Vài nét về CRI            Ban tiếng Việt Nam
Trang chủ | Chuyên đề | Thể dục thể thao | Nhà Trường | Hộp thư Ngọc Ánh | Bách Khoa TQ
 
Thời sự | Văn hoá | Du lịch | Vui chơi giải trí | Tổng hợp | Tin ảnh | Học tiếng Trung Quốc      Vào Trang Cũ >>
 
  Nỗi nhục năm Tịnh Khang
   2009-09-14 14:53:59    CRIonline

Nghe Online

Lý Cương tự đặt cho mình các biệt danh Lương Khê tiên sinh, Lương Khê ẩn sĩ và Lương Khê bệnh tẩu. Ông làm việc cho ba đời vua Huy Tông, Khâm Tông và Cao Tông, sống trong thời kỳ dân tộc đang đứng trước nguy cơ hết sức nghiêm trọng, ông từng 6 lần bị triều đình cách chức, bị phát vãng đến các tỉnh Hồ Nam, Hồ Bắc, Giang Tây, Phúc Kiến, Vân Nam, cuối cùng đến Hải Nam nơi chân trời góc biển. Ông rất thấu hiểu nỗi thống khổ của nhân dân, đã mạnh bạo thỉnh nguyện cho nhân dân, dù nhiều lần bị cách chức nhưng vẫn không thể làm lung lay tấm lòng yêu nước của ông. Lý Cương là người tính tình cương trực. Do ông yêu cầu cải cách chính trị, đình chỉ bạo lực và phòng ngừa ngoại tộc xâm lấn, mà được nắm quyền và được điều đến làm quản lý thế vụ ở huyện Sa. Đến năm Tuyên Hòa thứ 7, ông được vào triều nhậm chức Thái Thường Tiểu Khanh.

Năm Tuyên Hòa thứ 7, nhà Tống và nước Kim cùng liên hợp chống giặc Liêu. Mùa đông năm đó, nước Kim hủy bang ước rồi tiến quân xuống miền nam áp sát Biện Kinh. Đứng trước tình hình này, Lý Cương đã nhiều lần vạch rõ: "Giữa nước Liêu và Đại Tống trước kia từng đặt bang ước với nhau, sự tồn vong của nước Liêu cũng sẽ trực tiếp liên quan đến sự tồn vong của Đại Tống, nếu ta liên hợp với Kim đánh Liêu thì có khác nào đi kết bang với loài hổ lang, hậu hoạn khôn lường". Nhưng Tống Huy Tông lại nghe theo lời xu nịnh của lũ gian thần, không những đồng ý liên hợp với nước Kim đánh nước Liêu, mà còn giáng chức Lý Cương xuống chỉnh lý sử sách nhà nước. Tuy vậy, Lý Cương vẫn cứ dâng thư phản đối việc liên Kim kháng Liêu, Tống Huy Tông nổi giận lại lần nữa cách chức ông xuống làm quan thuế vụ ở huyện Sa. Lý Cương lại dâng lên nhà vua cuốn "Ngự nhung ngũ sách", chủ trương thu phục lòng người, đối xử ưu đãi với nhân dân, tích góp tiền của để tăng cường sức nước. Nhưng nhà vua không chấp thuận và bày tỏ muốn bỏ Biện Kinh trốn xuống miền nam, giao cho Thái tử ở lại giữ Biện Kinh. Lý Cương liều chết viết huyết thư khuyên nhà vua nên nhường ngôi cho Thái tử, để hiệu triệu thiên hạ chống giặc Kim. Tống Huy Tông làm theo, rồi cuống cuồng chạy trốn xuống Trấn Giang.

Lý Cương cực lực phản đối việc bỏ trốn, ông chủ trương kiên quyết chống trả, vua Tống Khâm Tông chấp thuận và phong ông làm Binh Bộ Thị Lang. Năm Tịnh Khang thứ nhất, Tống Khâm Tông ngự giá thân trinh, nhưng quân Tống bị thua mấy trận liền, mà tình hình Biện Kinh lúc đó càng trở nên nguy ngập, tể tướng Bạch Thời Trung và Lý Bang Ngạn khuyên nhà vua bỏ trốn. Lý Cương biết tin này liền xin gặp vua và nói rằng: "Thái Thượng Hoàng nhường ngôi cho bệ hạ, chính là mong bệ hạ trấn giữ kinh thành, bệ hạ làm sao lại có thể bỏ trốn?". Sau đó, Lý Cương còn nêu ra nhiều kế hoạch phòng thủ, mong nhà vua đoàn kết quân dân cùng nhau trấn giữ, đợi tới khi viện binh các nơi kéo đến rồi sẽ tổ chức phản công. Tống Khâm Tông liền phong Lý Cương làm Thượng Thư Tả Thừa, kiêm phụ trách toàn tuyến phòng thủ Biện Kinh.

Nguyên soái nước Kim thấy dùng sức mạnh quân sự không thể giành được thắng lợi, bèn quyết định dùng kế dụ hàng. Bấy giờ, triều đình nhà Tống đang ngập ngụa trong bầu không khí đầu hàng và đồng ý cắt đất xin cầu hòa. Dưới sự thao túng của phái đầu hàng, đứng đầu là Lý Bang Ngạn đã bãi miễn hết mọi chức vụ của Lý Cương và Chủng Sư Đạo, rồi đến nhận lỗi và xin cầu hòa với giặc Kim. Phái chủ chiến đứng đầu là thái học sinh Trần Đông, đã cùng hơn trăm nghìn quân dân dâng thư yêu cầu cách chức Lý Bang Ngạn. Trước sức ép này, Tống Khâm Tông đành phục chức cho Lý Cương và Chủng Sư Đạo. Sau khi triều nhà Tống nhận cắt nhượng ba thị trấn ở Hà Bắc, quân nước Kim mới chịu rút về.

Chiến dịch bảo vệ Biện Kinh giành thắng lợi, Lý Cương được phong làm Quốc Bá, nhưng ít lâu sau lại bị cách chức điều đến Ninh Giang. Mùa thu năm Tịnh Khang thứ nhất, giặc Kim lại đánh xuống miền nam, Thái Nguyên đã thất thủ, Biện Kinh bị vây hãm, Tống Khâm Tông vội triệu Lý Cương vào kinh, nhưng Lý Cương chưa đến nơi thì cả hai vua Huy Tông và Khâm Tông đều đã bị bắt, triều Bắc Tống bị diệt vong, mà lịch sử gọi là "Năm Tịnh Khang nhục nhã".