà báo Việt Nam_fororder_2

Riêng thiên diệp phật liên (loại hoa quý chuyên dùng cho Phật giáo, có nhiều tác dụng như giải rượu, bồi bổ sức khỏe, nuôi ong lấy mật cho chất lượng đặc biệt) và tam thất cho giá trị kinh tế cao, “mỗi bông hoa thiên diệp phật liên có thể bán được 300 – 9.000 nhân dân tệ (1 mẫu có thể thu 1 vạn nhân dân tệ/mẫu, chưa kể 360 thùng mật ong cho mật đắt hơn giá mật ong thường khoảng 10 lần, giá khoảng 600 nhân dân tệ/lít), hơn 150 mẫu tam thất cho thu nhập 10.000 nhân dân tệ/mẫu…”. Người dân còn trồng xen kẽ các loại cây để “tiết kiệm đất đai, nâng cao hiệu quả”, như “đồng ruộng có lúa gạo, củ sen, hoa sen cảnh, nuôi cá; trên núi có bưởi, quýt, óc chó, đào, hoa thiên diệp phật liên, tam thất”.

Bí thư xóa đói giảm nghèo tại nông thôn Trung Quốc trong mắt nhà báo Việt Nam_fororder_微信图片_20211230104553

Sự đổi thay ở làng quê thì rõ rệt, nhưng vợ con ở xa không thấu hiểu, biết rõ hoàn cảnh và không liên hệ gì. Ông Tưởng Ất Gia kể rằng, trước khi đi đến quyết định hoàn tất thủ tục ly hôn, ông muốn mời vợ con về thăm quê một lần. Năm 2013, vợ con ông về, như là để gặp mặt rồi chia tay. Nhưng rồi, vợ con ông thấy nhiều bà con đến gặp, khuyên đừng ly dị, bởi “ông ấy rất tốt”… Và rồi, vợ ông dần thay đổi ý định, giờ tuy vẫn ở phố nhưng đã ủng hộ, tin tưởng hoàn toàn. Và ông giờ toàn tâm, toàn sức làm chủ tịch hội đồng quản trị mấy công ty chuyên về nông nghiệp, du lịch, văn hóa, thỏa sức làm giàu, giúp bà con làm giàu. Ông ở tại trụ sở thôn, cũng là ngôi nhà khi xưa ông cất tiếng khóc chào đời, giờ khang trang, rộng rãi bởi ngoài trụ sở thôn, còn là trung tâm dưỡng lão, phòng y tế, thư viện, phòng làm việc, phòng trưng bày văn hoá, triển lãm, luyện thư pháp...

Bí thư xóa đói giảm nghèo tại nông thôn Trung Quốc trong mắt nhà báo Việt Nam_fororder_2

Ông dẫn chúng tôi đi khắp 4 tầng, hết các phòng chức năng. Ấn tượng nhất là nhiều gian trưng bày cổ vật, với hơn 6.000 hiện vật quý giá, đa số “là do người ta quý tôi nên tặng lại, kể cả những hiện vật mà vua tặng những người có công trước đây”… Ông Tưởng Ất Gia kể rằng, có một doanh nghiệp ở thành phố Lạc Dương đã tặng bộ sưu tập đồ sứ đời Đường mà 3 thế hệ gia đình ông dày công sưu tập, vì “câu chuyện của tôi khiến họ xúc động, tìm mãi mới được và muốn đóng góp tất cả đồ sứ của gia đình để góp phần trưng bày, quảng bá văn hóa của Trung Quốc”. Tương tự, rất nhiều người khác cũng tặng ông cổ vật quý, thậm chí là vô giá, đủ các thể loại, như: tranh, thư pháp, tượng Phật, đồ gốm, đồ sứ, ấn các triều đại phong kiến, bộ chữ in – một trong những phát minh vĩ đại nhất của Trung Quốc… Và không giữ cho riêng mình, từ ngày 16-6-2018, ông mở cửa “bảo tàng” để bà con vào xem miễn phí… Chắc chắn, đó cũng là bước khởi đầu để ông kết hợp du lịch với nông nghiệp, văn hóa, cho cả Củng Thị liên thôn có sức bật để trở thành điểm du lịch có tiếng, tạo việc làm, tăng thu nhập cho bà con. Điều ấy hoàn toàn khả thi, bởi ông Tưởng Ất Gia tiết lộ rằng, đã xin được kinh phí từ chính quyền để làm lại con đường lên đỉnh núi Lai Long ngắm nhìn toàn cảnh 6 thôn; rồi tiến tới là con đường mới từ đường cao tốc chạy khép kín một vòng Củng Thị liên thôn vô cùng thuận tiện. Và khi ấy, khách du lịch có thể ghé thăm dễ dàng, thuận tiện mua những sản vật của địa phương, như đào, hoa thiên diệp phật liên, mật ong, tam thất, củ sen…

Bí thư xóa đói giảm nghèo tại nông thôn Trung Quốc trong mắt nhà báo Việt Nam_fororder_微信图片_20211228103145

Giờ, Củng Thị liên thôn không có hộ nghèo, chỉ vài hộ khó khăn vì có người ốm nặng. Sau hơn 1 thập niên về quê khởi nghiệp trong chiến dịch chấn hưng nông thôn, với cuộc chiến công kiên thoát nghèo, “đại phú dẫn dắt tiểu phú”, bí thư liên thôn Tưởng Ất Gia tự tin đã đạt được 2 mục tiêu mình đề ra ban đầu là làm cho đất đai chứa đầy hy vọng, hoa nở khắp thôn làng, còn mục tiêu để bà con hưởng cuộc sống khiến người thành thị hâm mộ thì ông để mọi người đánh giá… Nhìn từ đỉnh núi Lai Long xuống khắp các thôn làng, thấy những căn biệt thự nép mình dưới chân núi, bên cạnh hồ sen ngát hương, hay được quy hoạch gọn gàng, quy củ; thấy tin những lời bí thư Tưởng Ất Gia nói. Và càng tin hơn, khi ở tuổi 60, ông Tưởng Ất Gia là điển hình tiêu biểu của toàn quốc, thường xuyên đi nói chuyện ở nhiều địa phương khác; chính quyền thành phố Toại Ninh, tỉnh Tứ Xuyên thường xuyên hỗ trợ ông cũng như bà con liên thôn trong việc tạo điều kiện làm đường giao thông, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ thúc đẩy phát triển du lịch kết hợp nông nghiệp…

Bí thư xóa đói giảm nghèo tại nông thôn Trung Quốc trong mắt nhà báo Việt Nam_fororder_5

Bí thư xóa đói giảm nghèo tại nông thôn Trung Quốc trong mắt nhà báo Việt Nam_fororder_3 (2)

Biên tập viên:Dung Dung
Lựa chọn phương thức đăng nhập