Vài nét về CRI            Ban tiếng Việt Nam
Trang chủ | Chuyên đề | Thể dục thể thao | Nhà Trường | Hộp thư Ngọc Ánh | Bách Khoa TQ
 
Thời sự | Văn hoá | Du lịch | Vui chơi giải trí | Tổng hợp | Tin ảnh | Học tiếng Trung Quốc      Vào Trang Cũ >>
 
  "Đa-xtan"—nghệ thuật vừa hát vừa nói lưu truyền trong dân gian dân tộc Ca-dắc
   2009-08-05 17:23:51    cri

Ở khu vực An-tay, phía bắc Khu tự trị Uây-ua Tân Cương, Trung Quốc, trong dân gian dân tộc Ca-dắc địa phương lưu truyền một hình thức nghệ thuật vừa hát vừa nói đầy sức cuốn hút—Đa-xtan. Đa-xtan là một thể loại văn học truyền miệng truyền từ đời này sang đời khác, tính đến nay đã có hơn 1000 năm lịch sử. Cụ Ka-dim An-man, dân tộc Ca-dắc là người kế thừa nghệ thuật Đa-xtan, Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia này.

"Em là bông hoa Tuyết Liên tươi thắm, nở trên đỉnh núi cao. Anh muốn leo núi hái em về, nhưng vách núi dựng đứng ngăn đường. Cho dù phải bỏ cả ̣đàn bò và cừu, anh vẫn nguyện sống bên em suốt đời... Anh cất tiếng hát bên dòng suối, mong nó vang vọng đến bên em; anh gẩy đàn Đôn-bô-ra yêu quý, mong tiếng đàn vọng đến căn nhà bạt của em."

Dân tộc Ca-dắc là một dân tộc du mục cổ xưa, đời đời kiếp kiếp sống cuộc sống du mục theo đồng cỏ và dòng nước, mùa đông và mùa hè hàng năm đều phải di rời đến nơi khác thả chăn gia súc, họ chủ yếu sống ở khu vực phía bắc Khu tự trị Uây-ua Tân Cương. Đa-xtan là một trong những thể loại nghệ thuật quan trọng thể hiện văn hóa thảo nguyên của dân tộc Ca-dắc, là một loại văn học truyền miệng đậm đà bản sắc nguyên thủy. Nghĩa gốc của Đa-xtan là trường ca, hình thành vào khoảng thế kỷ thứ 9 đến thế kỷ thứ 10 công nguyên, nội dung bao gồm chuyện kể về những người anh hùng và lịch sử của dân tộc Ca-dắc. Khi biểu diễn Đa-xtan, nghệ sĩ thường đệm đàn Đôn-bô-ra—nhạc cụ dân gian, phần lớn trường hợp là vừa gẩy đàn Đôn-bô-ra vừa hát. Bài hát Đa-xtan nói chung có tình tiết phức tạp, khổ dài, một bài Đa-xtan có khi phải hát suốt 1 ngày đêm.

Cụ Ka-dim năm nay 77 tuổi, cư trú ở huyện Phúc Hải, khu vực An-tay, Khu tự trị Uây-ua Tân Cương. Năm 1943, cụ Ka-dim lúc đó mới 11 tuổi, lần đầu tiên tiếp xúc nghệ thuật Đa-xtan tại một cuộc tụ họp của bộ tộc trong bầu không khí sôi động. Tiếng ngâm đọc và đàn hát ngân vang giàu tính tiết tấu của các nghệ sĩ kể về câu chuyện anh hùng trong truyền thuyết được diễn giải một cách bàng bạc, trầm bổng, khiến cụ Ka-dim bị cuốn hút. Cho đến nay, khi nhớ lại cảnh tượng lần đầu tiên nghe bài hát Đa-xtan, cụ Ka-dim vẫn tràn ngập niềm vui. Cụ nói:

"Năm 1943, khi đổi nơi thả chăn gia súc tôi tham gia một cuộc tụ họp, được nghe một bài hát Đa-xtan khá dài với khoảng hơn 400 đoạn, rất hay. Tôi đã học thuộc lòng bài hát đó, coi như chính thức bắt đầu học Đa-xtan. Năm đó tôi chỉ 11 tuổi."

Cụ Ka-dim có trí nhớ rất tốt, cụ không cần đọc bất cứ tài liệu văn bản gì, có thể hát hoàn chỉnh cả bài Đa-xtan với hàng chục nghìn từ, người địa phương tôn vinh cụ là "đĩa hát sống" Đa-xtan của dân tộc Ca-dắc. Ở Tân Cương, cụ Ka-dim là người biết hát bài Đa-xtan nhiều nhất. Cụ có thể hát 104 bài trong toàn bộ hơn 200 bài Đa-xtan của dân tộc Ca-dắc được bảo tồn khá hoàn chỉnh. Nếu hát liền 104 bài Đa-xtan, phải mất khoảng 1 tháng.

