Mẫn Linh

Cầu vồng Hữu nghị: Vì sao người Trung Quốc ăn bánh chưng vào Tết Đoan Ngọ?

24-06-2020 15:37:25(GMT+08:00)
Chia sẻ:

Ngày 25/6 năm nay là Tết Đoan ngọ, một trong bốn ngày tết cổ truyền lớn nhất Trung Quốc cùng với Tết Nguyên đán, Tết Thanh Minh và Tết Trung thu. Trong khi ở Việt Nam còn gọi Tết Đoan ngọ là “Tết giết sâu bọ”. Mặc dù người dân Trung Quốc và Việt Nam đều có phong tục đón Tết Đoan ngọ, nhưng phong tục trong ngày tết này lại khác nhau rất nhiều. Riêng về món ăn, tại Hà Nội và một số vùng của miền Bắc ngày này, rượu nếp, đặc biệt là rượu nếp cẩm, là món không thể thiếu trong khi ở Trung Quốc, món ăn đặc trưng nhất là bánh chưng. Bánh chưng là món ăn truyền thống của người Việt trong Tết Nguyên đán. Vậy, vì sao người Trung Quốc ăn bánh chưng vào Tết Đoan ngọ? Bài viết của bạn Ngô Khanh, lưu học sinh Việt Nam tại Đại học Sư phạm Hoa Đông, Trung Quốc sẽ bật mí cho các bạn. Trong chương trình hôm nay, Mẫn Linh xin trân trọng giới thiệu với các bạn bài viết này.

图片默认标题_fororder_VCG111104190591

 Tết Đoan Ngọ (端午节), hay còn gọi là Tết Đoan Dương (端阳节), vào ngày mùng năm tháng năm âm lịch. Là một trong những ngày tết truyền thống quan trọng của người Trung Quốc, được Nhà nước Trung Quốc quy định là ngày nghỉ lễ. Ngày tết Đoan Ngọ có nguồn gốc lâu đời, được cho là để tưởng nhớ nhà thơ yêu nước Khuất Nguyên.

Nguồn gốc của ngày Tết Đoan Ngọ:

Về nguồn gốc của tết Đoan Ngọ, quan điểm phổ biến nhất là tưởng niệm nhà thơ Khuất Nguyên. Khuất Bình (屈平), tự là Nguyên (原), vẫn thường được gọi là Khuất Nguyên (屈原), là thi sĩ, trung thần ở nước Sở thời Chiến Quốc. Ông có tính khí cương trực, thường hay can gián nhà vua, nên bị nịnh thần gièm pha, sau phải đi đày. Trên đường đi đày, nghe tin nước Sở mất, ông trẫm mình xuống sông Mịch La (汨罗). Người dân thương tiếc, thường tổ chức tưởng niệm vào ngày ông tự vẫn, chính là mùng năm tháng năm âm lịch.

Tương truyền, sau khi nghe tin Khuất Nguyên nhảy xuống sông Mịch La, rất nhiều người dân lập tức tổ chức đội thuyền chèo ra sông Mịch La để cứu ông, đoàn thuyền đi mãi đến tận hồ Động Đình mà không tìm thấy thi thể của ông. Sau này mỗi năm người dân đều tổ chức đua thuyền rồng, chính là bắt nguồn từ việc này. Lại truyền rằng, người dân sợ cá dưới sông ăn mất thi thể Khuất Nguyên, bèn mang cơm nắm thả xuống nước cho cá ăn, mong cá không rỉa thi thể ông. Từ đó có tục làm bánh chưng nhân ngày Đoan Ngọ.