Kể từ lần đầu tiên tiếp xúc Đa-xtan, cụ Ka-dim đã rất yêu thích nghệ thuật Đa-xtan, cụ đi khắp nơi sưu tầm "Đa-xtan-ki", tức ca sĩ hát Đa-xtan, nghe họ hát, học hát trích đoạn nổi tiếng. Cụ Ka-dim cho rằng, văn hoá có lịch sử hơn 2000 năm của dân tộc Ca-dắc đã được ghi trong nghệ thuật Đa-xtan, đó là dấu ấn văn hóa của người dân tộc Ca-dắc. Cụ nói:

"Đa-xtan chứa đựng văn hóa, lịch sử và ngày nay của dân tộc Ca-dắc. Thời xưa không có chữ viết, chúng tôi thông qua nghệ thuật Đa-xtan truyền văn hóa truyền thống dân tộc Ca-dắc cho thế hệ sau."

Hồi còn nhỏ, do giáo dục chưa phát triển, cụ Ka-dim chỉ học 3 tháng ở trường, nhưng điều này không trở ngại cho cụ học tập Đa-xtan. Chỉ cần nghe người khác hát một lần, cụ học thuộc lòng ngay lời hát và giọng hát. Cụ còn thường tự soạn bài hát Đa-xtan theo những mẩu chuyện thú vi xẩy ra ở xung quanh. Dần dần cụ Ka-dim ngày càng nổi tiếng, một khi thôn cụ hoặc thôn lân cận tổ chức hoạt động, đều mời cụ đi biểu diễn. Cụ nói:

"Có khi tôi phải hát liên tục một tuần hoặc nửa tháng. Chẳng hạn, khi thôn tổ chức các hoạt động như đám cưới, lễ cắt bao quy đầu, đặt tên cho trẻ sơ sinh, ngày lễ dân tộc, tôi phải đi hát suốt 1 ngày đêm. Năm 1956, khu vực An-tay tổ chức một hoạt động, tôi đã đi hát suốt 1 ngày đêm. Nếu hát từ bây giờ, tôi có thể hát liên tục đến ngày mai."

Chính hát Đa-xtan đã khiến cụ Ka-dim có được người bạn đời xinh đẹp. Năm hơn 20 tuổi, thôn lân cận tổ chức buổi tiệc, mời cụ đi hát Đa-xtan. Tại buổi tiệc, một cô gái có làn da trắng, điệu múa đẹp đã thu hút sự chú ý của cụ Ka-dim, trong khi đó cô gái cũng chú ý tới cụ Ka-dim đẹp trai, hai người đã yêu nhau ngay từ cái nhìn đầu tiên. Điều thú vị là, anh trai của cô gái chính là ca sĩ hát Đa-xtan nổi tiếng trong thôn. Để lấy được cô gái xinh đẹp, cụ Ka-dim vừa lao động vừa nỗ lực gấp bội học Đa-xtan.

Cụ Ka-dim thường chìm đắm trong tiếng hát Đa-xtan của mình mà quên hết mệt nhọc. Những người xung quanh cụ cũng bị tiếng hát của cụ cảm động, để bày tỏ lòng kính trọng và cảm ơn, có người tặng cho cụ một con tuấn mã, một con cừu hoặc một tấm vải. Nhưng, cụ Ka-dim hát Đa-xtan không vì mục đích kiếm tiền, kiếm của, mà là vì kế thừa nghệ thuật dân tộc Ca-dắc. Cụ nói:

"Học thuộc lòng Đa-xtan sẽ biết được văn hoá đặc sắc của dân tộc Ca-dắc, văn hóa này mới được bảo tồn. Trong Đa-xtan có những mẩu chuyện kể về những người anh hùng dân tộc Ca-dắc, truyền thuyết về những nghệ nhân dân gian dân tộc Ca-dắc và người kết thừa văn hóa dân tộc Ca-dắc."

Đa-xtan dân gian dân tộc Ca-dắc lưu truyền rộng rãi trong khu vực người dân tộc Ca-dắc tập trung cư trú, trong dân gian lưu truyền hơn 200 bài hát Đa-xtan, nhưng người có thể hát toàn bộ hơn 200 bài Đa-xtan chẳng có là bao. Điều khiến cụ Ka-dim lấy làm đáng tiếc là, trong lớp trẻ không có mấy người biết hát Đa-xtan.

Năm 2008, Đa-xtan dân gian dân tộc Ca-dắc được đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đợt hai của Trung Quốc, cụ Ka-dim cũng được công nhận là người kế thừa nghệ thuật Đa-xtan dân gian dân tộc Ca-dắc. Nhằm bảo tồn văn hóa dân gian có lịch sử lâu đời này, chính quyền địa phương thành lập cơ quan chuyên trách bảo hộ những nghệ nhân hát Đa-xtan. Họ ghi chép và ghi âm 104 bài Đa-xtan mà cụ Ka-dim hát được, và còn thành lập cơ sở và trường học dành riêng cho cụ Ka-dim tuyển chọn học sinh học Đa-xtan.

Bà Hà Yến, Giám đốc Trung tâm Văn hóa huyện Phúc Hải cho biết:

"Hiện nay chúng tôi đã mở lớp kế thừa tại trường học, mỗi tuần trường có một tiết học dành thanh thiếu niên học hát Đa-xtan, để kế thừa và bảo tồn nghệ thuật Đa-xtan."