Ngoài ra, Tông Lẫm trong “Kinh Sở Tuế Thời Kí” lại cho rằng, tục đua thuyền rồng và ăn bánh chưng bắt nguồn từ việc người dân vùng đó đón tiếp Ngũ Tử Tư (đại phu nước Sở, sau trở thành tướng quốc nước Ngô thời Xuân Thu trong lịch sử Trung Quốc), chứ không liên quan đến Khuất Nguyên. Cũng có người cho rằng ngày này để tưởng nhớ người con gái hiếu thuận Tào Nga (cha Tào Nga rơi xuống sông chết chìm, Tào Nga ngồi trên bờ khóc, đến ngày mùng năm tháng năm âm lịch thì nhảy xuống sông tự vẫn).

Các học giả Việt Nam không cho rằng tết Đoan Ngọ vốn bắt nguồn từ việc tưởng nhớ Khuất Nguyên, mà phải có nguồn gốc sớm hơn. “Đoan Ngọ” vốn là “Đoan Ngũ”, tức là bắt đầu tháng Năm. Thời gian này đã bắt đầu vào giai đoạn giữa hè, thời tiết nóng nực, sâu bọ sinh sôi nhiều, nên người Việt Nam có phong tục ăn rượu nếp giết sâu bọ. Lại là thời kì cây ra trái, nên có phong tục ăn hoa quả. Học giả Lưu Đức Khiêm (Trung Quốc) cũng đặt giả thiết rằng tết Đoan Ngọ vốn là kỉ niệm ngày Hạ Chí, nên có nhiều phong tục không liên quan gì đến Khuất Nguyên, mà lại có nhiều phong tục thời xưa quy về phong tục Hạ Chí.

Những nét văn hoá còn giữ lại:

Phong tục ăn Tết Đoan Ngọ của người Trung Quốc khác với người Việt Nam, khi đến Tết Đoan Ngọ, người Trung Quốc ăn bánh chưng, đua thuyền rồng, treo cành cây thạch xương bồ, cành cây ngải cứu, uống rượu hùng hoàng, mang theo túi thơm v.v.

Thuyền rồng trong ngày lễ này tùy từng địa phương mà có kích thước và số lượng người chèo khác nhau, nhưng đều làm từ gỗ, có vẽ những hình hoa văn trang trí. Trước khi đua thuyền phải mời rồng, tế thần. Ví như ở Quảng Châu, trước ngày Đoan Ngọ người ta phải đưa thuyền lên khỏi mặt nước, làm lễ tế, rồi lắp đầu rồng và đuôi rồng lại với nhau, sau đó mới thi đấu.

Còn ở thành phố Mịch La, tỉnh Hồ Nam, trước hết phải ra miếu Khuất Nguyên cúng tế, trùm vải đỏ lên đầu rồng, đặt lên bàn tế. Làm lễ xong mới lắp đầu rồng vào thuyền và đua, vừa để mời rồng, vừa tế Khuất Nguyên. Ở vùng Chiết Giang thì trước khi đua thuyền phải tế Tào Nga.

Người Trung Quốc có tục ăn bánh chưng vào ngày Đoan Ngọ. Gọi là bánh chưng (粽子) vì cách làm gần giống bánh chưng của Việt Nam, bên ngoài gói lá, bên trong gạo nếp, có nhiều loại nhân, bánh chưng truyền thống nhất là bánh chưng nhân táo đỏ, nhân đậu, nhân thịt và nhân lạc. Nhưng bánh chưng của Trung Quốc không phải hình vuông to như ở Việt Nam, mà là hình củ ấu nho nhỏ. Ngày nay nhân bánh có rất nhiều loại, từ táo đỏ, thịt, long nhãn, trứng mặn đến hạt dẻ…

Ngoài ra còn có các tục khác nữa như uống rượu hùng hoàng trừ ngũ độc, hái thuốc, hái trà…

Bánh chưng ăn vào Tết Đoan ngọ của người Trung Quốc khác hẳn bánh chưng ăn vào Tết Nguyên đán của người Việt Nam, bánh chưng của Trung Quốc nhỏ hơn, vì vậy cũng không cần phải đun nhiều giờ như ở Việt Nam. 

 

Biên tập viên:Mẫn Linh
Lựa chọn phương thức đăng nhập